📞

Bạo lực học đường: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng’

Thạc sĩ Trần Lê Hiếu Hạnh 16:08 | 29/03/2021
Chúng ta thường gắn kỷ luật với các hình phạt, kiểm điểm dành cho người phạm lỗi. Nhưng với các vụ bạo lực học đường diễn ra ngày càng dày đặc, liên tiếp trên cả nước, khiến xã hội 'đứng ngồi không yên'. Làm sao để giải quyết các mâu thuẫn bằng sự lắng nghe, thấu hiểu để tránh rơi vào thế 'mất bò mới lo làm chuồng'?
Thạc sĩ Trần Lê Hiếu Hạnh nhận định, bạo lực học đường tuy xảy ra trong nhà trường liên quan trực tiếp đến giáo dục nhưng lại là hệ quả của toàn thể các khía cạnh trong đời sống.

Trên báo chí, liên tục các vụ học sinh hỗn chiến bằng hung khí nguy hiểm, xử nhau như xã hội đen. Đó là các clip ghi lại cảnh túm tóc, đánh trong lớp của các “chị đại” vì nói xấu nhau trên Facebook hay vì màu đôi giày với sự thờ ơ, vô can và cổ vũ của các bạn học; cha học sinh lao vào lớp đấm đá một học sinh lớp 6 đánh nhau với con mình ở Điện Biên; phụ huynh cầm mũ bảo hiểm xông vào lớp, đánh cô giáo nhập viện ở Long An và còn “những phần chìm của tảng băng” nữa.

Nạn bạo lực học đường như những “con sâu làm rầu nồi canh”, len lỏi vào từng ngóc ngách trong thế tam giác cân giữa thầy cô – học trò – phụ huynh, từ mạng ảo ra thế giới thực, dẫn đến các tình trạng như: đánh đập, hăm dọa; chửi thề, kỳ thị, tẩy chay, cô lập; bắt nạt trên mạng…

Bạo lực học đường tuy xảy ra trong nhà trường liên quan trực tiếp đến giáo dục nhưng lại là hệ quả của toàn thể các khía cạnh trong đời sống.

Theo đó, trường học cũng như gia đình đều là tế bào của xã hội. Một cơ thể khoẻ mạnh mới mong từng tế bào sinh trưởng lành lặn và ngược lại.

Khi trẻ nhìn thấy cha mẹ và những người xung quanh dùng bạo lực để giải quyết, xử lý các vấn đề từ nhà ra ngõ sẽ khó thành công trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách trong nhà trường. Để tháo gỡ mối rối này, trách nhiệm không thể quy về một cá nhân, một đơn vị hay một tổ chức nào mà là ý thức của mỗi người với thế hệ trẻ.

"Thực tế, có nhiều thầy cô bám trụ với nghề đến khi cầm quyết định về hưu thở phào nhẹ nhõm vì “đáp cánh an toàn”, nhưng cũng có những thầy cô “gãy cánh” chọn về hưu non để bảo toàn sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần. Họ quyết định rẽ hướng sang một lĩnh vực nghề nghiệp khác khi không thể đối mặt với những áp lực trong nghề, khi “cái roi” của giáo viên bị tuột khỏi tay…", Thạc sĩ Trần Lê Hiếu Hạnh

Dẫn số liệu từ Bộ Giáo dục – Đào tạo, mỗi năm toàn quốc xảy ra 1.600 vụ bạo lực học đường, trung bình 5 vụ/ ngày. Bên cạnh những vụ việc có thể đo đếm được, còn những vết thương âm ỉ bên trong tinh thần, âm thầm chịu đựng như “phần chìm của tảng băng”.

Thực trạng bạo lực học đường thường xuất phát từ những mâu thuẫn tưởng chừng nhỏ nhưng do cách giải quyết xung đột thiếu bao dung nên gây tổn thương lớn về thể xác lẫn tâm hồn.

Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh đã đến lúc phải có sự đổi mới trong giáo dục, thay vì đánh giá học sinh bằng điểm số hãy trao cho các em sự thương yêu, hạnh phúc và trách nhiệm để “không học sinh nào có cảm giác bị bỏ lại phía sau”. Với những học sinh cá biệt, lại càng cần sự chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội, mỗi bên một nhiệm vụ kết nối các em với cuộc sống.

Thực trạng bạo lực học đường thường xuất phát từ những mâu thuẫn tưởng chừng nhỏ nhưng do cách giải quyết xung đột thiếu bao dung nên gây tổn thương lớn về thể xác lẫn tâm hồn. (Nguồn: VNE)

Việc dạy học tại trường, bên cạnh các giáo trình và bài giảng chung cho mọi đối tượng học thì thầy cô cùng gia đình nên có cách tiếp cận riêng với mỗi học sinh – sinh viên như một cá thể độc lập có năng lực, văn hoá cá nhân.

Cách dạy kiểu truyền thống theo phương pháp truyền đạt, diễn giải với người thầy là trung tâm và phương pháp thuyết giảng, lĩnh hội cho học trò bắt chước, theo mẫu nên kết hợp với các phương pháp sáng tạo để thể hiện được sự tự giác của người học qua các triết lý giáo dục tiến bộ.

Từ đó, giúp các em được trải nghiệm, giải quyết vấn đề; tự học, tự định hướng với sự tương tác, hướng dẫn của thầy cô trong môi trường học tập phù hợp.

Thực tế có nhiều thầy cô bám trụ với nghề đến khi cầm quyết định về hưu thở phào nhẹ nhõm vì “đáp cánh an toàn”, nhưng cũng có những thầy cô “gãy cánh” chọn về hưu non để bảo toàn sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần. Họ rẽ hướng sang một lĩnh vực nghề nghiệp khác khi không thể đối mặt với những áp lực trong nghề, khi “cái roi” của giáo viên bị tuột khỏi tay…

Giáo dục cần một lối đi hướng về nhân tính, để làm cho con người trở nên "người" hơn. Kỷ luật bằng tình thương là mỗi người đều nhận ra một phần trách nhiệm, biết đặt mình vào vị trí của nhau.

Trước khi viện đến pháp luật để giải quyết các xung đột, cần lắm sức mạnh của tình yêu thương, lắng nghe và thấu hiểu với sự chung tay của các nhà chức trách cùng các bên liên quan đóng góp trong việc đổi mới dạy và học trong thời đại 4.0.

Trần Lê Hiếu Hạnh - Cử nhân báo chí và truyền thông, Thạc sĩ văn hoá học, từng gắn bó trong lĩnh vực truyền hình và giảng dạy phim tài liệu truyền hình, biên tập truyền hình, kỹ năng viết tin bài báo chí cho sinh viên, học viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Biên tập viên phim “Làng võ sông Côn” - đạt giải nhất phim tài liệu trong Liên hoan phim tài liệu và phóng sự chuyên đề lần thứ II/2013, Biên tập viên phim “Cô gái nằm viết Blog”- đạt giải Bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc 2012.