Nhỏ Bình thường Lớn

Hai Bộ trưởng Mỹ thăm Đông Á: Thực chất hơn biểu tượng

TGVN. Nối tình đồng minh, vẽ tầm nhìn chung tại Ấn Độ-Thái Bình Dương là ưu tiên trong chuyến thăm châu Á của hai quan chức cấp cao Mỹ ngày 15-18/3. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Từ ngày 15-18/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có chuyến thăm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dừng chân tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Đáng chú ý, chuyến đi này diễn ra chỉ ba ngày sau khi Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu ngày 12/3 cho biết Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên hội đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tuy nhiên, chuyến thăm này không đơn thuần là chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao tới.

(03.17) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi. (Nguồn: Reuters)
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Kishi Nobuo. (Nguồn: Reuters)

Vẽ tầm nhìn

Đầu tiên, việc chọn Nhật Bản và Hàn Quốc làm hai điểm đến trong chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng là cách Washington nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại quốc gia, không chỉ qua lời nói, văn bản mà còn bằng hành động.

Tokyo là thành viên Bộ tứ, còn Seoul là đối tác quan trọng của Washington tại Đông Bắc Á, đặc biệt trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Thứ hai, chuyến thăm diễn ra trong một thời điểm đặc biệt. Sau chuyến thăm Hàn Quốc ngày 18/3, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ về Mỹ để cùng với Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan gặp gỡ Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Do đó, dễ thấy trọng tâm trong chuyến thăm châu Á của ông Blinken và ông Austin có lẽ là Trung Quốc.

Tuyên bố chung sau cuộc gặp Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Nhật ngày 16/3 đã một lần nữa khẳng định điều này.

Hai bên chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình Tân Cương (Trung Quốc), phản đối “yêu sách hàng hải và các hoạt động phi pháp trên Biển Đông” và “hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng” trên Biển Hoa Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan, đảm bảo một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Vì thế, chuyến thăm châu Á là dịp để chính quyền Tổng thống Joe Biden tham khảo, phối hợp với các đồng minh nhằm thống nhất trong cách hành xử với Trung Quốc trước thềm cuộc gặp gỡ quan trọng giữa giới ngoại giao Mỹ-Trung ngày 19/3 tới.

Việc chọn Nhật Bản và Hàn Quốc làm hai điểm đến trong chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng là cách Washington nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại quốc gia, không chỉ qua lời nói, văn bản mà còn bằng hành động.

Thứ ba, đây là dịp để các quan chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ, Nhật Bản cũng thảo luận về Triều Tiên.

Trước đó, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định sẽ xem xét lại cách tiếp cận, song chưa công bố kế hoạch cụ thể về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Trong Đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ VIII, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng “đánh tiếng” sẵn sàng đàm phán nếu Mỹ thể hiện thiện chí.

Tuy nhiên, khi Washington án binh bất động, Bình Nhưỡng đã lên tiếng: Ngày 16/3, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yo-jong đã cảnh báo Mỹ “đừng phát tán mùi thuốc súng” nếu muốn hòa bình và chỉ trích tập trận Mỹ-Hàn.

Khi ấy, chuyến thăm là dịp để phía Mỹ tham khảo lập trường Nhật Bản và Hàn Quốc về Triều Tiên, xây dựng cơ chế phối hợp để giải quyết bài toán khó của Đông Bắc Á.

Nối vòng tay

Tuy nhiên, bàn thì dễ, làm thì khó.

Căng thẳng thương mại liên quan đến việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc chưa nguội thì mới đây, vấn đề chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima lại nóng trở lại.

Ngày 22/2, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu tập nhà ngoại giao Nhật Bản Hirohisa Soma nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền mới của Tokyo về quần đảo này. Thậm chí, có lúc Hàn Quốc sử dụng lá bài chấm dứt Hiệp định Bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA), vốn được Mỹ dày công thúc đẩy, để buộc Nhật Bản rút lại các biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Đây là điều Mỹ không mong muốn. Tuy nhiên, quan hệ Nhật-Hàn vô cùng phức tạp, với vấn đề khó giải quyết như chủ quyền lãnh thổ, phụ nữ mua vui hay căng thẳng thương mại.

Cũng trong chuyến công du lần này, ông Blinken và ông Austin dự kiến sẽ ký kết Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự song phương (SMA) lần thứ 11.

Kết quả này đáng chú ý sau 18 tháng hai bên bắt đầu đàm phán, giúp giải quyết được lỗ hổng kéo dài hơn một năm qua. Theo đó, chí phí quân sự năm 2021 là 1.183 tỷ Won (1,03 tỷ USD), tăng 13,9% so với một năm trước.

Điều này từng gây nhiều tranh cãi trong dư luận xứ sở kim chi, đặc biệt là khi một bộ phận người Hàn không còn mặn mà với sự hiện diện của lính Mỹ như trước.

Một số nhà hoạt động cũng từng lên tiếng chỉ trích việc bổ nhiệm ông Harry Harris làm Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, cho rằng cựu đô đốc người Mỹ gốc Nhật gợi nhớ về quá khứ đau thương trong lịch sử.

Khi ấy, cải thiện quan hệ Mỹ-Hàn và Nhật-Hàn, củng cố mạng lưới đồng minh, cạnh tranh với Trung Quốc, xây dựng tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do là ưu tiên trong chuyến thăm 4 ngày tới Tokyo và Seoul của hai quan chức Mỹ.

TIN LIÊN QUAN
Mỹ-Nhật: Cuộc gặp 2+2 lần đầu tiên công khai chỉ trích Trung Quốc?
Nhật Bản - 'Chiếc mỏ neo' tiềm năng của Bộ tứ
Nhật Bản đầu tư khủng sản xuất vaccine Covid-19 ‘cây nhà lá vườn’
Nhật Bản xem xét cách thức đối phó với tình hình Myanmar
Mỹ tìm cách phối hợp đồng minh Đông Bắc Á đối phó Trung Quốc, dự đoán 'cuộc gặp khó khăn' ở Alaska

Phan Quân