Là người quản lý, cũng đã có rất nhiều năm trực tiếp đứng lớp, tôi cảm thấy giật mình trước vấn nạn bạo hành trẻ mầm non xảy ra nhiều trong những năm gần đây. Bởi bạo hành theo tôi nghĩ là hình thức đày đọa tâm hồn trẻ thơ một cách nhanh nhất.
Tuy nhiên chúng ta cũng không thể vì một vài “con sâu” mà phủ nhận toàn bộ sự cố gắng của rất nhiều cô giáo mầm non đang cố gắng vượt qua mọi áp lực, khó khăn. Họ vẫn thiết tha yêu nghề, yêu mến và tôn trọng trẻ.
Cô giáo Phạm Thúy Phương. (Ảnh: NVCC) |
Tôi cho rằng giáo viên mầm non đang phải chịu quá nhiều áp lực về thời gian, cường độ làm việc và chăm sóc trẻ, nên rất dễ dẫn đến lúng túng và làm “bừa”... Mỗi lớp chỉ có hai, ba cô mà trông tới 40 - 50 trẻ và hàng ngàn công việc không tên, lại yêu cầu phải dạy giỏi, chăm trẻ tốt, trẻ tăng cân đầy đủ trong khi lương lại quá thấp.
Thực tế, ngoài giảng dạy và chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non cũng phải vào vai bác sĩ vì luôn trong tư thế hiểu tâm trạng trẻ, tìm hiểu những căn bệnh thường gặp ở trẻ, sẵn sàng cho trẻ uống thuốc theo lời dặn dò của phụ huynh. Cũng có lúc cô giáo mầm non là một chuyên gia tâm lý. Trẻ khóc, trẻ ương bướng, trẻ không nghe lời cô… Nếu không "nằm lòng" được tâm lý, tính tình của từng trẻ thì rất khó có thể đưa trẻ vào “khuôn” được.
Ai đó nói giáo viên mầm non như làm dâu trăm họ quả không sai. Với những trẻ ngang bướng, khó bảo sẽ khiến không ít cô giáo chỉ vì một phút thiếu kiềm chế sẽ dễ có hành động bồng bột, thiếu kiểm soát, dễ làm tổn thương trẻ.
Chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ của trẻ đòi hỏi các cô giáo mầm non kiên nhẫn, bao dung hơn. Những khi ấy, sự cáu gắt của các cô chỉ càng khiến trẻ bị tổn thương, ương ngạnh hơn mà thôi. Thế mới biết cô giáo mầm non ngoài sự tâm huyết với nghề còn cần phải yêu trẻ và có bản lĩnh như thế nào.
Công việc của giáo viên mầm non đòi hỏi phải tỉ mỉ, tốn nhiều công sức, sáng sớm đi, tối muộn về. Không chỉ khép kín với thời lượng 8 tiếng trong ngày, 5 ngày trong tuần ở trường, họ còn phải sắp xếp và phối kết hợp chặt chẽ với gia đình. Tất cả chỉ với mong muốn để trẻ cảm nhận được niềm hạnh phúc khi thấy mình được chăm sóc, được an toàn, được tôn trọng, thấy ấm áp, gần gũi như người thân trong gia đình.
Rất nhiều phụ huynh mong muốn nhà trường trông trẻ cả ngày thứ 7 và chủ nhật chỉ vì “con em chỉ nghe lời cô, yêu cô, chỉ muốn đi học”. Có trẻ ốm vẫn đòi mẹ đến trường với cô.
Có những trẻ vì chuyển nhà mà bố mẹ phải cho con chuyển trường nhưng trẻ không chịu đến trường mới chỉ vì “con chỉ yêu cô và không muốn xa cô”. Thật cảm động trước hình ảnh các con bịn rịn khi chia tay cô để chuẩn bị vào lớp 1, cả cô và trò đều khóc…
Tuy nhiên cũng phải nói rằng ở các nhóm lớp tư thục, giáo viên thay đổi liên tục. Thực tế, nhiều người không qua đào tạo đúng chuyên môn, không được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, trong khi chủ nhóm chạy theo lợi nhuận, trả lương giáo viên thấp, khiến họ không có động lực làm việc.
Mặt khác, khâu tuyển chọn giáo viên của nhiều cơ sở mầm non tư thục chưa đảm bảo. Với các cơ sở công lập hay trường mầm non có quy mô lớn, có cơ sở vật chất tốt thì việc tuyển chọn giáo viên thường khắt khe hơn, giáo viên phải được đào tạo bài bản và có nghiệp vụ, kỹ năng cao.
Giáo viên mầm non đang phải chịu quá nhiều áp lực về thời gian, cường độ làm việc và chăm sóc trẻ. (Nguồn: Báo Quảng Ninh điện tử) |
Ai cũng biết nuôi dạy trẻ là một nghề đặc biệt, vì không chỉ dạy mà còn phải dỗ dành, chăm sóc các bé bằng chính tình yêu thương của cô giáo. Nếu như không có tình yêu với trẻ, nếu như không chấp nhận được những hy sinh khi chăm sóc trẻ nhỏ, các cô nên chuyển sang một nghề khác để nhường chỗ cho những người yêu trẻ đảm nhiệm công việc này.
Đứng trước thực trạng bạo lực đối với trẻ, cá nhân tôi cho rằng ngành học mầm non cần phải có những quy định chặt chẽ trong khâu tuyển chọn giáo viên chứ không thể để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Các cô phải được đào tạo bài bản và chính quy. Như ở Pháp, giáo viên mầm non phải hoàn thành chương trình đào tạo và trải qua các kỳ thi nghiêm ngặt. Có thể nói, họ được xem như chuyên gia, được hưởng mức lương thỏa đáng và quan trọng hơn cả là họ được tôn trọng.
Đồng ý rằng mỗi giáo viên cũng chịu nhiều áp lực, công việc trông trẻ cũng không phải là dễ dàng, phải vào nhiều vai. Tuy nhiên, đã chấp nhận theo nghề thì trên những kiến thức, bằng cấp… phải là tình yêu trẻ nhỏ. Nếu như chúng ta ươm những hạt giống yêu thương thì chúng ta sẽ nhận lại những quả ngọt.