Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, chia sẻ tại talkshow về bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 của Báo Thế giới và Việt Nam. |
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay đã gần đến đích và Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ cũng sắp lộ diện. Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam đã chỉ ra những tác động của kết quả bầu cử Mỹ 2024 tới tình hình thế giới hiện nay và sự khác biệt trong lập trường, chính sách đối ngoại của hai ứng viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Chỉ còn chưa đầy 24 giờ nữa là đến ngày tổng tuyển cử trên khắp nước Mỹ, ông có thể cho biết tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ đối với hai ứng cử viên trong các cuộc thăm dò mới nhất? Theo ông, tỷ lệ này có sát với tình hình thực tế không và liệu có thể xảy ra một “cú twist” nào vào những phút cuối?
Có thể nói rằng, phiếu thăm dò ý kiến luôn luôn là tâm điểm chú ý của mọi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và đặc biệt là trong cuộc chạy đua lần này vào Nhà Trắng.
Các cơ quan nghiên cứu, các hãng truyền thông và rất nhiều tổ chức độc lập khác đã rất khẩn trương để tiến hành thăm dò ý kiến, cố gắng dự đoán xem lá phiếu của cử tri Mỹ sẽ nghiêng về bên nào. Tất cả các hãng nghiên cứu thăm dò chính, cho đến thời điểm này, đều cho thấy kết quả thăm dò cử tri rất là sít sao giữa hai ứng cử viên, chỉ chênh lệch 1-2 điểm phần trăm.
Mặc dù mỗi cơ quan đưa ra các kết quả khác nhau, nhưng điểm chung là tỷ lệ ủng hộ hai ứng cử viên rất sát nhau. Điều đáng nói ở đây, mức chênh lệch tỷ lệ đó nằm trong vùng của sai số thống kê. Điều này có nghĩa là, kết quả hoàn toàn có thể ngược lại so với dự báo từ các cuộc thăm dò dư luận.
Những con số "kẻ tám lạng, người nửa cân" đó cũng cho thấy tính chất bám đuổi quyết liệt của cuộc chạy đua lần này vào chiếc ghế chủ Nhà Trắng.
Vậy ông dự đoán ai sẽ giành chiến thắng?
Với một tỷ lệ sít sao như thế thì tôi cho rằng rất khó để dự báo ai là người chiến thắng.
Mặt khác, việc dự báo người thắng cử Tổng thống chỉ là một trong những nội dung dự báo đối với mỗi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, bởi còn nhiều các nội dung khác tôi nghĩ rằng cũng quan trọng không kém. Ví dụ như đảng nào sẽ chiếm được đa số ở trong Quốc hội Mỹ, ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Đó cũng là một kết quả quan trọng quyết định cơ cấu của nền chính trị Mỹ sau bầu cử.
Đối với cử tri Mỹ, không chỉ bầu Tổng thống mà việc bầu các Thống đốc bang cũng là nội dung đáng quan tâm và có tác động trực tiếp đến đời sống của họ. Do đó, tôi cho rằng, các nội dung mà chúng ta cần theo dõi không chỉ là ai chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mà còn nhiều vấn đề quan trọng khác.
Theo ông, những nhân tố nào có thể tác động đến bầu cử Mỹ ngay trước "giờ G"?
Điểm đáng chú ý trong bầu cử lần này nằm ở các nhân tố đối ngoại. Thông thường các nhân tố về đối ngoại không mang tính quyết định đối với các cuộc bầu cử Mỹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mà tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay thì không loại trừ việc nhân tố đối ngoại tác động mang tính quyết định đến kết quả bầu cử Mỹ.
Tình hình thế giới có thể tác động sâu sắc đến các thành phần ở trong nội bộ nước Mỹ, làm họ có những thay đổi nhận thức hoặc là thay đổi tình cảm một cách đột ngột, ảnh hưởng đến quyết định lá phiếu của họ và kết quả bầu cử nói chung.
Ở đây tôi đặc biệt chú ý đến tình hình Trung Đông, ngoài ra không loại trừ những diễn biến ở xung đột Nga-Ukraine cũng sẽ có tác động với các chủ thuyết khác nhau của hai ứng cử viên đối với cuộc xung đột, dẫn đến tác động tới cử tri.
Một nhân tố nữa tôi nghĩ rằng cũng rất là đáng quan tâm là ảnh hưởng của mạng xã hội trong bối cảnh hiện nay khi mạng xã hội, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) có tác động rất nhanh và sâu sắc đến môi trường thông tin của các ứng cử viên và các cử tri Mỹ.
Theo dõi một vài ngày gần đây, tôi thấy rằng các công cụ AI chủ chốt ở Mỹ đã không đưa ra bình luận gì về các cuộc bầu cử Mỹ, mặc dù đó là công cụ rất nhiều người tìm đến vào lúc này. Điều đó cho thấy dường như đang có một nỗ lực hạn chế tác động của AI và các công cụ mạng xã hội lên cử tri Mỹ. Do đó, diễn biến trên mạng xã hội và AI có thể là một nhân tố bất ngờ.
Chính sách đối ngoại của nước Mỹ sẽ có sự khác biệt nếu ông Trump hay bà Hariss đắc cử. (Nguồn: Foreign Policy) |
Theo ông, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay sẽ tác động như thế nào đến tình hình thế giới hiện nay? Ông hãy phân tích về “màu sắc” chính sách đối ngoại của ông Trump và bà Harris nếu đắc cử Tổng thống Mỹ?
Nhiều nhà quan sát quốc tế nhận định, nếu mà bà Kamala Harris thắng cử thì sẽ duy trì được sự tiếp nối, kế thừa nhất định trong đường lối chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ và của Tổng thống Joe Biden cho đến nay. Bởi vậy, có lẽ chúng ta không có quá nhiều thứ để bàn nếu bà Harris thắng cử.
Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi được đặt ra đối với tình huống ông Trump thắng cử. Ví dụ như ông Trump sẽ đưa nước Mỹ đi về đâu và thực thi chính sách, đường lối đối ngoại như thế nào?
Trong rất nhiều câu hỏi, có lẽ câu hỏi đầu tiên là chủ trương, chủ thuyết của ông Trump về "nước Mỹ trên hết" sẽ tác động như thế nào đến quan hệ của Mỹ, trước hết là với các đồng minh, sau đó là với các nước bạn bè và các nước đối tác.
Như chúng ta đã biết, ông Trump, với chủ thuyết "nước Mỹ trên hết" có thiên hướng "co mình" trở lại và đẩy trách nhiệm nhiều hơn cho các nước đồng minh, bạn bè và đối tác.
Ví dụ như đối với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay khu vực Đông Á, nhiều khả năng là ông Trump sẽ có quan hệ sòng phẳng hơn và yêu cầu các nước đồng minh phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn đối với các vấn đề ở trong khu vực của mình.
Câu hỏi thứ hai mà nhiều người đặt ra là, ông Trump sẽ có chủ trương như thế nào với các đối thủ chiến lược của mình, ví dụ như là Nga hay Trung Quốc, và các biện pháp mà ông sẽ sử dụng để cạnh tranh chiến lược với các đối thủ là gì?
Nhiều nhà quan sát cho rằng, ông Trump sẽ không ngại đối đầu trực diện hơn với Trung Quốc, nhất là về kinh tế. Đặc biệt, cựu Tổng thống Mỹ có thiên hướng sử dụng các công cụ mà chúng ta vẫn gọi là "vũ khí kinh tế" nhiều hơn so với ông Biden.
Thứ ba, nhiều người cũng quan tâm về việc ông Trump sẽ có cách tiếp cận như thế nào với chủ nghĩa đa phương, chủ nghĩa toàn cầu. Như chúng ta đã biết, trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây, ông Trump có từng tuyên bố sẵn sàng rút ra khỏi các cơ chế đa phương mà Mỹ đã tham gia từ lâu.
Do đó, nếu ứng viên đảng Cộng hòa đắc cử nhiệm kỳ 2, hàng loạt câu hỏi được đặt ra về cách tiếp cận với chủ nghĩa đa phương, các biện pháp đơn phương hay cách tiếp cận đối với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, kiểm soát vũ khí hạt nhân...
Ngoài ra, người ta cũng đặt câu hỏi về cách tiếp cận của ông Trump đối với các điểm nóng toàn cầu hiện nay. Trong nhiều tuyên bố cam kết nếu đắc cử, ông Trump thể hiện cách tiếp cận khác biệt trong việc tìm giải pháp cho các điểm nóng như xung đột Nga-Ukraine, xung đột Trung Đông, hay eo biển Đài Loan...
Vì vậy, có một điều rõ ràng rằng, nếu ông Trump đắc cử thì chính sách đối ngoại nước Mỹ có thể có nhiều thay đổi căn bản so với chính quyền đương nhiệm cũng như trường hợp bà Harris đắc cử.
Xin cảm ơn ông!
Người dân Mỹ sẽ lựa chọn ai làm Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ? (Nguồn: Getty Images) |
| Đại sứ Phạm Quang Vinh: 'Độc lạ', gay cấn bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 và câu chuyện với Việt Nam Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có nhiều điểm đặc biệt và dù hai ứng cử viên ... |
| Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Ý nghĩa và tác động Các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ luôn có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong nội bộ nước Mỹ mà còn với cộng đồng ... |
| Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Cuộc đua vô cùng sít sao, 7 bang 'chiến trường' bất phân thắng bại Theo các kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 1/11, ông Donald Trump và bà Kamala Harris cách biệt rất ít, chỉ dưới ... |
| Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Cuộc bám đuổi nghẹt thở đến 'giờ G', ứng cử viên Kamala Harris đã bỏ phiếu? Chưa đầy 48 giờ nữa, toàn thế giới sẽ biết ai trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Tuy nhiên, cho đến giờ ... |
| Không khí ‘nóng hừng hực’ trong tuần cuối của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ Nước Mỹ đang "sục sôi" với cuộc đua nước rút trong tuần cuối chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ giữa hai ứng viên Kamala ... |