Nhiều người gọi 6/1 là “ngày đen tối”, vụ bạo loạn là cuộc đảo chính. (Nguồn: AP) |
Người Mỹ nói về “cú sốc thứ hai”
Nếu đại dịch Covid-19 với kỷ lục đứng đầu thế giới về số người lây nhiễm và tử vong là cú sốc thứ nhất, thì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ phức tạp chưa từng có mà đỉnh điểm là bạo loạn ngày 6/1 tại Đồi Capitol là cú sốc thứ hai.
Người biểu tình tràn vào Nhà Quốc hội, hoạt động của lưỡng viện gián đoạn, các nghị sĩ phải sơ tán. Vệ binh Cộng hòa, Cảnh sát Nhà Quốc hội phải sử dụng đạn cao su, hơi cay, dụng cụ chống bạo loạn và cả trực thăng để trấn áp, giải tán đám đông và 4 người biểu tình chết.
Ông Joe Biden được chính thức công nhận là Tổng thống thứ 46. Lần đầu tiên kể từ năm 2010, Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát lưỡng viện. Nhưng sự chia rẽ thực sự ngấm sâu vào nước Mỹ, từ Quốc hội, nội bộ Đảng Cộng hòa, từng bang đến từng gia đình. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đòi ngay lập tức tước quyền ông Trump, nếu không sẽ luận tội kích động bạo lực.
Nhiều người gọi 6/1 là “ngày đen tối”, vụ bạo loạn là cuộc đảo chính. Thậm chí có người cho rằng nước Mỹ đang đứng trước “hội chứng nội chiến”. Khác với cuộc nội chiến cách đây gần 150 năm (1861-1865), lần này không có chiến tuyến, mà “mọi người đấu với mọi người”.
Đảng Cộng hòa có thể phản công bằng cách gây chia rẽ, bất phục tùng ở các bang, dẫn tới Mỹ không có 1 chính quyền thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Nước Mỹ đi từ hỗn loạn đến bạo loạn. Khủng hoảng, chia rẽ sẽ kéo dài.
Thế giới cũng sốc
Thái độ chung các đồng minh của Mỹ là sốc với tình trạng hỗn loạn ở tòa nhà Quốc hội ngày 6/1. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberh gọi đó là “cảnh tượng gây sốc”. Thủ tướng Anh Boris Johnson, đồng minh thân cận nhất cảm thán “mất mặt”. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte so sánh “đó là những hình ảnh kinh khủng…”.
Nhiều chính khách đánh giá tác động từ vụ bạo loạn vượt ra ngoài phạm vi nước Mỹ. Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho rằng đây là cuộc tấn công không thể chấp nhận được vào nền dân chủ. Còn Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bày tỏ lo lắng “đối thủ của Mỹ cảm thấy vui trước cảnh tượng bạo lực”.
Vậy thái độ của Trung Quốc, một trong các đối thủ lớn nhất của Mỹ thế nào? Mạng xã hội, báo chí Trung Quốc bình luận sôi nổi về bạo loạn ngày 6/1. Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) đăng hình ảnh so sánh cuộc biểu tình bạo loạn ở Hội đồng lập pháp Hồng Kông tháng 7/2019 với vụ bạo loạn ngày 6/1 ở Mỹ.
Tờ báo nhắc lại lời bà Chủ tịch Hạ viện MỹNancy Pelosi lúc đó nói đây là “một cảnh đẹp đáng chiêm ngưỡng” rồi mỉa mai “bà ta có nói như vậy với vụ bạo loạn ở Đồi Capitol không?”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng có ý tương tự, khi so sánh phản ứng của giới truyền thông Mỹ với 2 sự kiện trên.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael Mcfaul đánh giá vụ bạo loạn ngày 6/1 là “món quà dành cho Putin”. Nga đón nhận “món quà” đó thế nào? Đến lúc này, Tổng thống Nga Putin chưa chính thức bày tỏ thái độ.
Phó Đại sứ thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky so sánh: Mỹ “vinh danh” sự kiện đẫm máu ở Ukraine năm 2014 (sự kiện Maidan lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych) là cuộc “cách mạng của phẩm giá”, còn bây giờ họ gọi biểu tình bạo loạn ở nhà Quốc hội là “khủng bố”!
Tương tự, lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga Gennady Zyuganov cũng ám chỉ vụ bạo loạn 6/1 là “Maidan tại Washington”. Và Mỹ đã gánh chịu hậu quả “boomerang đã quay trở lại với họ”.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodim đánh giá “Mỹ không còn có thể được xem là hình mẫu của nền dân chủ”.
Nước Mỹ có gì sau bạo loạn ngày 6/1
Phương Tây và người Mỹ luôn tự hào Mỹ là “đại diện cho nền dân chủ khắp thế giới”. Những phức tạp, rắc rối trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đặc biệt là bạo loạn ngày 6/1 chứng tỏ điều ngược lại. Nó khẳng định “chân Mỹ cũng dính bùn” hay dưới chân Tượng thần Tự do cũng có bóng tối.
Nước Mỹ luôn ca ngợi chế độ đa đảng. Nhưng cuộc bầu cử tổng thống và vụ bạo loạn ngày 6/1 cho thấy Đảng Dân Chủ hay Cộng hòa, thì trước hết cũng vì lợi ích của một bộ phận. Khi mâu thuẫn, xung đột lợi ích, họ không tính đến hình ảnh của đất nước, giá trị Mỹ, sẵn sàng đối đầu với nhau, cá nhân đối đầu với chính đảng của mình, đẩy đất nước, người dân vào tình trạng chia rẽ tồi tệ.
Từ đó suy ra, bất cứ nước nào, kể cả các nước lớn cũng có vấn đề của mình; không thể áp đặt mô hình, giá trị, tiêu chuẩn “dân chủ” Mỹ, phương Tây cho toàn thế giới.
Dư luận Mỹ nghi ngờ đứng sau kích động bạo loạn ngày 6/1 là lực lượng chống đối Trump. Họ lợi dụng người biểu tình, sử dụng hơi cay chống cảnh sát, sẵn sàng kích hoạt phương tiện nổ, đẩy xung đột lên cao.
Tục ngữ Việt Nam và một số nước có câu “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nước Mỹ bất lực trước đại dịch Covid-19, giờ lại rúng động trước bạo loạn. Con đường thực hiện tuyên bố “nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng dẫn dắt thế giới” của Tổng thống Joe Bideen và Đảng Dân chủ quả là vô cùng khó khăn.