Có rất nhiều nguyên nhân khiến mác “cử nhân ngoại” không còn có giá như xưa. Trong đó, ngoài việc cung vượt quá xa cầu, tư duy của nhà tuyển dụng thay đổi, thì còn có cả nguyên nhân chủ quan như ảo tưởng về bản thân, về công việc, mức lương… dẫn đến tình trạng cao không tới, thấp chẳng thông, rồi thành ra thất nghiệp.
Cung đã vượt cầu
Ra nước ngoài học tập, trước đây chủ yếu dành cho những người có nhu cầu nâng cao học vấn thực sự hoặc theo các chương trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục của Chính phủ. Vì vậy, khi ra nước ngoài họ đã xác định rất rõ mục đích của chuyến đi và thực sự gặt hái được những thành công trong học tập, cả về lý thuyết lẫn kinh nghiệm cọ xát thực tiễn.
Tuy nhiên, trong 10-15 năm trở lại đây, khi đời sống kinh tế phát triển hơn, nhiều gia đình có điều kiện đã cho con em đi du học tự túc hoặc có học bổng bán phần… Số này ngày càng tăng mạnh trong những năm gần đây và thậm chí du học đã trở thành “lựa chọn hàng đầu” cho hàng ngàn sĩ tử trượt Đại học sau mỗi mùa tuyển sinh trong nước. Những học sinh này đa phần không xác định được mục tiêu nghề nghiệp cũng như mục đích của chuyến đi. Chính điều này đã gây ra những hệ lụy không nhỏ sau khi các em vẫn “cố gắng” kiếm được tấm bằng để trở về.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo, năm 2014 có khoảng 110.000 người Việt Nam đang học tập tại nước ngoài, trong đó đứng đầu là Australia với 27.580 người, tiếp theo là Mỹ (khoảng 19.000 người) và Nhật Bản (hơn 18.000 người)… Không phải tất cả những người này đều tìm được việc làm ở nước ngoài vì nhiều lý do. Vì thế, khi tốt nghiệp trở về, những cử nhân này, cùng với những cử nhân tốt nghiệp trong nước đã tạo nên tình trạng “bội thực cử nhân” đối với thị trường việc làm Việt Nam.
Thất nghiệp vì ảo tưởng
Theo các nhà tuyển dụng, trừ một số chưa đáp ứng công việc, đa phần các cử nhân có bằng ngoại không được chấp nhận vì họ yêu cầu mức lương khởi điểm quá cao, dù chưa có kinh nghiệm làm việc trước đó.
Ông Lương Xuân An (Phụ trách nhân sự tại một công ty tư nhân tại Hà Nội) cho biết: “Nhiều bạn đi học ở nước ngoài về ảo tưởng rằng mình giỏi hơn sinh viên trong nước và hiển nhiên phải có mức thu nhập cao hơn. Trừ những bạn giỏi thực sự, giành được học bổng 100%, phần lớn các bạn du học về chỉ có điểm mạnh về ngoại ngữ, còn trình độ chuyên môn không vượt trội so với những bạn được đào tạo trong nước. Vì vậy, không phải tất cả người du học về đều giỏi và không phải tất cả đều đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong nước”.
Là người từng du học ở Anh và lăn lộn để có một công việc tạm ổn trong một ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, Nguyễn Anh Tùng (Nghĩa Tân – Cầu Giấy – Hà Nội) thổ lộ: “Học ở nước ngoài và ở Việt Nam có sự khác biệt là điều kiện trường lớp, cơ sở vật chất và phương pháp giảng dạy. Còn việc học như thế nào, có đáp ứng được yêu cầu công việc sau khi tốt nghiệp hay không lại tùy thuộc vào nỗ lực của từng người”.
Không tuyển người giỏi nhất
Thực tế đã cho nhiều nhà tuyển dụng Việt Nam kinh nghiệm xương máu rằng, tấm bằng không nói lên bất cứ điều gì mà cần đánh giá ứng viên qua năng lực lao động thật sự.
Trước đây, các nhà tuyển dụng trong nước từng mắc sai lầm là luôn tuyển người giỏi nhất. Tuy nhiên, phương pháp tuyển dụng này đã bộc lộ nhược điểm bởi những người giỏi sẽ học việc rất nhanh và nếu công việc không đáp ứng được nhu cầu phát triển của họ thì chỉ sau một thời gian ngắn là họ nhảy việc.
Cách làm này hiện nay vẫn được nhiều công ty áp dụng bởi phương châm của họ là “vắt chanh bỏ vỏ” và họ cần những người giỏi nhất để đáp ứng nhu cầu công việc trong thời gian ngắn, sau đó sa thải và tuyển người mới, dồi dào năng lượng và có năng lực tương đương.
Còn lại, hiện nay đa phần các doanh nghiệp có mục tiêu phát triển bền vững đều tuyển dụng nhân viên theo hiệu quả công việc, tức là chọn những người phù hợp nhất cho vị trí đang trống. Chính vì vậy, trong vài năm gần đây đã xuất hiện thực trạng cất bằng đỏ đi bán trà đá hay đi làm công nhân… Thậm chí, nhiều công ty đã từ chối lao động nếu phát hiện ra người có bằng Đại học lại ứng tuyển vào vị trí công nhân.
Thực tế này đã đặt ra những thách thức nhãn tiền đối với những người đi du học và buộc họ phải nghiêm túc hơn trong định hướng nghề nghiệp. Đó là phải xác định học để làm gì, chứ không phải chọn trường nào danh tiếng, ngành học nào đang “hot”…, đồng thời phải trang bị cho mình những kinh nghiệm đáp ứng được thực tế của một thị trường lao động cụ thể.
Chưa chắc một người làm việc tốt ở nước ngoài đã phát huy được năng lực ở Việt Nam. Và vì vậy càng không chắc những người học giỏi ở nước ngoài đã tìm được công việc phù hợp ở trong nước.