Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Vũ Việt Anh. |
Bối cảnh phức tạp và thách thức
Năm 2019 dưới góc nhìn bảo hộ công dân có thể nói là giai đoạn tình hình an ninh quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp và bất ngờ với nhiều rủi ro, khủng hoảng, thiên tai trải rộng trên hầu hết các khu vực trên thế giới. Cùng với đó là sự hiện diện của công dân Việt Nam du lịch, cư trú, lao động, học tập tại gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, nên tần suất gặp rủi ro, hoạn nạn ở nước ngoài tăng cao, tạo thách thức lớn cho công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp trong năm 2019, các nước tiếp tục gia tăng sự hiện diện trên thực địa, còn có hành vi đe dọa sử dụng vũ lực, sử dụng vũ lực và thường xuyên cưỡng chế, lai dắt, bắt giữ tàu cá, ngư dân tại các vùng biển chồng lấn, chưa phân định; gây khó khăn, phức tạp cho công tác bảo hộ ngư dân Việt Nam, chưa đi vào hợp tác, đối xử nhân đạo với ngư dân trên biển theo quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Trong bối cảnh này, Bộ Ngoại giao đã chủ động theo sát các diễn biến bất ổn, khủng hoảng, biểu tình, thiên tai tại tất cả các khu vực trên thế giới và trên Biển Đông; kịp thời xây dựng các phương án và triển khai công tác bảo hộ công dân và ngư dân trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Một điểm sáng đối ngoại
Nhìn lại 2019, có thể nói công tác bảo hộ công dân là một trong những điểm nhấn tích cực trong triển khai chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao. Các vụ việc, đặc biệt là vụ việc trọng điểm, phức tạp, chưa có tiền lệ đều được xử lý kịp thời, dứt điểm với hiệu quả cao, được dư luận xã hội và người dân ghi nhận.
Nguyên nhân quan trọng nhất của thành công này chính là nỗ lực của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành địa phương, sự tận tâm, đầy tinh thần trách nhiệm của các cán bộ xử lý trực tiếp ở trong nước cũng như ở Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt đặt trong bối cảnh thách thức là rất lớn, đến từ số lượng vụ việc tăng, tần suất xảy ra các vụ việc nghiêm trọng cao hơn so với các năm trước, trong đó có thể kể đến vụ đánh bom, khủng bố vào xe buýt chở 15 khách du lịch Việt Nam tại Cairo, Ai Cập tháng 1/2019, vụ bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương tại Malaysia tháng 3-5/2019, vụ việc 39 công dân tử vong trong thùng xe tải tại Anh tháng 10-11/2019.
Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là hoạt động hiệu quả của Quỹ Bảo hộ công dân. Đây là Quỹ do Chính phủ thành lập và vận hành theo nguyên tắc đặt cọc, tạm ứng và truy thu sau, tương tự như quy định về Bảo hộ công dân của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nguyên tắc này đã giúp việc hỗ trợ công dân được kịp thời khi họ gặp khó khăn ở nước ngoài mà bản thân không thể tự khắc phục được tại thời điểm đó, và giúp cho việc hồi hương công dân được nhanh chóng và thuận lợi.
Trong năm 2019, Quỹ Bảo hộ công dân đã sử dụng hiệu quả kinh phí để đưa 523 công dân, ngư dân ta bị bắt giam, tù đày, gặp khó khăn ở nước ngoài về nước, tập trung chủ yếu là ngư dân các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Quảng Ngãi...
Công tác bảo hộ công dân năm 2019 cũng có nhiều thuận lợi, đặc biệt là chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong đó có những vụ việc phức tạp Lãnh đạo Bộ Ngoại giao trực tiếp chỉ đạo, tham gia xử lý. Công tác này cũng ngày càng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ từ các Bộ, ngành, địa phương và đã đạt được kết quả tích cực.
Tiếp tục là "tấm đệm” vững chắc
Những vụ việc trong năm 2019 một phần thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ, Bộ Ngoại giao trong công tác bảo hộ công dân, mặt khác cũng là sự trăn trở của chúng tôi, những người làm công tác này vì ngày càng nhiều rủi ro đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài và tình trạng vi phạm pháp luật của công dân ta ở nước ngoài vẫn phức tạp.
Dưới góc nhìn bảo hộ công dân, tình hình thế giới 2020 dự báo tiếp tục nhiều thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc cho công dân ta ở nước ngoài. Tình trạng công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài và trên biển còn diễn biến phức tạp; cùng với đó là hoạt động ngày càng tinh vi của các loại hình tội phạm liên quan, đặc biệt là tội phạm đưa người di cư trái phép ra nước ngoài, sẽ tiếp tục là những thách thức trong năm 2020.
Từ góc nhìn này, công tác bảo hộ công dân cho năm bản lề 2020 cần được triển khai theo hướng: coi trọng các biện pháp chủ động phòng ngừa; đưa công tác tuyên truyền, cảnh báo cho người dân xuống tận cấp cơ sở; xử lý kịp thời, chuyên nghiệp, hiệu quả các vụ việc phát sinh trên cơ sở pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp các nước liên quan.
Theo đó, các biện pháp chủ động phòng ngừa được đặc biệt quan tâm, Bộ Ngoại giao đã chuẩn bị kế hoạch tuyên truyền, triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM), lên án di cư trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật ở nước ngoài.
Mặt khác, công nghệ thông tin cũng sẽ được nghiên cứu, tích hợp vào xử lý nghiệp vụ bảo hộ công dân với mong muốn đem đến tiện ích cho công dân dễ dàng tiếp cận thông tin cần thiết trước khi xuất cảnh ra nước ngoài và trong thời gian cư trú ở nước ngoài.
Tôi tin rằng với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, nỗ lực không ngừng của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương, công tác bảo hộ công dân năm 2020 sẽ tiếp tục là “tấm đệm” (như lời một nhà báo đã viết) cho công dân khi gặp rủi ro, bất trắc ở nước ngoài.
Nhân dịp năm mới 2020, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới an lành, hạnh phúc tới cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Năm 2019 là năm ghi nhận số lượng vụ việc bảo hộ công dân tiếp tục tăng, trong đó 13.643 công dân, 1.760 ngư dân/206 tàu cá được bảo hộ, 961 ngư dân được giải quyết thủ tục, hỗ trợ về nước sau khi bị phía nước ngoài trục xuất; 36 tàu/408 ngư dân gặp nạn trên biển được hỗ trợ tránh trú bão hoặc được cứu nạn trên biển. Ngoài ra, Tổng đài bảo hộ công dân đã tiếp nhận, giải đáp 5.400 cuộc gọi đến (tăng khoảng 31% so với 2018) và có 687.956 tin nhắn roaming quốc tế cung cấp đường dây nóng bảo hộ công dân cho công dân khi xuất cảnh ra nước ngoài. |