Nhỏ Bình thường Lớn

Bạo lực học đường: 'Yêu cho roi cho vọt' cũng là nguyên nhân?

Trong số rất nhiều nguyên nhân thì 'yêu cho roi cho vọt' của nhiều bậc phụ huynh cũng là lý do khiến trẻ có suy nghĩ sử dụng bạo lực và do đó, tình trạng bạo lực học đường trở nên trầm trọng hơn.
"Yêu cho roi cho vọt" sẽ biến dần đứa trẻ trở nên bạo lực hơn
Quan điểm "yêu cho roi cho vọt" là một nguyên nhân khiến trẻ dùng bạo lực và khiến tình trạng bạo lực học đường ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

TS. Dương Thị Thu Hương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, quan điểm "yêu cho roi cho vọt" của nhiều bậc phụ huynh cũng là một nguyên nhân khiến trẻ có suy nghĩ sử dụng bạo lực.

Từ vụ việc một cô gái Hà Nội lên mạng tố cáo việc từng bị bắt nạt ở trường trong thời gian dài dẫn tới trầm cảm nặng nề, tự rạch tay làm đau và có ý định tự tử đang khiến dư luận bức xúc thời gian gần đây, chuyên gia, giáo viên, sinh viên, học sinh… đã có nhiều ý kiến chia sẻ chân thực.

Quan điểm "yêu cho roi cho vọt"

TS. Dương Thị Thu Hương (giảng viên chuyên ngành Xã hội học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định, hiện tượng bắt nạt học đường xuất hiện ngày càng phổ biến. Xuất phát từ sự phát triển của mạng xã hội, ngày nay, mỗi khi có một sự việc bắt nạt học đường nào đó xảy ra sẽ được chia sẻ và lan tỏa mạnh mẽ.

"Nguyên nhân chính nhất khiến hiện tượng này vẫn còn xuất hiện phổ biến đó là chưa ngăn chặn được tận gốc và kịp thời về động cơ bắt nạt học đường của một số bạn học sinh", TS. Thu Hương nói.

Đồng thời, theo TS. Thu Hương, ngay từ nhỏ, mỗi đứa trẻ cần được giáo dục phải biết yêu cơ thể của mình, hiểu được nguyên tắc không ai được xâm phạm đến cơ thể mình để biết cách tự bảo vệ mình mỗi khi có đối tượng bắt nạt. Cùng với đó, các em cần được giáo dục sớm và nhận ra hậu quả nguy hiểm, mức độ chịu phạt của hành vi để không nảy sinh suy nghĩ, ý định bắt nạt bạn bè xung quanh.

Đặc biệt, cá nhân TS. Hương cũng nhận định, xuất phát từ quan điểm "yêu cho roi cho vọt" của nhiều bậc phụ huynh cũng là một nguyên nhân khiến trẻ có suy nghĩ sử dụng bạo lực.

"Khi bố mẹ sử dụng bạo lực với con cái từ nhiều nguyên nhân, những đứa trẻ cũng sẽ coi nhẹ, dần hình thành suy nghĩ bạo lực và bắt nạt với người khác nhất là với bạn bè.

Sự quan tâm và cởi mở của bố mẹ với con cái cũng là vấn đề cần được lưu ý. Có rất nhiều trường hợp tôi đã đọc và chứng kiến, bố mẹ của một số bạn học sinh dành nhiều thời gian cho công việc tạo nên khoảng cách với con cái. Dẫn đến khi con mình là nạn nhân, đứa trẻ lại không dám nói và giãi bày với ai ngay cả bố mẹ mà chọn cách thu mình lại chịu đựng từ chèn ép tinh thần nhỏ đến hành động dại dột", TS. Thu Hương nhấn mạnh.

TS. Thu Hương cũng nói thêm, khi có được môi trường tốt, sự quan tâm của bố mẹ, phần lớn các em học sinh sẽ không bị rơi vào trạng thái tủi thân mỗi khi bị bắt nạt, sẵn sàng chia sẻ với những người thân nhất để có biện pháp kịp thời.

Kết bè kết phái là một nguyên nhân dẫn tới bắt nạt học đường

Thầy giáo Nguyễn Sông Thao (Trường THPT Thanh Chăn, Điện Biên) chia sẻ, trong quá trình giảng dạy, thầy đã gặp một số trường hợp bắt nạt học đường xảy ra với nhiều mức độ và hành vi khác nhau.

Thầy Thao cho rằng, cá nhân hay nhóm đối tượng học sinh có chủ đích bắt nạt bạn bè yếu thế thường xuất phát từ tính thích thể hiện, ra oai và coi đó như một thành tích.

"Tôi nhận thấy, việc học sinh kết bè kết phái rất phổ biến và xuất phát từ nhiều nguyên nhân như xung khắc về phong cách thời trang, học lực, gia cảnh hay tính cách...

Việc lập hội nhóm chơi thân với nhau không có gì là sai nhưng qua đó lại thể hiện sự thiếu hòa đồng trong môi trường tập thể. Hiện tượng đó sẽ dẫn đến nảy sinh các vấn đề mâu thuẫn giữa hội trong nhóm và ngoài nhóm. Đặc biệt, tôi cho rằng đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến bắt nạt học đường, và cái cớ để trù dập bạn bè", thầy Thao nhấn mạnh.

Ganh đua học tập có phải là nguyên nhân?

Lê Đỗ Bảo Trân - du học sinh Việt tại Mỹ tâm sự về câu chuyện mình bị bắt nạt học đường thời gian đầu cô sang Mỹ học tập và sinh sống: "Lúc mới qua Mỹ, mình có từng bị bắt nạt vài lần. Cũng không hẳn là lớn lắm, chỉ khi là học trong trường Mỹ, mình là người châu Á nên bị những học sinh khác đối xử khác hẳn. Ví dụ, khi các bạn khác có thể ngồi lên 1 chiếc ghế còn mình ngồi thì sẽ bị đổi và nhận lại thái độ miệt thị, xa lánh…".

Gần 8 năm sống ở Mỹ, cô cũng có theo dõi tin tức của Việt Nam và nhận thấy vấn đề bắt nạt học đường hiện nay rất nghiêm trọng. Bảo Trân cho rằng hiện tượng đó sẽ dẫn tới trầm cảm, tủi thân và dần dần các bạn sẽ sợ xã hội, cảm thấy ám ảnh và tự nghĩ không có ai bên cạnh đồng hành cùng.

Một vài trường hợp học rất tốt nhưng cũng có thể học sa sút, nghỉ học vì nỗi ám ảnh trường học, bạn bè và mọi người xung quanh.

"Với mình thì bắt nạt học đường thường xảy ra mâu thuẫn cá nhân, cuộc sống hơn là việc ganh đua học tập. Trong học tập, khi đã cố gắng học thì thường người chiến thắng luôn muốn chiến thắng trong sự công bằng và văn minh hơn là bắt nạt học đường. Vì vậy mình nghĩ cũng có thể có bắt nạt học đường trong việc ganh đua học tập nhưng thường không xảy ra lớn lắm", Bảo Trân thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Xúc động trước cậu học sinh lớp 4 khoanh tay, cúi đầu cảm ơn tài xế ô tô đã nhường đường
Dịp lễ 30/4, học sinh Hà Nội được nghỉ mấy ngày?
Vụ học sinh lớp 6 không đọc được chữ: Các em được 'lùa' lên lớp, vì đâu?
Học sinh lớp 6 chưa đọc được chữ: Chuyên gia tâm lý phân tích lý do
Học sinh lớp 6 không đọc được chữ: Nếu chỉ xét học bạ, nhiều em bị ‘đẩy lên lớp’ đến đại học
TIN LIÊN QUAN

(theo Dân trí)