Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Hội nghị Ngoại giao phiên chủ đề về ngoại giao kinh tế ngày 21/12. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Từ hiểu đến vận dụng
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng khi đã làm công tác đối ngoại thì cần phải hiểu “ngoại giao cây tre Việt Nam” là gì? Theo ông, cây tre có thân chắc, cành mềm uyển chuyển. Như vậy ngoại giao cây tre tức là giữ vững những nguyên tắc và có thể linh hoạt cách thức trong từng tình huống.
“Với nguyên tắc đó, chúng ta đã làm rõ với các nước, các đối tác về những lợi ích căn bản của đất nước, những giá trị mà Việt Nam theo đuổi và sẽ không thay đổi, kiên quyết bảo vệ. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ linh hoạt với các xu thế, tình hình mà vẫn giữ được nguyên tắc của mình”, Đại sứ phân tích. Theo ông, khi các nước hiểu được đâu là các nguyên tắc mà Việt Nam theo đuổi, những gì Việt Nam có thể linh hoạt, khả năng hợp tác đến đâu thì việc hợp tác từ đó trở nên dễ dàng hơn.
Vận dụng tư duy đó trong quan hệ với Mỹ, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng lập luận, khi Mỹ muốn đẩy mạnh, nâng cấp quan hệ với Việt Nam thì trước hết phải tôn trọng những gì mà Việt Nam coi là nguyên tắc, từ đó Việt Nam và Mỹ mới có thể “nói chuyện” và đi đến hợp tác, đáp ứng lợi ích của hai bên, tuỳ từng hoàn cảnh và thời điểm.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho rằng chính sự chắc chắn về chiến lược, về lợi ích và sự uyển chuyển trong cách thức ngoại giao đã tạo điều kiện cho Việt Nam thể hiện được quan điểm của mình và có những điều phù hợp với xu thế chung, từ đó có thêm bạn, thêm đối tác. Theo ông, hiện nay, ngoại giao cần đi đầu để tạo môi trường thuận lợi, phát huy nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho phát triển. Đồng thời, ngoại giao rất cần sự toàn diện, không chỉ tập trung vào một lĩnh vực.
Đại sứ Vũ Hồ, quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cảm nhận nền ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam rất đúng đắn. Theo ông Vũ Hồ, đối ngoại Việt Nam phải dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc để từ đó vươn lên, chuyển hóa, biến khẩu hiệu thành hiện thực, biến cảm xúc thành hành động.
Gắn với hợp tác trong ASEAN, Đại sứ Vũ Hồ cho rằng bất cứ quốc gia nào muốn tồn tại đều phải dựa vào quan hệ với các nước láng giềng, để phục vụ cho mục tiêu cao cả nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc. Quan hệ của Việt Nam với ASEAN, với các nước thành viên ASEAN nói riêng và hoạt động của Việt Nam trong ASEAN nói chung đều nhằm mục tiêu cao cả nhất là phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Trên cơ sở đó, quan trọng nhất là xây dựng, thiết lập lòng tin, bảo đảm đối thoại và hợp tác là công cụ chủ yếu trong hoạt động của Việt Nam trong ASEAN và trong quan hệ của Việt Nam với từng nước thành viên. “Quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng và quốc tế đều dựa trên sự hòa hiếu, tinh thần đối thoại và hợp tác. Từ thời kỳ Đổi mới đến nay, chúng ta đều lấy đối thoại và hợp tác làm công cụ, cơ sở cho đối ngoại Việt Nam”, Đại sứ Vũ Hồ nhấn mạnh.
Công cụ ngoại giao kinh tế kiểu mới
Kể từ Đại hội XIII của Đảng, tinh thần “ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” dường như đã “ngấm vào máu” nhiều Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ngoại giao kinh tế, vì vậy, trở thành một trọng tâm, ưu tiên quan trọng trong mọi hoạt động của cơ quan đại diện. Cũng vì “thấm vào tư duy, ngấm vào máu” như vậy, gặp mỗi Đại sứ là một câu chuyện ngoại giao kinh tế khác nhau song đều sục sôi, quyết liệt và đầy nhiệt huyết.
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành hào hứng kể về những “chiến công” mà ông cùng đồng nghiệp đã nỗ lực triển khai bền bỉ trên đất Thái. Điều khiến ông vui mừng nhất là một mô hình Phòng thương mại Việt Nam tại Thái Lan (VietCham) đầu tiên trên thế giới đã “ra lò”.
Trong hơn hai năm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cùng các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Thái Lan, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Vietjet, FPT, các tập đoàn công nghệ như VMO “thai nghén” và quyết định thành lập VietCham. Đây là Phòng thương mại Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên trên thế giới, lấy tên là VietCham Thái Lan. Vào tháng 10 vừa qua, VietCham đã có giấy phép và “ra mắt” trong chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, việc thành lập VietCham gây tiếng vang lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp tại Thái Lan.
Theo Đại sứ Phan Chí Thành, VietCham là mô hình mới đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại các nước. Ông hy vọng một khi đã có VietCham Thái Lan thì sau này sẽ có thêm VietCham Lào, VietCham Nga, VietCham Mỹ, VietCham ở một số nước châu Âu, từ đó, tạo thành một hệ thống các phòng thương mại Việt Nam tại các nước, nâng tầm liên kết và hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.
“Tôi cho rằng, đây là công cụ ngoại giao kinh tế trong tương lai. Sắp tới, chúng tôi đã bàn với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và họ nhất trí xây dựng đề án trình Chính phủ về việc phát triển mạng lưới này trên thế giới. Trên cơ sở mô hình của VietCham Thái Lan, Đại sứ quán Việt Nam có thể triển khai nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế”, Đại sứ Phan Chí Thành
chia sẻ. Liên kết doanh nghiệp người Việt cũng là điều Đại sứ Phan Chí Thành trăn trở và tìm cách thúc đẩy. Điều khiến ông tự hào là hồi tháng 11, lần đầu tiên diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar do Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.
“Hy vọng rằng diễn đàn này sẽ được tổ chức hằng năm và tạo thành một sân chơi để các doanh nghiệp người Việt liên kết với nhau, xây dựng mạng lưới phân phối hàng Việt Nam tại các nước trong tiểu vùng sông Mekong, hỗ trợ nhau trong kinh doanh theo mô hình mới, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp Việt kiều cũng như triển khai xây dựng mạng lưới phân phối hàng Việt Nam tại nước ngoài”, Đại sứ Phan Chí Thành bày tỏ.
Hiện thực hóa những cơ hội
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, hiện thực hóa cụ thể hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore tốt nhất có thể là điều mà Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng không ngại khó, không ngại khổ để thúc đẩy trong những năm qua. Thành quả nổi bật trong hợp tác kinh tế hai nước phải kể đến việc trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long (8/2023), hai bên đã khởi công thêm bốn khu công nghiệp VSIP mới và dự định đầu tư vào sáu khu công nghiệp khác. Hiện tại, đã có 14 khu công nghiệp VSIP tại Việt Nam và sẽ có thêm sáu khu trong tương lai.
Theo Đại sứ Mai Phước Dũng, Singapore là trung tâm kinh tế tài chính của Đông Nam Á, do đó Việt Nam phải tranh thủ tiềm năng, lợi thế này của nước bạn để thu hút đầu tư, không chỉ của Singapore, mà còn với các công ty của các nước đặt tại Singapore. Ngoài ra, Việt Nam đang thúc đẩy việc bán điện sạch, điện gió ngoài khơi cho Singapore. Đây là dự án đầy tiềm năng và Singapore rất trông đợi ở Việt Nam.
“Singapore cũng thấy tiềm năng logistics ở Việt Nam là cực lớn. Tháng Bảy vừa rồi, tôi đã giới thiệu Công ty quản lý cảng PSA của Singapore với Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Khi biết Việt Nam chuẩn bị mở đường sắt cao tốc Bắc - Nam, họ rất muốn giúp Việt Nam xây kho logistics trên tuyến đường sắt này. Logistics của Singapore dùng tự động, công nghệ cao và theo tiêu chuẩn quốc tế, nếu có đầu tư của phía bạn vào thì đó là điều rất tuyệt vời”, Đại sứ Mai Phước Dũng chia sẻ.
Liên minh châu Âu (EU) là một thị trường vô cùng tiềm năng mặc dù luôn đi kèm với tiêu chuẩn khắt khe, nghiêm ngặt. Nắm chắc địa bàn trong nhiều năm hoạt động ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU Nguyễn Văn Thảo luôn đau đáu hiện thực hóa được những cơ hội lớn từ thị trường này. Đặc biệt, hiện nay EU là khối luôn đi đầu trong các tiêu chuẩn về phát triển xanh, phát triển bền vững. Nếu tiếp cận thích ứng ngay từ đầu, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng Việt Nam sẽ vượt các đối thủ cạnh tranh, đạt được lợi ích kép vì đã có FTA.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết, Chính phủ đã có những trao đổi, đàm phán với EU để có các chương trình hợp tác nói chung, cho các doanh nghiệp nói riêng trong việc tiếp cận các tiêu chuẩn của EU, trong đó có phát triển xanh, phát triển bền vững. Phần còn lại vẫn phải là tính chủ động của doanh nghiệp.
Có mảnh đất nào mà không có “phù sa” và hoa chỉ có thể mọc lên từ đất! Dù là bất cứ nơi đâu, địa bàn nào, với thuận lợi và khó khăn khác nhau, các nhà ngoại giao Việt Nam vững tâm, vững trí, vững lòng vẫn đang xuôi ngược tìm kiếm “mầm hoa trong đất” để tưới tắm, vun trồng, háo hức ngày “hoa nở”. Đó không chỉ là hạnh phúc của những người “mở đường” mà lớn lao hơn còn là sứ mệnh, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó!