Mặt trái của sáp nhập
Như đã đề cập trong kỳ 1, việc mua bán, sáp nhập các tờ báo gây ra những lo ngại không nhỏ, đặc biệt khi các ông chủ sở hữu của nhiều tờ báo được sáp nhập thường là các doanh nghiệp thương mại. Việc các công ty không có kinh nghiệm hoạt động truyền thông sở hữu các tờ báo có thể ảnh hưởng đến tính độc lập và sự đa dạng của báo chí.
Tại New Zealand, mới đây có hai công ty truyền thông đã đề xuất sáp nhập để tăng cường sức mạnh, cho phép họ cạnh tranh với các mạng xã hội trực tuyến toàn cầu như Facebook. Tuy nhiên, các nhà phê bình đã lập luận rằng sự sáp nhập có thể sẽ gia tăng quyền lực cho cơ quan truyền thông.
Một sạp bán báo in ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: Jingdaily) |
Có những lo ngại tương tự ở Philippines. Công ty viễn thông PLDT, một chi nhánh của tập đoàn Indonesia Salim Group, đã mua lại phần lớn cổ phần tờ báo nổi tiếng The Philippine Star vào năm 2014. Nhóm này cũng có cổ phần trong tờ báo khá có ảnh hưởng ở Philippine là Daily Inquirer.
Mặc dù Chủ tịch PLDT Manuel V. Pangilinan nói các khoản đầu tư vào ngành truyền thông là một phần trong các chiến lược phát triển của tập đoàn nhưng có những suy đoán rằng với việc sở hữu các tờ báo lớn, tập đoàn này có thể tạo ra được các ảnh hưởng lên giới hoạch định chính sách, đưa đến các lợi ích kinh doanh cho tập đoàn này.
Tương tự, việc Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc Alibaba Group Holding của tỉ phú Jack Ma mua lại tờ báo tiếng Anh của Hong Kong là South China Morning Post (SCMP) và các phương tiện truyền thông liên quan khác vào tháng 4/2016, được đánh giá là một nỗ lực của các công ty Trung Quốc để tăng ảnh hưởng ở đặc khu hơn là một vụ đầu tư tài chính. Chính Phó Chủ tịch tập đoàn Alibaba Joseph Tsai trong một cuộc phỏng vấn đã thừa nhận tập đoàn sẽ sử dụng SCMP để thể hiện một Trung Quốc "cân bằng và hợp lý" trong bối cảnh các phương tiện truyền thông chính thống phương Tây thường viết về Trung Quốc "qua một ống kính rất khác biệt".
Hiện tượng báo in Ấn Độ
Ấn Độ có vẻ là một ngoại lệ khi báo in vẫn còn là một ngành phát triển. Sự tập trung mạnh mẽ của Chính phủ vào giáo dục đã cải thiện tỷ lệ biết chữ trong vài năm qua, dẫn đến sự tăng trưởng số lượng độc giả, đặc biệt là ở các thị trấn nhỏ.
Theo một báo cáo của Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ và Công ty tư vấn KPMG, báo in thống trị ngành công nghiệp in Ấn Độ, chiếm tới 95% doanh thu của ngành in ấn.
Mặc dù Internet đang đang dần được sử dụng rộng rãi tại Ấn Độ, độc giả vẫn sẵn sàng bỏ ra khoảng 3 USD một tháng để mua báo. Ngành báo in Ấn Độ dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 2,7% trong giai đoạn 2015 - 2020, một trong những nước có tỷ lệ tăng nhanh nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhiều tờ báo đang tập trung tiếp cận với các độc giả ở tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ, như một biện pháp thúc đẩy doanh thu quảng cáo báo chí.
Ngành báo in Ấn Độ vẫn đang trên đà phát triển. (Nguồn: The New York Times) |
Các tờ báo sử dụng ngôn ngữ địa phương ở Ấn Độ cũng có thể giúp tờ báo địa phương duy trì và mở rộng độc giả. Những báo đó ít bị chịu sức ép cạnh tranh so với những tờ viết bằng tiếng Anh và tiếng Trung.
Nhiều tờ báo tiếng Anh, không chỉ ở Ấn Độ mà ở các quốc gia châu Á khác, đang đối mặt với sự cạnh tranh từ các tờ báo nổi tiếng khác trên thế giới trong bối cảnh chi phí phát hành giảm trong bối cảnh toàn cầu.
Các tờ báo tiếng Anh ở Singapore đang ở tâm điểm của cạnh tranh quốc tế khốc liệt. Trong khi tập đoàn Singapore Press Holdings đã bắt tay vào việc đa dạng hóa nguồn doanh thu bằng việc đầu tư thêm cho báo điện tử nhưng việc chuyển đổi diễn ra khá chậm chạp.
"Nghiêm túc mà nói, họ nên đầu tư mạnh cho báo kỹ thuật số từ 6 năm trước", Aloysius Low, một cựu nhân viên của Singapore Press Holdings và là một biên tập viên cao cấp báo trực tuyến, viết trên tài khoản Twitter của mình.
Nếu không phát huy được những lợi ích từ làn sóng số hóa, các tờ báo châu Á khác có khả năng bị kẹt trong cơn bão của sự cạnh tranh quốc tế khi rào cản ngôn ngữ và biên giới bị xóa nhòa, Aloysius Low nhận định.