Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Hoài Dương trả lời phỏng vấn báo Tái thiết về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với những thắng lợi mà Việt Nam đạt được. (Nguồn: Regeneracion) |
Ngày 21/12, báo Tái thiết (Regeneracion), tờ báo chính thức của Đảng Morena cầm quyền tại Mexico, đã đăng bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Hoài Dương, nội dung phản ánh một cách sâu sắc về vai trò lãnh đạo quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với những thắng lợi to lớn mà nhân dân Việt Nam đạt được trước đây cũng như hiện nay, về chính sách đối ngoại của Đảng ta và quá trình Đảng ta chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
Đây là những vấn đề đang thu hút được sự quan tâm của các lực lượng cánh tả và cấp tiến ở Mexico nói riêng và Mỹ Latinh nói chung, về một Việt Nam hôm nay không chỉ được biết đến bởi sự kiên cường chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ trước đây, mà còn bởi hình ảnh một Việt Nam phát triển, ổn định và chiến thắng trước đại dịch Covid-19.
Chống dịch với sức mạnh của tinh thần đoàn kết xã hội
Thưa ngài Đại sứ, Việt Nam đã được ghi nhận với cuộc chiến thành công chống lại SARS-COV-2. Ông có thể giải thích chính sách phòng chống Covid-19 của Việt Nam bao gồm những gì? Kết quả và vai trò của Đảng Cộng sản, Chính phủ và các tổ chức đoàn thể trước tình trạng khẩn cấp về y tế?
Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Tính đến ngày 15/12, Việt Nam là quốc gia với gần 100 triệu dân, đã ghi nhận tổng cộng 1.405 bệnh nhân Covid-19 (trong đó chỉ có 693 ca lây nhiễm trong cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh), đã chữa khỏi cho 1.252 bệnh nhân, có 35 bệnh nhân tử vong.
Các cá nhân, tổ chức có uy tín trong lĩnh vực y tế trên thế giới đều có chung nhận định Việt Nam đã trở thành một hình mẫu về khống chế dịch bệnh trong điều kiện nguồn lực có hạn. Việt Nam đã nhạy bén phát hiện từ sớm nguy cơ từ đại dịch Covid-19 và chủ động huy động có hiệu quả các nguồn lực để đối phó với dịch bệnh; là quốc gia đã nhanh chóng nắm bắt và sử dụng hiệu quả “vai trò của truyền thông và công nghệ thông tin”, “tính ưu việt của hệ thống y tế cơ sở”, “sức mạnh của tinh thần đoàn kết xã hội”. Ngoài ra Việt Nam đã “kích hoạt sớm hệ thống phản ứng”, và sử dụng “cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của cả hệ thống chính trị”.
Chính sách, tinh thần chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước Việt Nam là chủ động đánh giá đúng tình hình, đưa ra các giải pháp quyết liệt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế và thực lực của đất nước. Quan điểm xuyên suốt là “chống dịch như chống giặc”; huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; “lấy phòng dịch làm ưu tiên”, “khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, kiên quyết cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả”, “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”.
Đảng và Chính phủ Việt Nam đã khẳng định được vai trò lãnh đạo tuyệt đối, chỉ đạo phòng chống dịch một cách toàn diện theo các kịch bản đề ra, phù hợp với diễn biến tình hình.
Ngoài ra, các tổ chức quần chúng như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các hiệp hội doanh nghiệp… cũng là những lực lượng nòng cốt trong vận động và tuyên truyền về chủ trương của Đảng và Nhà nước về phòng chống dịch đến các tầng lớp nhân dân.
Các biện pháp ứng phó đại dịch đã được Việt Nam triển khai sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); cách ly và giãn cách xã hội được triển khai kiên quyết, kịp thời, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Ngay từ đầu, Ban Chỉ đạo quốc gia, các lực lượng y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác đã khẩn trương vào cuộc, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh như phát hiện nhanh, cách ly tập trung, xét nghiệm, khoanh vùng, chỉ đạo dập dịch và điều trị hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài, nhất là tại các sân bay, cửa khẩu, đường mòn, tuyến biên giới trên bộ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia trên thế giới, toàn thể nhân dân Việt Nam đã phản ứng tích cực, các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức quần chúng đã tập trung triển khai thực hiện “mục tiêu kép” là vừa quyết liệt phòng và chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Kết quả là Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương (dự báo khoảng 2,3%), kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm.
Việt Nam đã làm tốt công tác truyền thông, thông tin công khai, minh bạch, kịp thời tới mọi người dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức và sự chủ động của nhân dân trong phòng chống dịch.
Ngoài ra, Việt Nam đã chủ động sản xuất thành công bộ KIT xét nghiệm Covid-19 trong thời gian ngắn, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận, đạt tiêu chuẩn EC; hoàn thiện phác đồ điều trị, số ca được chữa khỏi ngày càng tăng nhanh, kể cả những ca tuổi cao, bệnh nền rất nặng cũng phục hồi tích cực.
Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập, nuôi cấy thành công virus Covid-19. Ngoài ra, Việt Nam cũng nghiên cứu sản xuất nhiều thiết bị, vật tư y tế, phần mềm phục vụ phòng, chống dịch, trong đó đã sản xuất được máy thở, các phần mềm ứng dụng khai báo y tế, truy vết người nghi nhiễm, khám chữa bệnh từ xa...
Thưa ngài Đại sứ, do hậu quả của đại dịch, hầu như tất cả các quốc gia đều dự đoán sự giảm sút đáng kể trong hoạt động kinh tế và GDP của mình. Tuy nhiên, Việt Nam dường như là ngoại lệ. Đâu là lý do dẫn đến kết quả khả quan này của nền kinh tế Việt Nam?
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo đạt khoảng 2,3% trong năm 2020 là nhờ đẩy mạnh đầu tư công, tiêu dùng trong nước phục hồi và thương mại gia tăng do đã kiểm soát tốt được dịch bệnh Covid-19.
Ủng hộ cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại
Thưa ngài, chính sách đối ngoại của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là gì? Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với giai cấp công nhân và các đảng xã hội chủ nghĩa và cánh tả ở các nước trên toàn thế giới không?
Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang có quan hệ với 45 đảng ở 20 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trên phạm vi toàn thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đang có quan hệ ở các mức độ khác nhau với 245 đảng ở 111 nước trên thế giới.
Quan điểm cơ bản trong chính sách đối ngoại của Đảng là:
Phát triển quan hệ với các đảng cộng sản, đảng của giai cấp công nhân, đảng cánh tả, các đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; mở rộng tham gia các cơ chế, diễn đàn đa phương ở khu vực và thế giới.
Trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại; mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Thưa ngài, trong năm tới, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Các vấn đề chính trị mà các đại biểu sẽ tranh luận là gì? Những thách thức là gì? Cuộc tranh luận được tổ chức như thế nào trong nước, giữa các đảng viên, trong các tổ chức quần chúng và trong xã hội nói chung?
Chủ đề của Đại hội XIII của Đảng là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Bốn dự thảo Văn kiện đại hội XIII của Đảng được công bố toàn văn để xin ý kiến nhân dân từ ngày 20/10 đến 10/11, gồm: (1) Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; (2) Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030; (3) Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025; (4) Dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Dự thảo các văn kiện của Đại hội XIII đã được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và nhân dân từ ngày 20/10 đến 10/11. Sau đó, các tiểu ban của Đại hội XIII tổng hợp và tiếp thu ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp, của đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương xem xét hoàn chỉnh để trình Đại hội XIII của Đảng. Việc đăng công khai này là một trong những điểm mới trong quá trình chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng chúng tôi so với các đại hội trước.
Việc tổ chức lấy ý kiến được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, bài bản và chất lượng cao. Trong suốt thời gian xin ý kiến, Thường trực Tổ biên tập Văn kiện đã phân công nhau dự một số cuộc hội thảo, tọa đàm, trực tiếp lắng nghe đóng góp.
Bên cạnh đó, Thường trực Tổ biên tập Văn kiện cũng tiếp nhận biên bản tổng hợp ý kiến từ các đầu mối như Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Đảng đoàn Quốc hội...
Ngoài ra, còn rất nhiều ý kiến góp ý sâu sắc tại các cuộc tọa đàm được tổ chức bởi các Viện nghiên cứu, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương... Người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng gửi nhiều góp ý.
Ngoài các kênh góp ý nêu trên, đảng viên, nhân dân còn gửi ý kiến trực tiếp cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Ủy viên Bộ Chính trị và những người tham gia Tổ biên tập.
Các ý kiến góp ý tâm huyết tập trung vào vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Họ mong muốn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống suy thoái, chống tự diễn biến phải được tiếp tục đẩy mạnh.
Ngoài ra, người dân cũng góp ý nhiều đến vấn đề kinh tế - xã hội, góp ý vào mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới.
| Việt Nam thúc đẩy quan hệ trên nhiều lĩnh vực với bang Jalisco của Mexico TGVN. Từ ngày 23-25/11, Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Hoài Dương đã thực hiện chuyến thăm làm việc đến bang Jalisco thuộc khu ... |
| Trao Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại cho hai tác giả người Mexico TGVN. Ngày 30/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico tổ chức trao Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại năm 2020 cho ... |
| Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico dâng hoa tưởng niệm Bác Hồ tại Thủ đô Mexico TGVN. Ngày 8/9, toàn thể cán bộ, nhân viên và thân nhân Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico đã long trọng tổ chức tưởng ... |