📞

Bão cát lớn bất ngờ, Trung Quốc đau đầu vì ô nhiễm không khí

DUY QUANG 15:00 | 21/03/2021
TGVN. Dù chính phủ Trung Quốc đã đạt được những bước tiến lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm, nhưng một trận bão cát bắt nguồn từ phía Bắc và sự phục hồi của ngành công nghiệp đã khiến Bắc Kinh hứng chịu trận bão cát lớn nhất mười năm qua.

Ngày 15/3, Bắc Kinh chìm trong làn khói dày đặc màu vàng, mức độ ô nhiễm cũng tăng vọt. Nguyên nhân là trận bão cát tồi tệ nhất thập niên đổ xuống thủ đô của Trung Quốc, bắt nguồn từ sa mạc Gobi. Cơn bão còn bao phủ tới 11 tỉnh, thành khác ở phía Bắc, bao gồm Tân Cương, Nội Mông, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Cam Túc, Ninh Hạ, Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Bắc và Thiên Tân.

Trận bão cát kỷ lục khiến Bắc Kinh chìm trong màn khói màu vàng, mà nhiều người miêu tả như “ngày tận thế”. (Nguồn: Reuters)

Ô nhiễm tăng cường

Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc kêu gọi người dân trong vùng bị ảnh hưởng đóng hết các cửa, đeo khẩu trang, kính bảo hộ để bảo vệ bản thân khỏi cát và bụi. Cơ quan này cũng đã phát cảnh báo vàng trong ngày. Trung Quốc có hệ thống cảnh báo ô nhiễm không khí gồm bốn cấp mã màu, trong đó màu đỏ là nghiêm trọng nhất, tiếp theo là cam, vàng và xanh lam.

Tại Bắc Kinh, với dân số 21,7 triệu người, chính quyền yêu cầu các trường học hủy bỏ các hoạt động thể thao và sự kiện ngoài trời, đồng thời khuyến cáo người dân không nên ra đường.

Ngoài ra, hàng trăm chuyến bay cũng bị hủy do thời tiết quá xấu, gió lớn và tầm nhìn hạn chế, có nơi xuống tới mức 500m.

Chất lượng không khí ở Bắc Kinh vốn đã kém do mức độ ô nhiễm cao, nhưng khi bão cát ập đến, chất lượng không khí tại đây giảm mạnh, nguy hiểm tới sức khỏe người dân. Sáng 15/3, chỉ số chất lượng không khí tại thủ đô Bắc Kinh ở ngưỡng cao nhất 500.

Mức độ bụi mịn PM2.5 (loại bụi mịn có thể xâm nhập cơ thể người) tăng vọt lên 732 microgam/m3 vào 9h sáng. Mức PM2.5 tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra là 25 microgam/m3. Ở Bắc Kinh, mức độ bụi mịn PM10 thường gây bệnh hô hấp đã tăng gấp 180 lần so với chuẩn an toàn tối đa của WHO. Theo Bloomberg, đây là những chỉ số tồi tệ nhất tại Trung Quốc trong bốn năm qua.

Nguyên nhân và giải pháp

Từ lâu, Bắc Kinh luôn được coi là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh và các khu vực xung quanh phải hứng chịu mức độ ô nhiễm tương đối cao. Trong dịp Tết Nguyên đán, chính quyền Bắc Kinh phát cảnh báo vàng về ô nhiễm không khí nặng .

Chính vì tình hình này, chính phủ đã phải tăng cường các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này và biến nó thành một trong những chính sách trọng tâm thời gian qua. Theo New York Times, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi thực hiện một cuộc “cách mạng xanh” và trong năm ngoái, ông cam kết rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nỗ lực giảm lượng khí thải carbon, vốn góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Trung Quốc có nhiều hành động thực tế như cho trồng nhiều cây cối, bụi rậm ở các hoang mạc, phạt tiền thật nặng đối với các doanh nghiệp không tuân thủ biện pháp bảo vệ môi trường… Kể từ năm 2000, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD cho việc phòng chống bão cát, đồng thời lắp đặt các vệ tinh để theo dõi bão cát và cảnh báo trước cho các cơ quan thời tiết. Những nỗ lực đó đã cải thiện đáng kể chất lượng không khí, đặc biệt là khu vực xung quanh thủ đô.

Chuyện bão cát vào mùa Xuân không còn lạ đối với người dân Bắc Kinh, khi cát từ sa mạc phía Tây thổi về phía Đông. Thậm chí, bão cát còn có thể ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, trận bão cát lần này thực sự là một hiện tượng thời tiết cực đoan kỳ lạ, dữ dội nhất, và có phạm vi ảnh hưởng rộng nhất ở Trung Quốc trong thập niên qua.

Ông Zhang Bihui thuộc Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết, trận bão cát là do tác động kết hợp của nhiệt độ cao và lượng mưa khan hiếm ở Mông Cổ và vùng Tây Bắc Trung Quốc, cũng như do ảnh hưởng từ cơn lốc lớn tại Mông Cổ, mang theo gió lớn từ Tân Cương đến miền Bắc Trung Quốc.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc khởi động lại ngành công nghiệp thời hậu Covid-19, cùng với ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu tại vùng Bắc Trung Quốc và những cơn bão mùa đông muộn, là thủ phạm chính gây nên trận bão cát lịch sử này.

“Trận bão cát này cho thấy Trung Quốc vẫn có khả năng hứng chịu những trận bão cát nghiêm trọng như vậy trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt hoặc không thuận lợi”, ông Zhang nhận định.

Với những gì xảy ra trong tháng vừa qua, ô nhiễm không khí tiếp tục là một thách thức đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi các quan chức tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang cố phục hồi từ cuộc khủng hoảng gây ra bởi đại dịch Covid-19.

(theo NY Times/SCMP)