Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường; Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cùng nhiều đại biểu, nhà báo, phóng viên.
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tập trung tuyên truyền, lên tiếng mạnh về những hành vi hợp văn hoá, phản văn hoá. Từ đó, thay đổi nhận thức của người dân, dần hình thành thói quen tốt. Hình thành bộ tiêu chí về ứng xử văn hoá rất cụ thể để làm cho xã hội hiểu như thế nào là chuẩn mực văn hóa.
“Các cơ quan báo chí cần phải tăng cường chuyên mục hoặc các chương trình hoạt động xã hội, từ thiện hướng vào việc tôn vinh cái hay, cái tốt, hình thành dư luận xã hội về vấn đề văn hóa và chuẩn mực văn hóa”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, văn hóa ứng xử thể hiện triết lý sống, lối sống, lối suy nghĩ, hành động của một cộng đồng người trong việc ứng xử và giải quyết mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội. Văn hóa ứng xử nói chung được thể hiện ở các lĩnh vực cuộc sống như lối sống, lý tưởng, niềm tin, tình yêu nghề nghiệp, văn hóa chấp hành luật pháp, nội quy quy định trong nhà trường, văn hóa thực hiện công vụ.
Theo các đại biểu, công tác truyền thông trên báo chí có vai trò quan trọng trong định hướng hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử phù hợp với bối cảnh xã hội mới. |
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, công tác truyền thông trên báo chí có vai trò quan trọng trong định hướng hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử phù hợp với bối cảnh xã hội mới. Bên cạnh đó, công tác truyền thông báo chí nhằm củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng và xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về văn hóa ứng xử. Theo đó, báo chí có vai trò quan trọng trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử. Với sức mạnh công khai, rộng khắp, báo chí đã góp phần đắc lực cho việc phát hiện, phản ánh những bất cập, thói hư, tật xấu trong văn hóa, góp phần xây dựng những chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn. Báo chí phát hiện cổ vũ những gương người tốt, những tấm gương điển hình, những cách làm hay; phê phán những biểu hiện lệch chuẩn văn hóa ứng xử…
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, một hiện tượng hiện nay là báo chí chạy theo “câu view”. Những hiện tượng không tốt lại được làm “nóng”, thậm chí “nuôi dưỡng” những điều thiếu tích cực. Đó là sự không chuẩn mực của báo chí. Báo chí muốn góp phần xây dựng sự chuẩn mực thì bản thân mỗi nhà báo, phóng viên cũng phải chuẩn mực. Đó là những chuẩn mực trong đưa tin, bình luận, phân tích và định hướng dư luận xã hội.
Toàn cảnh buổi hội thảo. |
Nhà báo Lê Minh Toản, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Tiền phong cho rằng báo chí phải thực hiện tốt chức năng định hướng dư luận hành động theo chuẩn mực văn hóa ứng xử. Ông Toản nêu rõ, muốn tuyên truyền được cho bạn đọc, bạn nghe đài có thể tin tưởng, tất cả nhà báo phải trang bị cho mình phông kiến thức rất rộng và phông văn hóa chuẩn mực. Tất cả các sản phẩm báo chí phải là giá trị văn hóa, kể cả sản phẩm phản biện cũng như là sản phẩm trực diện vào văn hóa thì phải có mục tiêu. Còn nếu không có mục tiêu, không đặt ra mục tiêu thì không thể định hướng được cho bạn đọc, bạn nghe đài là họ phải nâng cao nhận thức điều chỉnh hành vi.
PGS. TS. Hà Huy Phượng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nêu quan điểm, khi các nhà báo không trang bị kiến thức thì khi tác nghiệp sẽ không tự định hướng cho mình và không thể định hướng cho dư luận xã hội. Theo PGS.TS Hà Huy Phượng, văn hóa là vấn đề lớn và truyền thông về văn hóa là chủ đề rất được quan tâm.