Những tuyến đường ngập sâu sau mưa lớn ở TP. Hồ Chí Minh gây khó khăn đi lại cho người dân khi tham gia giao thông. |
Theo Báo cáo của Sở xây dựng đến Đoàn đại biểu Quốc hội, các tuyến đường thường xuyên rơi vào tình trạng ngập sâu gồm có: Quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Ung Văn Khiêm, Phạm Văn Chiêu, Hồ Ngọc Lãm, Phan Văn Hớn, Nguyễn Hữu Cảnh, Tô Ngọc Vân, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Quá…
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q. Bình Thạnh) vẫn được xem là rốn ngập của thành phố.
Tính đến thời điểm hiện tại, số ngày mưa trong năm nay ít hơn 18 ngày so với 2019 (chỉ 110/128 ngày) nhưng tăng về diện và tăng về lưu lượng mưa. Chính việc tăng này đã vượt tần suất thiết kế của hệ thống cống làm nước thoát không kịp, gây ngập sâu ở các tuyến đường.
Tổng lượng mưa đo được ở các trạm lên đến 1.184mm, tăng 33% so với 2019 (890mm). Điển hình như trận mưa kỷ lục 212mm kéo dài 6 tiếng từ 18h-23h30 vào chiều ngày 6/8 ở trạm Mạc Đĩnh Chi, Quận 1 đã khiến cho 35 tuyến đường trong thành phố ngập chìm trong biển nước. Cơn mưa lớn này đã khiến cho 37 tuyến đường ngập từ 0,1-0,3m và có nơi đến tận 7h sáng hôm sau mới rút hết nước.
Số ngày ngập do triều cường đã giảm từ 8 xuống 4, tức 50% so với cùng kỳ năm 2019. Số tuyến đường bị ngập do triều cường cũng giảm xuống còn 4 tuyến, đã giảm 71% so với 14 tuyến năm 2019.
Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), Bình Quới (quận Bình Thạnh) vẫn là 4 tuyến đường bị ngập do triều cường, chủ yếu xảy ra vào giờ tan tầm nên người dân di chuyển qua các tuyến đường này cần chú ý.
Người dân cần chọn hướng đi khác an toàn hơn để tránh bị té ngã và người dân trên 4 con đường này cũng cần phòng tránh nước tràn vào nhà gây hư hại đồ đạc và cần chú ý về sự cố điện.
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) cũng đã lên phương án bảo dưỡng, sửa chữa, nạo vét để khơi thông các hệ thống thoát nước nhằm giảm thiểu tình trạng ngập.
Đơn vị cho biết đã sửa chữa hơn 533 ngàn mét cống thoát nước, nạo vét hơn 136 ngàn máng, 25 ngàn hầm ga, vận hành 1.077 van ngăn triều, 34 trạm bơm với tổng công suất 302.88m³/ giờ để ngăn chặn và hạn chế mức độ ngập sâu trên các tuyến đường.
Được biết, ngày 12/8, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước giai đoạn 2020-2024 với mức 1.430 đồng cho mỗi m³ để đầu tư, duy trì và phát triển hệ thống thoát nước tốt hơn.