Theo bài báo, Việt Nam đang thoát khỏi khủng hoảng Covid-19 và ngày càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. (Nguồn: Getty Images) |
Trang MoneyWeek của Anh ngày 12/3 đăng bài đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường triển vọng nhất của châu Á trong suốt một thời gian dài. Theo bài báo, Việt Nam đang thoát khỏi khủng hoảng Covid-19 và ngày càng “tỏa sáng” hơn bao giờ hết.
Việt Nam nổi bật trong danh sách các quốc gia hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2019. Tốc độ tăng trưởng GDP 2,9% dù thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình 6%-7% của Việt Nam suốt nhiều năm qua, song vẫn vượt lên trên các nền kinh tế lớn khác ở châu Á và có vẻ đáng chú ý trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Ngay cả trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Covid-19 trong quý II/2020, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương và phục hồi nhanh chóng.
Có nhiều lý do để lạc quan về triển vọng của Việt Nam: Dân số đông (97 triệu người), nhân khẩu học hữu ích (tuổi trung bình 32), trình độ học vấn tốt, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa đang gia tăng và lĩnh vực sản xuất tăng tỷ trọng toàn cầu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong thập kỷ qua.
Đây là những lý do để tin tưởng Việt Nam sẽ tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Về cơ bản, so với một số nước láng giềng Đông Nam Á, Việt Nam khá giống Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) - những nền kinh tế đạt được thành công ngoạn mục về phát triển kinh tế. Hiệu suất của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua đã củng cố niềm tin này.
Dưới đây là những lý do giúp Việt Nam đạt được thành tích ấn tượng trên:
Thứ nhất là khả năng ứng phó tốt với Covid-19. Ưu thế trước tiên của Việt Nam là tác động của Covid-19 khá nhỏ và về cơ bản đã được kiểm soát so với hầu hết các nước trên thế giới. Cho đến nay, Việt Nam mới ghi nhận hơn 2.500 trường hợp nhiễm bệnh và 35 trường hợp tử vong. Số liệu thống kê của Việt Nam có vẻ khá tin cậy.
Tất cả các nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Việt Nam như Dominic Scriven của Dragon Capital, Andy Ho và Khanh Vu của VinaCapital và Craig Martin của Dynam Capital, đều đánh giá cao phản ứng nhanh nhạy của chính phủ trong công tác chống dịch.
Rõ ràng, chính phủ Việt Nam đã hành động nhanh chóng, dứt khoát, nhất quán và người dân trong nước đã phối hợp tốt. Thành công này có được vì Việt Nam là một xã hội khá gắn kết và đề cao lợi ích tập thể. Cuộc khủng hoảng lần này là một minh chứng rõ ràng cho những điểm mạnh mà Việt Nam có thể mang lại cho các mục tiêu khác như phát triển kinh tế.
Thứ hai là những nỗ lực tăng cường xuất khẩu và đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Khả năng ngăn chặn đại dịch và nỗ lực duy trì mở cửa nền kinh tế là một trong những nguyên nhân quan trọng mang lại thành tích tốt cho Việt Nam trong năm 2020.
Tuy nhiên, đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Về lâu dài, yếu tố quan trọng hơn là cách mà khu vực xuất khẩu Việt Nam hưởng lợi từ việc các công ty chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và chuyển dịch sang các điểm đến khác.
Việt Nam không phải là nước được hưởng lợi duy nhất. Quy mô của khu vực sản xuất-xuất khẩu của Trung Quốc khiến một quốc gia không thể “hấp thụ” được phần lớn sự dịch chuyển này. Tuy nhiên, Việt Nam đã làm rất tốt việc nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, tiến từ dệt may vào giữa những năm 2000 sang thiết bị điện tử tinh vi ngày nay, với các nhà máy hiện đang sản xuất các sản phẩm chủ lực cho các công ty như Apple và Samsung.
Thứ ba là trình độ giáo dục và kỹ năng tương đối tốt của lực lượng lao động và các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của chính phủ.
Trong quá khứ, cơ sở hạ tầng là một trong những điểu yếu lớn nhất của Việt Nam. Cách đây một thập niên, một trong những phàn nàn lớn nhất của các nhà đầu tư là Việt Nam không cung cấp mức đầu tư và quy hoạch khiến Trung Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, hiện triển vọng đã trở nên đáng khích lệ hơn nhiều.
Chính phủ Việt Nam có kế hoạch đầu tư 120 tỷ USD vào các dự án như đường bộ, đường sắt và sân bay trong vòng 5 năm tới, tương đương số tiền đầu tư cơ sở hạ tầng trong cả thập niên qua.