Triển lãm ảnh về thành phố Krakow
Toàn bộ khung cảnh thành phố Krakow cổ kính sẽ được tái hiện qua 39 bức ảnh được trưng bày tại triển lãm với các nội dung: Krakow dưới cái nhìn của Harmann Schedel Chronia Mundi 1943; Đồi Wawel nhìn từ tháp tòa thị chính; Chợ quảng trường và khu trung tâm chính quyền thành phố; Giáo đường chính nhà thờ St. Mary; Khu thư viện trong tòa Collegium Maius; Khung cảnh tráng lệ của tu viện; Những khu vườn bao bọc nơi ở cổ kính...
Thành phố Krakow nằm phía Nam của Ba Lan trên dòng sông Vistula và là một trong những thành phố có lịch sử lâu đời và đẹp nhất vùng Đông Âu, cố đô của Ba Lan trong 5 thập niên, và hiện nay vẫn là trung tâm văn hoá, lịch sử quan trọng nhất của quốc gia này. Đó là một đô thị may mắn thoát khỏi những thăng trầm của lịch sử Ba Lan, và tới nay vẫn giữ được nhịp điệu cũng như hầu hết mọi dáng dấp của thời xưa.
Trải qua nhiều thế kỷ hình ảnh của thành phố đã dần thay đổi. Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, Krakow là một thành phố vững mạnh, giàu có và an toàn được bao quanh bởi các bức tường cùng với 55 tháp. Trong Thời kỳ Phục Hưng, Krakow trở thành trung tâm của những ý tưởng tiến bộ, cùng với một nền văn hoá tập trung những nhà nhân đạo học, nhà văn, kỹ sư và nhạc sỹ nổi tiếng. Một vài thế kỷ sau đó, khi thành phố phải trải qua sự suy giảm về kinh tế trong suốt thời kỳ hiện đại, nhưng dường như hầu hết giới nghệ sỹ Ba Lan tìm thấy thiên đường của họ tại Krakow.
Buổi trình diễn Piano nhạc Chopin
Fédéric Chopin (1800 – 1849), nhà soạn nhạc, nghệ sĩ Piano vĩ đại của Ba Lan, người sáng lập âm nhạc kinh điển của Ba Lan. Ông là đại diện lớn nhất của nền văn hóa Ba Lan và có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của nghệ thuật âm nhạc toàn thế giới. Âm nhạc Chopin diễn đạt một cách nồng nhiệt và đầy kịch tính những lý tưởng đấu tranh giải phóng của nhân dân Ba Lan, nỗi đau thương bi thảm của sự áp bức, khí thế anh hùng giành tự do, đã thể hiện phong phú thế giới cảm xúc của con người.
|
Giai điệu của Chopin với những âm hưởng trò chuyện, đắm đuối chất ca hát du dương với những tác phẩm đượm màu sắc lãng mạn bởi sự táo bạo về bút pháp, chất cổ điển bởi sự thanh khiết và khúc triết. Ông còn là nhà soạn nhạc lớn đầu tiên đưa vào tác phẩm tính chất đặc biệt của âm nhạc dân tộc. Chất Ba Lan có ở phần lớn các tác phẩm của ông, không chỉ ở riêng ở các Mazuaka và pôlône. Nghệ thuật biểu diễn Piano của Chopin, một trong những nghệ sĩ piano kiệt xuất nhất thế giới, là sự thống nhất của tính chân thành và vẻ biểu diễn, kĩ thuật tuyệt xảo tráng lệ và sự sâu sắc của xúc cảm.
Lần này tại Việt Nam, các nhạc phẩm của Chopin sẽ được các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng – Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn.
Còn đó những băn khoăn
Việt Nam và Ba Lan là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về lịch sử và có mối quan hệ bang giao khá lâu đời. Số lượng người Việt Nam hiện đang định cư ở Ba Lan hiện nay cũng tương đối lớn so với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian qua, những hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam tại Ba Lan và văn hóa Ba Lan tại Việt Nam diễn ra khá nhỏ lẻ.
Vào tháng 9 năm 2008, nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, tác phẩm trường ca Chàng Tadeush (Vụ cưỡng chiếm cuối cùng ở Litva) của thi hào người Ba Lan Adam Mickiewicz, bản dịch hoàn chỉnh mới đến được tay của độc giả Việt nam thông qua bản dịch của dịch giả Hoàng Văn Thái. Điều đáng nói là, tác phẩm này là một trong những tác phẩm lớn nhất của nền văn học Ba Lan và của nhân loại. Với người Ba Lan, Chàng Tadeush có vị trí giống như Truyện Kiều của Nguyễn Du đối với người Việt.
Những sự kiện giao lưu văn hóa giống như hai sự kiện trên hầu như chỉ xuất hiện thời gian gần đây trong những dịp lễ kỷ niệm lớn như Quốc khánh Ba Lan hay kỷ niệm năm chẵn thiết lập mối quan hệ ngoại giao. Tại những sự kiện này, những hoạt động giới thiệu hầu như ưu tiên cho lịch sử văn hóa. Chính vì lẽ đó, sự phát triển và biến chuyển của văn học nghệ thuật đương đại của hai quốc gia hầu như không có sự trao đổi và giao lưu. Đây không chỉ là sự thiệt thòi đối với công chúng yêu nghệ thuật của cả hai quốc gia mà còn giảm rất nhiều hiệu quả trong việc quảng bá hình ảnh đất nước ra nước ngoài.
Thời gian vừa qua, Đại Sứ quán của một số quốc gia như Pháp với Trung tâm văn hóa Pháp, Anh với Hội đồng Anh, Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã làm khá tốt công tác này. Các hoạt động giao lưu ở những Trung tâm trên làm phong phú thêm đời sống nghệ thuật ở Việt Nam, tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ của Việt Nam đến gần hơn với công chúng và đưa văn học, nghệ thuật của quốc gia đó đến Việt Nam.
Tính hiệu quả của các Trung tâm trên trong việc quảng bá hình ảnh đất nước khiến cho chúng ta cần nhìn lại công việc giới thiệu hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế nói chung và Ba Lan nói riêng. Không thể phủ nhận rằng, những Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là những kênh tốt nhất để giới thiệu hình ảnh một Việt Nam phát triển năng động và đa dạng tới cho bạn bè quốc tế.
Đầu năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Cộng hòa Pháp. Đây là Trung tâm văn hóa Việt Nam đầu tiên tại nước ngoài. Hy vọng trong thời gian tới, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch sẽ phối hợp với Các Đại Sứ quán Việt Nam tại nước ngoài nhuần nhuyễn hơn để quảng bá hình ảnh Việt Nam tại những quốc gia đó thông qua những hoạt động văn hóa.
Tuấn Hải (Vietimes)