Gần đây, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Bangladesh đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Bangladesh được tư vấn nên cẩn trọng đối với dù chỉ một vài dấu hiệu suy yếu, bởi sức mạnh tổng thể của toàn bộ nền kinh tế nước này vẫn cần phải tiếp tục củng cố. Đặc biệt, khi đặt sự phát triển của nền kinh tế trong dài hạn, giới chuyên gia cho rằng, Bangladesh nên chú ý nhiều hơn đến khía cạnh chất lượng và sự phân phối tăng trưởng, hơn chỉ trọng tâm vào tăng trưởng GDP.
Sẵn sàng rời khỏi nhóm kém phát triển
Một trong những thành tựu kinh tế nổi bật của Bangladesh gần đây là tốc độ tăng trưởng trong năm tài chính 2016 đạt 7,28%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay, phá vỡ chu kỳ tăng trưởng 6% kéo dài trong thập kỷ qua. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt mức 1.602 USD, tăng 9,35% so với mức 1.465 USD của năm tài chính trước. Theo Cục Thống kê Bangladesh, quy mô GDP của nước này tính theo mức giá hiện tại đã đạt 248,77 tỉ USD.
Bangladesh có hơn 4.500 nhà máy hoạt động trong ngành may mặc. (Nguồn: AFP) |
Trong đó, điểm nhấn là sự tăng trưởng mạnh và đều qua các năm của các ngành công nghiệp và dịch vụ. Ngoài ra, lạm phát ở mức 5,5% cũng là một điểm tích cực, mặc dù lạm phát lương thực vẫn còn là vấn đề đau đầu ở đất nước này, do những thiệt hại bởi thiên tai hồi cuối năm.
Tuy nhiên, theo tờ The Daily Star, trong Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển của Bangladesh hồi tháng 9/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của Bangladesh trong năm tài chính 2017- 2018 sẽ chỉ đạt 6,4%, thấp hơn mức dự báo của Chính phủ Bangladesh đưa ra là 7,4%. Nguyên nhân chủ yếu khiến WB đưa ra mức dự báo thấp là do những quan ngại về thiếu hụt những công việc có chất lượng tại nền kinh tế này, ảnh hưởng tới tốc độ tăng GDP bền vững.
TS. Zahid Hussain – nhà kinh tế trưởng của Văn phòng WB tại Dhaka cho biết, tốc độ tạo ra việc làm mới tại Bangladesh đã giảm trong những năm gần đây. Nếu trong những năm từ 2003 tới 2010, tổng số việc làm đã tăng trung bình 3,1%, trong giai đoạn 2011 - 2016, con số này chỉ tăng trung bình 1,8%.
Bên cạnh đó, đầu tư của khu vực tư nhân chưa năng động, tăng trưởng xuất khẩu chưa đủ mạnh và lượng kiều hối giảm, cũng là những nhân tố làm cản trở việc tạo ra những công việc có chất lượng cao trong nền kinh tế. Vị chuyên gia của WB cho rằng, mặc dù lĩnh vực dệt may đang tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất cho người lao động Bangladesh, nhưng các lĩnh vực khác cũng cần tạo ra nhiều hơn nữa những công việc có chất lượng.
Thành phố Dhaka - thủ đô của Bangladesh. (Nguồn: wprost.pl) |
Theo TS. Zahid Hussain, để nền kinh tế Bangladesh duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, trong danh sách ưu tiên phát triển của Chính phủ Bangladesh thời gian tới các mục tiêu phát triển cần rộng hơn, tăng huy động nguồn lực, đạt được đầu tư cao hơn, tạo ra hiệu quả hơn trong phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư vào lao động có tay nghề, cải cách việc điều hành, quản lý, chính sách, cũng như củng cố thể chế…
Đối tác tiềm năng, đối thủ nặng ký
Với Việt Nam, có thể nói Bangladesh vừa là đối tác đầy tiềm năng, vừa là đối thủ cạnh tranh khá nặng ký. Mặc dù 1/2 giá trị GDP của Bangladesh có được nhờ vào ngành dịch vụ, nhưng khoảng 50% dân số Bangladesh hiện sinh sống bằng nông nghiệp mà sản phẩm chính là lúa, đay, chè, mía, khoai tây, thuốc lá, bông, hạt có dầu… Dệt may là ngành xuất khẩu chủ yếu, chiếm 80% tổng sản lượng xuất khẩu. Sự tăng trưởng đều đặn của xuất khẩu hàng may mặc và tiền gửi về từ nguồn lao động xuất khẩu đạt khoảng 15 tỷ USD, chiếm khoảng 13% tổng GDP.
Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế Việt Nam và Bangladesh có nhiều chuyển biến tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, riêng giai đoạn 2010-2014, đã tăng hơn 2,5 lần, từ 288 triệu USD lên gần 800 triệu USD. Năm 2015 và 2016, số liệu này chững lại ở mức khoảng 620 triệu USD và gần 609 triệu USD. Nhưng năm 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt con số ấn tượng hơn 900 triệu USD. Nhiều mặt hàng của Việt Nam như gạo, nông sản, thực phẩm, dệt may, giầy dép, hàng điện tử đã trở nên phổ biến với người dân Bangladesh. Hai bên đang phấn đấu đạt mục tiêu 1 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương trong những năm tới.
Tình hình đầu tư giữa hai nước có dấu hiệu phát triển tích cực, tính đến hết tháng 12/2017, Bangladesh có 4 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 615.000 USD, đứng thứ 99/125 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có 1 dự án đầu tư sang Bangladesh với tổng vốn 27,9 nghìn USD, đứng thứ 68/72 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã đầu tư.
Hiện nay, Bangladesh cam kết ưu tiên ở mức cao nhất và mong doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực của nước bạn như phát triển điện, công nghệ thông tin, sản xuất giày dép, xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng cây cảnh, sản xuất giống cây và trồng rau quả… Trong khi đó, Bangladesh là thị trường tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam, với dân số trên 160 triệu người, sức tiêu thụ lớn và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.
Tháng 8/2017, lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, mới chỉ 20 doanh nghiệp Việt Nam sang thăm Bangladesh dự Hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại, tìm kiếm đối tác. Tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến thăm Bangladesh từ ngày 4-6/3, dự kiến sẽ có hơn 100 đại diện doanh nghiệp Việt Nam tương tác với các đại diện doanh nghiệp Bangladesh, nhằm tìm hiểu các cơ hội đẩy mạnh hợp tác giao thương.