Bản chất của áp giá trần dầu Nga - Hình thức trừng phạt kiểu mới sẽ chặn đứng nguồn tiền của Moscow? (Nguồn: Oilprice) |
Một “Liên minh áp giá trần dầu Nga” đã được thiết lập. Ngoài các thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), còn có Australia và các nước thành viên EU. Washington, London và Brussels đã phát triển các cơ chế pháp lý cho những hạn chế mới, yêu cầu khách hàng muốn mua dầu Nga bằng đường biển sẽ không được phép trả quá 60 USD/thùng.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là lệnh áp trần giá dầu có khiến các nước cần dầu Nga chùn bước, hay số lượng dầu Nga được bán ra thị trường có bị hao hụt đi so với hiện nay không?
Hình thức trừng phạt kinh tế kiểu mới?
Ngưỡng giá dầu là một hình thức trừng phạt kinh tế tương đối mới và không theo các tiêu chuẩn truyền thống.
Công cụ phổ biến nhất của các biện pháp trừng phạt hiện đại là hạn chế xuất khẩu và nhập khẩu, cũng như các biện pháp trừng phạt ngăn chặn (phong toả). Các biện pháp trừng phạt ngăn chặn có nghĩa là lệnh cấm mọi giao dịch tài chính với các cá nhân hoặc tổ chức có trong danh sách những người bị phong toả.
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga hiện đã phải đối mặt với hàng loạt các hạn chế xuất khẩu và nhập khẩu. Mỹ, EU, Anh và một loạt quốc gia khác đã áp đặt hoặc đang từng bước áp đặt lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga.
Họ cũng đã chặn phần lớn việc cung cấp thiết bị cho ngành năng lượng Nga. Thậm chí, ngay từ trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, một số công ty dầu mỏ lớn của Nga đã phải chịu các hạn chế theo ngành, dưới hình thức cấm cho vay dài hạn và cấm cung cấp phục vụ các dự án riêng lẻ.
Nhưng hoá ra, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt ngăn chặn đang trở nên khó khăn hơn. Một số nhà quản lý hàng đầu và cổ đông lớn của tài sản dầu mỏ Nga đã được đưa vào "danh sách đen" những người bị hạn chế. Tuy nhiên, bản thân các công ty ở phương Tây lại không muốn thực thi các biện pháp này. Bởi Nga là nhà cung cấp dầu quá lớn cho thị trường thế giới. Việc ngăn chặn các giao dịch tài chính của các nhà cung cấp Nga sẽ dẫn đến sự hoảng loạn trên thị trường và giá cả tăng chóng mặt. Các tác động ngược đó chính là điều duy nhất ngăn cản phương Tây từ bỏ việc ngăn chặn các công ty dầu của Nga.
Bởi vậy, việc áp đặt một mức giá trần được xem là biện pháp nhẹ nhàng hơn. Những nước khởi xướng "Liên minh áp trần giá dầu Nga" đã đánh cược vào việc các nước phương Tây kiểm soát phần lớn ngành vận tải và bảo hiểm, cũng như sự thống trị của đồng USD trong các giao dịch tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, họ cũng tin rằng, các nhà sản xuất Nga đang bị đẩy vào tình thế phải bán dầu trong ngưỡng giá cho phép, hoặc hàng sẽ không bán được.
Ngoài ra, thứ hàng hoá đặc biệt này sẽ không nhận được bảo hiểm và các giao dịch tài chính vì mọi giao dịch liên quan đến các ngân hàng từ các quốc gia trong “Liên minh trần giá” sẽ trở nên bất khả thi. Bộ Tài chính Mỹ đã cảnh báo tới các hãng vận tải, công ty bảo hiểm, chủ ngân hàng và những người tham gia thị trường rằng, mức giá thương mại bất hợp lý sẽ được coi là dấu hiệu vi phạm cơ chế giá trần.
Phản ứng của Nga và còn hơn thế nữa?
Về phía Nga, Moscow đã đe doạ sẽ cắt nguồn cung cấp cho những quốc gia sẽ thực hiện các quyết định của “Liên minh giá trần” nói trên. Nhưng dù sao, đến nay, các thành viên trong “liên minh” này cũng đã từ bỏ phần lớn dầu mỏ của Nga.
Trong khi, Ấn Độ, Trung Quốc và các "nước thân thiện" khác có thể không tham gia liên minh trên, nhưng các hãng vận tải phương Tây sẽ không tham gia vận chuyển dầu của Nga tới các nước này.
Trong khi đó, tờ Gulf News cho rằng, tác động của biện pháp áp trần giá dầu đối với Nga là không nhiều, do chi phí sản xuất của nước này hiện chỉ khoảng 30 - 40 USD/thùng, nên giá bán từ 60 - 70 USD/thùng là vừa đủ để cân bằng ngân sách. Và trên thực tế, Nga hiện đang bán dầu hạ giá cho các khách châu Á "thân thiện" chỉ ở mức 45 - 48 USD/thùng.
Tờ Arab News lại nêu một thực tế khác, việc phương Tây thực sự kiểm soát được việc xuất dầu của Nga trên biển là không dễ dàng. Nếu muốn, người ta có thể lách lệnh trừng phạt của phương Tây, bằng cách trộn dầu Nga với dầu có nguồn gốc khác. Bởi cho tới nay, các tiêu chí rõ ràng cho các tỷ lệ pha trộn vẫn chưa được xác định, mặc dù Bộ Tài chính Mỹ kêu gọi thận trọng trong các giao dịch như vậy. Đến nay, các phương pháp lách trừng phạt cũng ít khi bị phát hiện và sẽ không giải quyết được vấn đề một cách có hệ thống đối với Nga.
Giới quan sát còn cho rằng, vẫn có một số cách khác có thể "vô hiệu hóa" biện pháp chừng phạt mới này. Chẳng hạn, một mặt vẫn tuân thủ mức giá trần chính thức, nhưng mặt khác thao túng giá vận chuyển hoặc các dịch vụ liên quan khác.
Đối với Moscow, để bán hàng, một biện pháp đối phó rõ ràng nhất là xây dựng đội tàu chở dầu của riêng nước Nga. Tuy nhiên, Mỹ và EU có thể chỉ cần thêm các tàu chở dầu của Nga vào "danh sách đen" ngăn chặn và tiếp theo đó là "ra tay" cản trở các dịch vụ đối với tàu Nga tại các cảng nước ngoài.
Tất nhiên, các biện pháp trừng phạt và tiền phạt thứ cấp của Mỹ sẽ gây lo ngại ở cả các quốc gia thân thiện. Kinh nghiệm về các biện pháp trừng phạt thứ cấp của Mỹ đối với tàu chở dầu COSCO của Trung Quốc và một số công ty khác vì cáo buộc vận chuyển dầu của Iran vào năm 2019, có thể là một lời cảnh báo. EU cũng đã đưa ra cơ chế trừng phạt các tàu chở dầu của Nga vượt giá trần. Theo đó, tàu vi phạm sẽ bị từ chối các dịch vụ tài chính, bảo hiểm và các dịch vụ khác trong khu vực tài phán của EU.
Các vấn đề tương tự cũng có thể phát sinh khi một công ty bảo hiểm của Nga được thành lập để phục vụ các chuyến hàng chở dầu số lượng lớn, hoặc nếu một công ty khác từ các quốc gia thân thiện có liên quan. Ở đây, Mỹ và các đồng minh của họ cũng có trong tay công cụ trừng phạt thứ cấp. Và các giao dịch tài chính cũng chịu chung số phận như vậy.
Như vậy, bằng cách gây áp lực lên lĩnh vực dầu mỏ của Nga, Mỹ và các nước khởi xướng "Liên minh trần giá" sẽ sử dụng kinh nghiệm phong phú có được trong việc hạn chế Iran. Đã có lúc, Washington đạt được việc “toàn cầu hoá” lệnh cấm nhập khẩu dầu của Iran và các dịch vụ liên quan đến việc nhập khẩu đó.
Nhưng thực tế thì, Iran vẫn tiếp tục tồn tại dưới các lệnh trừng phạt, mặc dù bị tổn thất. Nga cũng vậy, giới quan sát cho rằng, Moscow vẫn có thể phát triển những biện pháp khác đối phó với “Liên minh trần giá” để thu tiền về. Như một quan chức Nga cho rằng, việc áp giá trần đối với dầu Nga là "định hình lại" các nguyên tắc thị trường tự do. Nếu thế giới vẫn có nhu cầu với dầu Nga thì thị trường sẽ có cách bất chấp các lệnh hạn chế trên.
Nga cũng vẫn sẽ duy trì những cách hiệu quả để cung cấp dầu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, giống như trường hợp của Iran, lệnh trừng phạt sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu dầu của Nga.
Còn trên thực tế, trong bối cảnh phương Tây vừa thống nhất được mức trần áp lên dầu xuất khẩu của Nga, thì Liên minh OPEC+ (trong đó có Nga) lại bắt đầu nhóm họp để quyết định về sản lượng cho thời gian tới. Giới truyền thông quốc tế đồn đoán rằng, với những tác động không rõ ràng từ các lệnh áp trần giá trần dầu Nga, OPEC+ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì mức sản lượng thắt chặt, sau khi đã cắt giảm 2 triệu thùng/ngày vào tháng 11. Thậm chí, OPEC+ có thể còn tính đến việc tiếp tục cắt giảm thêm nếu giá dầu có xu thế đi xuống.