Tờ Washington Times của Mỹ dành cả một trang bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. |
Tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, các nhà ngoại giao Việt Nam và các đoàn quan chức cấp cao đang tiến hành vận động ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 -2025.
Việt Nam tiếp tục có được những đánh giá cao của những nhà quan sát Liên hợp quốc kể từ khi nước này cử cán bộ tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, là thành viên tích cực trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ưu tiên của Liên hợp quốc và gần đây là cuộc chiến khống chế thành công đại dịch Covid-19, bao gồm việc cung cấp khẩu trang và thiết bị y tế cho các quốc gia ít được quan tâm hơn.
Mặc dù có một số tiếng nói chỉ trích không đúng và không công bằng về thành tích nhân quyền của Việt Nam, điều quan trọng cần ghi nhận là Việt Nam là điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền.
Việt Nam cũng đã hoàn thành Báo cáo định kỳ phổ quát (UPR) lần 2 của Hội đồng Nhân quyền và đang tiến hành những khuyến nghị cho UPR thứ 3.
Hơn nữa, Việt Nam cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với các công ước quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Hiện Việt Nam là thành viên của 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Giới lãnh đạo chính trị của đất nước từng trải qua chiến tranh hiểu rằng, tương lai của mình phụ thuộc vào cải cách, một chính sách cân bằng và mở rộng nền kinh tế thị trường tự do.
Mặc dù không theo mô hình dân chủ phương Tây nhưng Quốc hội Việt Nam với 498 thành viên được bầu với nhiệm kỳ 5 năm, nhóm họp 2 lần một năm, để bổ nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Hơn nữa, các cuộc tranh luận tại nghị trường đều được tường thuật trực tiếp.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam ngày càng phát triển rộng rãi. Đến năm 2020, Việt Nam có 38 tổ chức của 16 tôn giáo khác nhau với 25 triệu tín đồ. Số lượng các tín đồ của các tôn giáo được công nhận tăng 6% (2001-2017), đặc biệt là tín đồ đạo Tin Lành tăng từ 670.000 người năm 2004 lên 1,2 triệu người năm 2015.
Sự phát triển mang tính đột phá này chủ yếu xảy ra ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, hai vùng có sự chuyển đổi đức tin mạnh mẽ nhất trong thời kỳ Đổi mới của Việt Nam...
Tự do trực tuyến được thể hiện tốt nhất trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi Chính phủ khuyến khích sự dụng truyền thông xã hội, bao gồm Facebook, để lan truyền các thông điệp về y tế công cộng. (Nguồn: baodaklak) |
Truyền thông xã hội giúp giải quyết khủng hoảng môi trường và Covid-19
Với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một loạt các hành động, bao gồm việc phê chuẩn Nghị định thư Kyoto năm 1994, phát động Chương trình trọng điểm quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2008, phê chuẩn chiến lược quốc gia vì biến đổi khí hậu năm 2011 và đang xây dựng chiến lược quốc gia vì phát triển xanh 5 năm 2012.
Từ khuôn khổ giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu của Việt Nam, những nhân tố mới đã xuất hiện để thúc đẩy chương trình nghị sự vì biến đổi khí hậu. Thành công của công cuộc Đổi mới đã dẫn đến sự tham gia của người dân địa phương vào việc thảo luận các dự án và chính sách.
Các nhóm như Hội Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hay Hội Nông dân Việt Nam cần được ghi nhận vì sự tham gia tích cực của họ với công tác môi trường như tập hợp hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên và ô nhiễm...
Đồng thời, các công nghệ mới và các nền tảng truyền thông xã hội đã tạo điều kiện cho tiếng nói của giới trẻ về những vấn đề bức thiết như biến đổi khí hậu. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có hơn 93,5 triệu thuê bao điện thoại thông minh, đạt gần 73% cả nước.
Tự do trực tuyến được thể hiện tốt nhất trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi Chính phủ khuyến khích sử dụng truyền thông xã hội, bao gồm Facebook, để lan truyền các thông điệp về y tế công cộng và phản bác các thông tin sai lệch nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn sự lan truyền của loại virus nguy hiểm chết người.
Sự ra đời của các phương tiện truyền thông xã hội, các blogger và các nhà hoạt động môi trường đã đưa các sáng kiến vào các diễn đàn mở và đôi khi tác động đến việc hoạch định chính sách một cách thành công. Chỉ cách đây vài năm, Việt Nam trải qua đợt lũ lụt ở miền Trung nhưng với sự vào cuộc của nhiều tổ chức xã hội dân sự và người dùng mạng xã hội, nhiều người dân gặp nạn đã được cứu sống, hỗ trợ.
Có hơn 70.000 hiệp hội đang hoạt động tại Việt Nam đại diện cho thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, người cao tuổi, các tổ chức từ thiện và các tổ chức phi chính phủ khác. |
Thể hiện vai trò dẫn dắt khi tham gia hệ thống quốc tế
Tháng 10/2007, Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 với 183 phiếu ủng hộ trong tổng số 190 thành viên tham gia bỏ phiếu. Như một bằng chứng cho thấy vai trò dẫn dắt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam là ứng cử viên đạt được sự đồng thuận của cả Nhóm châu Á-Thái Bình Dương trong Đại hội đồng.
Kể từ khi chính thức trở thành thành viên Liên hợp quốc năm 1977, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc trong xây dựng hòa bình, phát triển và nhân quyền. Với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối, Việt Nam lần thứ 2 được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 -2021.
Cùng với sự tham gia vào Hội đồng Nhân quyền và Hội đồng Kinh tế và xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), Việt Nam đã tích cực thúc đẩy các công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt tàn nhẫn và vô nhân đạo, loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về an ninh khí hậu ngày 23/9/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam đã tập trung thành công trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực, tái thiết hậu xung đột, xây dựng hòa bình…
Các thành viên Liên hợp quốc nhìn chung công nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy đấu tranh vì độc lập dân tộc, chủ quyền và tự quyết.
Hành trình thành công của Việt Nam với Liên hợp quốc còn được ghi dấu bằng những bước tiến đáng chú ý trong giai đoạn 1995-1999, bao gồm cả việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thương mại với Mỹ.
Một phần trọng tâm của sự cởi mở và gắn kết của Việt Nam với thế giới chính là sự sẵn sàng để có được tiếng nói và vị thế nổi bật hơn tại Liên hợp quốc.
Điều này đã được thể hiện rõ nhất qua nỗ lực thành công của Việt Nam khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vào đầu năm 2014.
Vào tháng 5/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Washington D.C. bên lề Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi quốc gia.
Việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền không chỉ làm sâu sắc thêm sự tham gia của Việt Nam vào hệ thống quốc tế mà còn tạo cơ hội để thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam.
| Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ: Indonesia nêu 6 ưu tiên thảo luận Trong khuôn khổ Khóa họp 77 Đại hội đồng LHQ, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi sẽ đưa ra thảo luận 6 vấn đề lớn và ... |
| Việt Nam lên tiếng về việc ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã bác bỏ nội dung sai sự thật, không khách quan của một số tổ chức về việc ... |
| Khóa 77 ĐHĐ LHQ: Chống khủng bố, vực dậy niềm tin vào chủ nghĩa đa phương; một nỗi lo của châu Phi sẽ được giải quyết Ngày 21/9, bên lề Khóa họp 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã diễn ra nhiều hoạt động ở cấp độ đa ... |
| Họp Đại hội đồng Liên hợp quốc: Để thế giới vượt qua ‘vùng biển động’ Thế giới đang trải qua thời khắc khó khăn chưa từng có và khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc là cơ hội để ... |
| Tổng thư ký Liên hợp quốc chúc mừng Việt Nam nhân dịp 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc Ngày 20/9 (giờ New York), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gửi thông điệp chúc mừng Chính phủ và Nhân dân Việt ... |