📞
Triều Tiên cắt đứt quan hệ ngoại giao với Malaysia:

Bắn tín hiệu đến chính quyền Joe Biden, Triều Tiên 'trút giận' lên Malaysia?

Hồng Phúc 21:16 | 20/03/2021
TGVN. Trong một động thái bất ngờ, Triều Tiên tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Malaysia liên quan vụ Kuala Lumpur dẫn độ công dân Triều Tiên đến Mỹ với các cáo buộc rửa tiền.

Ngày 19/3, Triều Tiên tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Malaysia sau khi một Tòa án liên bang Malaysia quyết định bác bỏ kháng cáo của công dân Triều Tiên Mun Chol-myong yêu cầu dừng việc dẫn độ.

Nghi phạm Mun Chol-myong đối mặt với 4 cáo buộc rửa tiền tại Mỹ và 2 âm mưu rửa tiền liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình khi cung cấp các hàng hóa xa xỉ thuộc diện cấm từ Singapore về Triều Tiên.

Ngày 17/3 vừa qua, người này đã bị Tòa án liên bang Malaysia bác kháng cáo yêu cầu dừng việc dẫn độ tới Mỹ.

Tòa án tối cao Malaysia ngày 9/3 phán công dân Triều Tiên Mun Chol-myong có thể bị dẫn độ sang Mỹ để đối mặt với tội danh rửa tiền. (Nguồn: Bloomberg)

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này nêu rõ Bình Nhưỡng coi việc Kuala Lumpur dẫn độ công dân Triều Tiên sang Mỹ là "hành động thù địch".

Theo Bộ Ngoại giao Triều Tiên, công dân bị dẫn độ sang Mỹ là người "có liên quan tới những hoạt động thương mại ở Singapore" và người này bị "chụp mũ" là có liên quan đến hoạt động rửa tiền.

Phản ứng của Malaysia

Trong tuyên bố chiều ngày 19/3, Bộ Ngoại giao Malaysia nhấn mạnh quốc gia Đông Nam Á rất "lấy làm tiếc" về quyết định của Triều Tiên.

Kuala Lumpur coi động thái này "không mang tính xây dựng", không tôn trọng tinh thần tôn trọng lẫn nhau và mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các thành viên trong cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố khẳng định Malaysia đảm bảo việc dẫn độ công dân Triều Tiên Mun Chol-myong được thực hiện theo đúng các nguyên tắc và chỉ được tiến hành sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết.

Quyền lợi của công dân Triều Tiên này khi bị giam giữ tại Malaysia được đảm bảo và thực hiện, trong đó có quyền tiếp cận luật sư bào chữa cũng như được gia đình hỗ trợ và thăm nom.

Phía Malaysia cũng yêu cầu tất cả các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur và thân nhân rời khỏi Malaysia trong vòng 48 giờ kể từ ngày 19/3.

TS. Ei Sun Oh, cố vấn tại Trung tâm nghiên cứu Thái Bình Dương (Malaysia), chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế (Singapore) cho rằng phản ứng của chính phủ Malaysia là tương xứng và thích hợp.

Trao đổi với báo giới ngày 20/3, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Abdul Aziz khẳng định nền kinh tế nước này không bị ảnh hưởng bởi quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao của Triều Tiên.

Ông Zafrul cho hay, điều này xuất phát từ thực tế những đóng góp của Triều Tiên đối với nền kinh tế Malaysia vào thời điểm hiện tại rất nhỏ.

Malaysia yêu cầu tất cả các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur và gia đình rời khỏi Malaysia trong vòng 48 giờ. (Nguồn: EPA-EFE)

Phép thử với Mỹ?

Phản ứng cứng rắn của Triều Tiên trong vụ việc còn được xem là một thông điệp mà Bình Nhưỡng muốn gửi tới Mỹ giữa lúc nước này đang hoàn thiện việc rà soát, xây dựng chính sách về Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang ở thăm Hàn Quốc hôm 18/3 cho biết, Mỹ đang hướng tới một chính sách hiệu quả để đạt được “tiến triển thực sự” trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Với động thái mới của Triều Tiên nhằm vào Malaysia, giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng có thể muốn thử phản ứng của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

TS. Hoo Chiew Ping, giảng viên cao cấp về quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Malaysia nhận định trong khi Triều Tiên cho rằng Malaysia đã đề nghị dẫn độ công dân nước mình như “một sự hy sinh đối với nước Mỹ thù địch”, vấn đề thời điểm cho thấy động thái này nhằm mang lại vị thế lớn hơn đối với Nhà Trắng.

Triều Tiên đang đưa ra tín hiệu cho Mỹ rằng Bình Nhưỡng không có khả năng đối thoại với chính quyền của Tổng thống Biden và có thể quay trở lại chiến lược cũ là tránh liên lạc với Mỹ kết hợp với các hành động khiêu khích, chẳng hạn như các vụ thử hạt nhân.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS. Bridget Welsh, cộng tác viên danh dự của Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Nottingham (Malaysia) cho rằng Triều Tiên đang tìm cách đánh giá chính quyền Biden và tình huống này cho Bình Nhưỡng cơ hội để làm điều đó.

Bà Welsh chia sẻ đây vốn là mô hình được áp dụng nhiều trong quá khứ nhằm "đo" các chính quyền mới ở Mỹ về mức độ phản ứng đối với các động thái như vậy của Triều Tiên.

Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia (ISIS) Shahriman Lockman mô tả quyết định của Triều Tiên là “khó hiểu” do không có động cơ lớn nào để Malaysia phải nhận áp lực khi gần như không có giao thương giữa hai nước.

Quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên và Malaysia xấu đi sau vụ ông Kim Jong-nam, anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị giết bằng chất độc thần kinh tại sân bay Kuala Lumpur hồi tháng 2/2017.

(tổng hợp)