📞

Bảo hiểm y tế mới: Quyền lợi người dân có được đảm bảo?!

10:05 | 15/01/2015
Sau hơn một tuần triển khai Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bên cạnh những thay đổi tích cực, một số điều chỉnh vẫn khiến người dân băn khoăn, lo lắng.
Từ ngày 1/1/2015, khi vượt tuyến trung ương, trường hợp khám và điều trị ngoại trú sẽ không được BHYT thanh toán. (Ảnh minh họa)

Siết chặt vượt tuyến, giảm chi trả thuốc đặc trị

Theo Luật trước đây, người bệnh khi khám chữa bệnh trái tuyến sẽ được Quỹ BHYT chi trả ở mức 30%, 50%, 70% tùy theo hạng bệnh viện. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2015, khi vượt tuyến trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40% nếu nằm viện nội trú. Còn riêng trường hợp khám và điều trị ngoại trú sẽ không được BHYT thanh toán. Tương tự đối với các trường hợp điều trị nội trú ở tuyến tỉnh, BHYT chỉ trả 60% chi phí, tuyến huyện 70% và cũng không chi trả đối với trường hợp điều trị ngoại trú.

Có mặt tại một số bệnh viện tuyến trung ương những ngày đầu năm, rất nhiều bệnh nhân không khỏi lo âu trước những thay đổi trong quy định mới. Bà Phạm Thị Biết (65 tuổi, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, bà bị mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường gần 4 năm nay, khám ở bệnh viện tuyến huyện không có tiến triển khả quan. Bà quyết định vượt tuyến đến thẳng bệnh viện Bạch Mai khám nhưng nhân viên của bệnh viện không tiếp nhận thẻ BHYT của bà vì trường hợp của bà là khám và điều trị ngoại trú.

“Trước đây, mỗi lần khám và mua thuốc, tôi được giảm 100.000-200.000 đồng. Không biết nếu tôi về tuyến dưới để xin chuyển tuyến thì có được hay không?” - bà Biết băn khoăn.

Cũng trong tâm trạng ngạc nhiên, anh Hoàng Văn Năm (Hưng Yên), một bệnh nhân bị đau dạ dày chia sẻ, anh không hay biết gì về những quy định mới của Luật BHYT và vẫn đinh ninh là với Luật mới, người bệnh sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn.

Không chỉ siết chặt vượt tuyến, thông tin thông tư số 40/2014/TT-BYT (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015) vừa ban hành mới đây quy định bảo hiểm y tế cắt giảm việc chi trả một số loại thuốc, trong đó có bốn loại thuốc đặc trị ung thư là Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib và Sorafenib cũng khiến nhiều bệnh nhân ung thư như “đứng ngồi không yên”.

Bệnh nhân Lý Thị Phúc (36 tuổi, Thái Nguyên), đang điều trị tại trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, chị được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan và đang trong quá trình xạ trị. Trong phác đồ điều trị, bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc điều trị đích Sorafenib (điều trị ung thư gan) có giá gần 1 triệu đồng/viên với liều 4 viên/ngày, chi phí khoảng 120 triệu đồng/tháng. Chị không giấu nổi lo lắng khi đợt điều trị sắp tới, theo Luật mới, chị sẽ không được BHYT chi trả 100% mà sẽ phải đóng thêm 50% (khoảng 60 triệu đồng tiền thuốc). “

Giống như chị Phúc, nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi cũng như “ngồi trên đống lửa” khi ba trong bốn loại thuốc trong danh mục giảm chi trả (Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib) là những loại thuốc thường được kê trong điều trị ung thư gan và ung thư phổi giai đoạn cuối.

Đã cân nhắc kỹ

Lý giải nguyên nhân bãi bỏ quy định cùng chi trả với bệnh nhân vượt tuyến khám ngoại trú, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế khẳng định, quy định này đã được cân nhắc kỹ trước khi quyết định.

“Báo cáo giám sát của Quốc hội trong bốn năm thực hiện luật cũ cho thấy, số tiền chi cho khám trái tuyến là rất lớn, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây quá tải. Theo đánh giá của Viện Chính sách y tế thì có đến 70% số bệnh không cần thiết phải vượt tuyến, kéo theo chi phí ăn ở, đi lại không cần thiết. Phương án này thực tế không làm mất đi quyền lợi của người bệnh vì người bệnh vào cấp cứu dù ở đâu cũng vẫn được thanh toán 100%, nếu đi khám chữa bệnh đúng tuyến khi vượt quá khả năng chuyên môn tuyến dưới chuyển lên thì vẫn được thanh toán, với tuyến huyện được thanh toán cả khám và chữa bệnh, chỉ trừ tuyến tỉnh và tuyến TW”, bà Hương giải thích.

Còn về việc giảm chi trả bốn loại thuốc ung thư, bà Hương dẫn chứng ngay cả các nước phát triển trên thế giới cũng không chi trả 100% đối với 4 thuốc điều trị ung thư Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib và Sorafenib. Tại Trung Quốc, quốc gia có 95% dân số tham gia BHYT thì mức chi trả cũng chỉ là 30%.

“Trước đây, chỉ có 57 thuốc điều trị ung thư, giờ nâng lên thành 74. Danh mục thuốc này hoàn toàn đủ điều trị cho những căn bệnh ung thư. Việc đưa 4 loại thuốc giảm chi trả vào danh mục là để bệnh nhân lựa chọn theo khả năng”, bà Hương cho hay.

Là một thành viên trong hội đồng chuyên môn xây dựng danh mục thuốc BHYT, bác sĩ – PGS TS. Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K khẳng định, bốn thuốc trong danh mục giảm chi trả là những thuốc được chỉ định rất hạn chế, thận trọng và có thuốc thay thế.

“Trong hơn hai năm với trên 20 lần họp bàn, hội đồng gồm 15 chuyên gia đã cân nhắc rất kỹ khi đưa ra danh mục thuốc, dựa trên 3 tiêu chí về quyền lợi của người bệnh, khả năng chi trả của quỹ BHYT và theo thông lệ quốc tế”, bác sĩ Thuấn thông tin.

Vi Khanh (tổng hợp)