📞

Bạo lực học đường: Phòng bệnh hơn chữa bệnh?

06:00 | 19/10/2016
"Bạo lực học đường không còn là vấn đề mới. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của nó luôn cần được xem xét để có thể đưa ra những biện pháp giúp hạn chế đến mức tối thiếu số ca các em bị bạo lực học đường".

Đó là quan điểm của PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng Khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP. HCM.

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn

Sau bài "Học sinh tự tử ở Yên Bái: Cần làm rõ các tội danh" và "Bạo lực học đường: Những quả bom nổ chậm", Báo TG&VN tiếp tục gửi đến độc giả quan điểm của chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn về vấn nạn này.

Thưa PGS, khi trở thành nạn nhân của bạo lực học đường thì các em sẽ phải trải qua khủng hoảng tâm lý như thế nào? Nhất là những hành động đó lại bị quay lại và đưa lên mạng?

Bạo lực học đường không còn là vấn đề mới nữa. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của nó luôn cần được xem xét để có thể đưa ra những biện pháp giúp hạn chế đến mức tối thiểu số ca các em bị bạo lực học đường.

Thực tế, không ít em mang những vết thương về tâm lý, có khi còn bị sang chấn nặng nề. Thứ nhất, các em bắt đầu xuất hiện cảm giác sợ hãi, lo âu khi bước ra ngoài. Thứ hai, một số em lại rơi vào mất ngủ, học tập không tập trung, ảnh hưởng đến kết quả học tập và sức khẻo không ổn định. Thứ ba, một số em đã bị chấn thương về mặt cơ thể, tâm lý phải đến gặp các nhà tâm lý để được tham vấn và trị liệu kịp thời.

Trong những năm qua, những video về bạo lực học đường được đưa lên mạng xã hội một cách dễ dàng. Phần lớn những đối tượng này không lường trước được hậu quả khi những hình ảnh, đoạn phim đó bị dư luận phát tán đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như tinh thần của người khác như thế nào.

Một số em cứ ngỡ rằng như vậy là chứng minh được bản lĩnh của bậc anh chị trong trường. Hẳn nhiên các em, những người tham gia vào “cuộc chơi”, sẽ là những người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi của mình.

Những đứa trẻ bị bạo lực học đường thường có biểu hiện như thế nào, thưa anh?

Thứ nhất, sau khi bị bạo lực học đường, một số trẻ sẽ cam chịu để mặc cho người khác làm tổn thương, các em sẽ trầm tính, thu mình nhiều hơn trước những người xung quanh. Thứ hai, một số em sẽ phản ứng bằng cách chống trả lại hành động đó như nổi loạn và phải "dằn mặt” để có thể trả thù. Không ít em sau một thời gian bị bạo lực đã rơi vào khủng hoảng và không làm chủ được hành vi của mình, dễ nổi giận và bốc đồng hơn trước đó. Tùy theo từng mức độ mà trẻ sẽ có những phản ứng tương ứng.

Bên cạnh kiến thức sách vở, trẻ luôn cần kỹ năng sống. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Mối quan hệ giữa bạo lực học đường với mạng xã hội hiện nay đang ngày càng trở nên khăng khít. Có phải chuyện bị bạn đánh còn không đáng sợ bằng việc bị đưa hình ảnh đó lên mạng xã hội? Clip bị bạo hành được lên mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực như tự tử không?

Không ít trường hợp các em bị bạo lực xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, chỉ cần thấy không ưng một vài hình ảnh, câu nói là các em đã hẹn nhau để có thể “xử đẹp” nhau. Nói vậy mới nhận thấy tầm quan trọng của việc các em nhận thức được việc sử dụng mạng xã hội như thế nào để không ảnh hưởng đến chính bản thân mình.

Khi đã gọi là mạng xã hội thì mọi người có thể tương tác với nhau, bên cạnh việc các em lo lắng việc hình ảnh mình bị phát tán lên mạng thì nên xem đó là cơ hội để các cơ quan chức năng vào cuộc và chấm dứt việc các em bị bạo lực. Nếu trẻ cứ âm thầm chịu đựng thì hậu quả có khi còn nặng nề hơn nữa.

Một khi hình ảnh các em được phát tán lên mạng xã hội khiến nhiều em không kiểm soát được cảm xúc tiêu cực bên trong. Các em chỉ biết hành động đó đang bị tất cả bạn bè chỉ trích, mình thật tội nghiệp. Bắt nguồn từ suy nghĩ tiêu cực đã dẫn đến hành động tiêu cực. Chính vì vậy mà rất cần thầy cô, những người lớn, hướng dẫn để trẻ biết được ứng phó với các tình huống nguy hiểm xảy ra ở ngoài thực tế và cả trên mạng xã hội.

So với các nước trên thế giới thì tỉ lệ tự tử học đường của nước ta có phải đáng báo động?

Dù các em tự tử vì nguyên nhân nào thì cũng rất cần được bảo vệ từ xa, trang bị cho các em kỹ năng sống để có thể sẵn sàng đối diện với những điều không hay xảy ra.

Tuy nhiên, vì các em đang ở tuổi mới lớn, tâm sinh lý chưa ổn định nên rất cần gia đình, nhà trường đồng cảm, lắng nghe và chia sẻ những khó khăn để cùng trẻ vượt qua, để không đứa trẻ nào có ý định tử tự dù dưới bất kỳ lý do gì. Dù sao phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, bên cạnh cung cấp cho trẻ rất nhiều kiến thức thì đã đến lúc cần cung cấp cho trẻ hành trang biết tự bảo vệ mình để bước vào cuộc sống.