📞
Phân tích quan điểm chỉ đạo trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII:

Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế

Hà Trang 08:15 | 15/07/2021
Việc coi lợi ích quốc gia-dân tộc là mục tiêu tối cao của hoạt động đối ngoại đã được khẳng định trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng của nước ta. Quan điểm chỉ đạo ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định điều này với một số điểm mới.
Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)

Chính sách đối ngoại của một quốc gia được quyết định bởi ba yếu tố chủ chốt: lợi ích quốc gia-dân tộc, thế và lực của quốc gia trên trường quốc tế, cục diện thế giới và khu vực.

Trong đó, lợi ích quốc gia-dân tộc luôn là nguyên tắc tối thượng, là kim chỉ nam trong việc hoạch định, thực thi chiến lược, chính sách bảo vệ đất nước trước những tác động bên ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới chuyển biến rất nhanh và phức tạp như hiện nay.

Việc coi lợi ích quốc gia-dân tộc là mục tiêu tối cao của hoạt động đối ngoại đã được khẳng định trong văn kiện các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng.

Trên tinh thần đó, quan điểm chỉ đạo ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định điều này với một số điểm mới: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”. Để hiểu rõ và xác định đúng nội hàm của chỉ đạo, cần làm rõ một vài khái niệm.

Về lợi ích quốc gia-dân tộc

Lợi ích quốc gia-dân tộc từ lâu đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Trong đường lối đối ngoại, mục tiêu này càng trở nên rõ nét hơn kể từ khi được đề xướng vào đầu thời kỳ Đổi mới năm 1986 cho đến nay.

Qua thời gian cùng với sự phát triển của đất nước cũng như diễn biến tình hình thế giới, quan điểm này liên tục được bổ sung và hoàn chỉnh qua các kỳ Đại hội Đảng. Đại hội lần thứ XI khẳng định mục tiêu của đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ mới là “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” và “vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”; Đại hội XII cũng xác định mục tiêu “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc” trong công tác đối ngoại của nước ta.

Lợi ích quốc gia-dân tộc bao hàm tất cả những điều kiện cho sự trường tồn và phát triển của một đất nước và được phân thành hai nhóm: nhóm các lợi ích sống còn (chủ quyền, lãnh thổ, hòa bình và an ninh) và nhóm các lợi ích phát triển (nâng cao khả năng về mọi mặt, vị thế của đất nước).#_ftn1 Tuỳ thuộc vào từng thời điểm lịch sử mà nhóm lợi ích quốc gia-dân tộc nào sẽ được nước ta ưu tiên đề cao.

Dưới chế độ phong kiến, lợi ích cốt lõi của quốc gia-dân tộc là độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, khi cả dân tộc ta nhất tề khởi nghĩa đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang, bảo vệ đất nước.

Còn trong giai đoạn đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ về mọi mặt hiện nay, lợi ích quốc gia-dân tộc của Việt Nam cần được hiểu là sự kết hợp của cả hai nhóm lợi ích nêu trên: xây dựng nước Việt Nam hoà bình, độc lập, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; phát triển đất nước một cách toàn diện theo hướng làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng tốt đẹp hơn; nâng cao không ngừng sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh, uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Về nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế

Lợi ích quốc gia-dân tộc chính đáng trong thế giới văn minh thường được xác định trong luật pháp quốc gia và phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, được công luận đồng tình.#_ftn2 Thật vậy, việc bảo đảm lợi ích của một đất nước phải đảm bảo được hai yếu tố: vừa bảo đảm được tính phù hợp về mặt pháp lý dựa trên việc tuân thủ các quy tắc, quy định ràng buộc quốc gia đó, vừa bảo vệ được lợi ích chính đáng của nước mình trước sức mạnh và ảnh hưởng của quốc gia khác.

Do đó, Đảng ta đã xác định rõ lợi ích quốc gia-dân tộc của đất nước phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của: (i) Hiến chương Liên hợp quốc (hay còn gọi là Hiến chương); và (ii) luật pháp quốc tế.

Các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc

Năm 1945, Liên hợp quốc ra đời khi Hiến chương Liên hợp quốc được 51 quốc gia phê chuẩn với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm một nền hoà bình và trật tự thế giới ổn định bền vững. Điều 2 của Hiến chương đưa ra những nguyên tắc hoạt động cho các quốc gia thành viên và các cơ quan của Liên hợp quốc. Những nguyên tắc này được coi là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế liên quan đến việc điều chỉnh mối quan hệ của các quốc gia và được làm rõ trong Tuyên bố năm 1970#_ftn3 của Đại hội đồng.

Theo đó, có bảy nguyên tắc cơ bản: không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị quốc gia; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình; không can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia; hợp tác với các quốc gia khác; bình đẳng và tự quyết của các dân tộc; bình đẳng về chủ quyền quốc gia; thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.

Việt Nam đã và đang áp dụng triệt để các nguyên tắc này trong việc đề ra phương hướng, nhiệm vụ để từ đó hoạch định chính sách phục vụ sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Điều này được thể hiện qua sự nhất quán trong quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước: Việt Nam luôn nỗ lực trong việc giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế;#_ftn4 tôn trọng, ưu tiên áp dụng quy định của điều ước quốc tế,#_ftn5 tích cực thực hiện các cam kết quốc tế; nhất quán thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”#_ftn6 (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế).

Các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế

Luật pháp quốc tế là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật, được các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận tạo dựng nên. Luật pháp quốc tế có nội hàm rất rộng, và được chia thành hai nhóm chính: công pháp quốc tế (điều chỉnh mối quan hệ giữa quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế, và đặc biệt là cả quan hệ giữa nhà đầu tư và quốc gia trong luật đầu tư quốc tế); và tư pháp quốc tế (điều chỉnh mối quan hệ giữa các thực thể tư nhân như cá nhân, tập đoàn tư nhân có mối liên hệ với nhiều quốc gia).

Do vậy, phạm vi điều chỉnh của luật pháp quốc tế rất rộng và trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ luật biển, lãnh thổ quốc gia, tới đầu tư, thương mại hay cả nhân quyền... Trong từng mảng luật lại tồn tại những nguyên tắc cơ bản đặc trưng cho lĩnh vực đó, nhằm đặt ra những quy tắc ứng xử mang tính cốt lõi điều chỉnh những bên có liên quan trên bình diện quốc tế.

Ví dụ luật nhân đạo quốc tế ghi nhận bốn nguyên tắc mang tính nền tảng: nguyên tắc con người, nguyên tắc tương xứng…; hay trong luật biển có ba nguyên tắc chính, trong đó có nguyên tắc tự do… Nhìn chung, mục tiêu của luật pháp quốc tế là hỗ trợ trong việc bảo đảm trật tự thế giới và đạt được các mục tiêu cơ bản của nhân loại là hòa bình, thịnh vượng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.#_ftn7

Không mang tính bao quát được như luật pháp quốc tế chung, Hiến chương Liên hợp quốc, với mục tiêu tối thượng là để bảo đảm hoà bình cho nhân loại, đặt ra những nguyên tắc chủ yếu nhằm điều chỉnh hành vi, ứng xử giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Từ đó có thể hiểu rằng, những nguyên tắc của Liên hợp quốc là một phần tạo nên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; hay nói cách khác, những nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao hàm những nguyên tắc của Liên hợp quốc.

Là một quốc gia đang phát triển với nhiều thách thức trước mắt, Việt Nam đã và luôn nỗ lực tuân thủ luật pháp quốc tế, ưu tiên lựa chọn con đường pháp lý trong giải quyết tranh chấp, bất đồng với các quốc gia khác. Thật vậy, trong các diễn đàn quốc tế, Việt Nam khẳng định thúc đẩy việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế.#_ftn8

Trong các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc, Đảng luôn nhất quán đề cao vai trò của những nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, văn kiện đại hội liên tục khẳng định chủ trương “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”#_ftn9 hay “tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc”#_ftn10.

Có thể thấy, quan hệ bao hàm giữa luật pháp quốc tế và Hiến chương cũng được thể hiện rất rõ trong cách sử dụng từ ngữ của văn kiện: nguyên tắc của luật pháp quốc tế có thể đứng một mình mang hàm ý bao quát, còn nguyên tắc của Hiến chương thì luôn phải đi cùng với luật pháp quốc tế.

Hơn nữa, việc nhấn mạnh nguyên tắc của Hiến chương đặt trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế cũng thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với Hiến chương nói riêng và Liên hợp quốc nói chung, từ đó nêu bật vai trò quan trọng của Hiến chương trong đường lối chỉ đạo cấp cao nhất của Việt Nam.

Về toàn văn chỉ đạo ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội XIII

Quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nước ta trong thời gian tới là: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”.

Từ những kỳ Đại hội trước, tinh thần của chỉ đạo này đã được Đảng ta nhắc đến, nhưng chủ yếu chỉ giới hạn trong nhiệm vụ đối ngoại của đất nước.

Đối với văn kiện lần này, quan điểm lấy nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc làm trọng tâm trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc được ghi nhận ngay trong quan điểm chỉ đạo chung của Nghị quyết Đại hội. Nghị quyết còn xác định đây là một trong những quan điểm chỉ đạo cao nhất nhằm thực hiện tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước.

Qua đó thấy rằng, Việt Nam ngày càng ghi nhận hơn nữa vai trò quan trọng của luật pháp quốc tế trong việc điều chỉnh hành vi của quốc gia trên bình diện quốc tế, vừa khẳng định Việt Nam vẫn luôn lựa chọn công cụ pháp lý để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến khó lường, luật pháp quốc tế đứng trước những thách thức lớn như hiện nay.

Cũng cần lưu ý rằng, Đảng ta ghi nhận những nguyên tắc cơ bản trên cơ sở “bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”. Tức là Việt Nam tôn trọng, tuân thủ và bảo đảm sự tuân thủ của các quốc gia khác đối với những quy định của luật pháp quốc tế mang tính bình đẳng, hài hòa được lợi ích giữa nước ta với các đối tác, lợi ích chung của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Việt Nam không theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi mà luôn thúc đẩy hợp tác giữa các nước, thể hiện vai trò là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Nhìn lại 35 năm đổi mới vừa qua, việc xác định đúng đắn nội hàm của lợi ích quốc gia-dân tộc giúp Đảng và toàn dân ta nhận thức sâu sắc và xử lý hài hoà quan hệ với các quốc gia trên bình diện quốc tế. Trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, đan xen giữa hợp tác và đấu tranh rất linh hoạt, Việt Nam cần xác định đúng đối tác để hợp tác, đúng đối tượng đấu tranh để giải quyết những xung đột gây tổn hại đến lợi ích của nước nhà.

Tiêu chí mang tính quyết định để xác định hướng hợp tác hay đấu tranh chính là lợi ích quốc gia-dân tộc chân chính. Chính vì vậy, Đảng ta luôn xuất phát từ nguyên tắc hợp tác để đấu tranh, tránh trực diện đối đầu, không để cho các thế lực thù địch đẩy vào thế bị cô lập, đặc biệt là tránh bị xung đột quân sự hoặc bị khiêu khích vũ trang.

Do đó, chúng ta mới có thể tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, khéo léo xử lý mối quan hệ với các thế lực thù địch, thiếu thiện chí để bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc. Nước ta cần phát huy hơn nữa tinh thần thượng tôn pháp luật, làm cơ sở kêu gọi các quốc gia khác tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên, hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.

Mục tiêu lấy lợi ích quốc gia-dân tộc làm gốc, luôn bất biến trong mọi hoàn cảnh là tư tưởng đúng đắn mà Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn nhất quán theo đuổi. Đây chính là cơ sở, là cái gốc để chúng ta ứng xử một cách có nguyên tắc nhưng rất linh hoạt, vạn biến trong công tác đối ngoại nhằm đảm bảo môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và xây dựng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bảo vệ vững chắc lợi ích của đất nước phù hợp với nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là trong giải quyết mối quan hệ với các quốc gia khác, bảo đảm tính cân bằng trong lợi ích của các bên.


#_ftnref1 Đặng Đình Quý: “Bàn thêm về lợi ích quốc gia dân tộc trong hoạt động đối ngoại Việt Nam giai đoạn mới”, trong cuốn Đường lối chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới, Phạm Bình Minh (Chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 208 - 209

#_ftnref2 https://www.bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/9943-quan-triet-nguyen-tac-bao-dam-loi-ich-toi-cao-cua-quoc-gia-dan-toc-tren-co-so-cac-nguyen-tac-co-ban-cua-luat-phap-quoc-te-binh-dang-cung-co-loi-trong-quan-he-doi-ngoai-thoi-ky-hoi-nhap-quoc-te.html

#_ftnref3 Tuyên bố về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với hiến chương liên hợp quốc, Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970

#_ftnref4 https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-cua-dang-1600

#_ftnref5 Trong các văn bản luật của Việt Nam đều có quy định ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế trong trường hợp có khác biệt giữa quy định của nội luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Điều 6.1 Luật số 108/2016/QH13 về Điều ước quốc tế ngày 09/4/2016, luật biển

#_ftnref6 Bộ Quốc phòng: Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 25, 26 – 29 https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/viet-nam-khong-tham-gia-lien-minh-quan-su-la-chinh-sach-quoc-phong-dung-dan

#_ftnref7 https://scholarship.law.nd.edu/law_books/70/

#_ftnref8 https://vietnamnews.vn/politics-laws/944622/viet-nam-affirms-commitments-in-promoting-multilateralism.html

#_ftnref9 https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-cua-dang-1600

#_ftnref10 https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-x-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xi-cua-dang-1526