📞

Báo chí phải “làm mới mình” để đồng hành cùng doanh nghiệp

18:48 | 16/03/2019
Chiều nay (16/3) tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn “Báo chí – Cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ”, với chủ đề “Báo chí, doanh nghiệp trong kỉ nguyên CPTPP” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, nhà báo Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, vấn đề phát triển doanh nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước ta dành sự quan tâm đặc biệt và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung, vì sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.

Đặc biệt, trong quá trình hội nhập quốc tế, nhất là từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, báo chí càng có vai trò to lớn trong việc sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua các rào cản để hội nhập thành công.

Thời gian qua, báo chí đã có nhiều hoạt động thiết thực đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, khẳng định mối quan hệ hai chiều, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau, khẳng định vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ.

“Doanh nghiệp cần có báo chí, truyền thông để có thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh và để thông tin, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình, để động viên, khích lệ những thành quả lao động sáng tạo của doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng, là nguồn cảm hứng để sáng tạo tác phẩm báo chí”, ông Mai Đức Lộc nhấn mạnh.

Diễn đàn nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu. (Ảnh: TD)

Với vai trò cầu nối, báo chí vừa tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân, trong tuyên truyền phát triển kinh tế, báo chí vừa phát hiện, biểu dương những doanh nghiệp có những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt, những doanh nhân nỗ lực vượt qua khó khăn để cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước. Đồng thời, đấu tranh phê phán những hoạt động sản xuất kinh doanh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, huỷ hoại môi trường...

Bên cạnh việc phản ánh hoạt động của doanh nghiệp nhằm thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, báo chí cũng đã chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, phản biện những chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp và những cách làm của chính các doanh nghiệp, vì sự phát triển và lợi ích chung của đất nước.

Đồng thời, báo chí và cộng đồng doanh nhân cùng tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách của Chính phủ, đặc biệt trong việc cải cách thủ tục hành chính. Báo chí còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho doanh nghiệp, cầu nối để doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong việc tham gia Hiệp định CPTPP.

Đặc biệt, trong quá trình hội nhập quốc tế, nhất là từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, báo chí càng có vai trò to lớn trong việc sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua các rào cản để hội nhập thành công. 

Tại diễn đàn, các đại biểu khẳng định báo chí không chỉ cung cấp thông tin kịp thời, đa dạng, phong phú, chính xác mà còn phải phát hiện, phản biện, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp nhận ra các yếu kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Ông Võ Chí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, báo chí cần làm tốt vai trò của mình. Đồng thời, tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn các cam kết, hiệp định mà Việt Nam tham gia. Trong đó có các xu hướng mới về thương mại, đầu tư, dịch chuyển công nghệ như: cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số… Ngoài gia, ông Thành cũng gợi ý cần có những lớp đào tạo về lĩnh vực này. 

“Đối với doanh nghiệp, họ ít thời gian, tin tưởng báo chí, nhiều vấn đề mới rất quan trọng đối với cải cách, chiến lược của họ. Cho nên làm sao chính xác hóa bằng văn phong đơn giản, đây là thách thức lớn với báo chí trong kỷ nguyên CPTPP và kỷ nguyên mới của thế giới đang biến đổi nhanh chóng”, ông Võ Chí Thành nói.

Chuyên gia kinh tế, GS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết những chính sách nổi bật của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có xây dựng và thực thi Chính phủ điện tử. Đây là vấn đề mới và thiết thực đối với doanh nghiệp và báo chí. Bởi vậy, báo chí cần tạo môi trường thu thập và xử lý thông tin công khai và minh bạch.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng những gì mới ra chúng ta đều nghĩ đến phản biện, mà phản biện không theo hướng tốt lên là chủ yếu mà đôi khi chỉ có... chống là chính. Cùng với đó, tiếp tục phân tích những điều chưa được của hệ thống thể chế và chính sách kinh tế. Đặc biệt, chống tham nhũng cực kỳ quan trọng bởi vì chính tham nhũng tạo rào cản, điều phi lý, không chỉ trong thực thi mà trong cả chính sách chúng ta phải tích cực. Cuối cùng, phải nâng niu các nhân tố điển hình.

Nhiều nhà báo đến từ các cơ quan báo chí lớn khẳng định, báo chí luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt trong kỷ nguyên CPTPP. Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, báo chí phải đổi mới. Nếu báo chí tụt hậu thì không thể theo kịp thực tiễn phát triển doanh nghiệp, thị trường và các mối quan hệ kinh tế trên thế giới. Đồng thời, tránh để tình trạng báo chí hiểu không hết về chính sách kinh tế gây ra tác hại cho doanh nghiệp.