Bài viết trên báo Rusvesna cho rằng, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam là rất ấn tượng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. (Nguồn: Sputnik) |
Bài viết có tiêu đề "Tăng trưởng bất chấp đại dịch: thước đo Nga-Việt".
Theo bài báo, trong số khoảng 30 quốc gia có tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dương vào năm 2020, Việt Nam nổi lên với mức tăng hơn 2,9%. Kim ngạch thương mại của Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 1-11/2020 cũng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 490 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Hà Nội và Moscow cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong số các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là đối tác lớn thứ 5 của Nga trong số các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Theo số liệu thống kê của Nga, kim ngạch thương mại giữa hai nước trong giai đoạn từ tháng 1-10/2020 tăng 11,5% và đạt 4,6 tỷ USD.
Tác giả bài báo trên cho rằng, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam là rất ấn tượng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành và tác động mạnh đến nền kinh tế của hầu hết quốc gia trên thế giới. Các chỉ số ấn tượng đạt được là nhờ cuộc chiến chống lại sự lây lan dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được thực hiện thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các biện pháp được áp dụng không chỉ kiên quyết, mạnh mẽ, mà còn công khai và minh bạch. Kết quả là hơn một năm qua, chỉ khoảng 1.500 trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận ở Việt Nam, và điều đặc biệt là phản ứng của người dân đối với các hành động của chính quyền là hết sức tích cực.
Bài báo trên cũng cho biết, theo kế hoạch, Đại hội lần thứ XIII của của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 25/1-2/2 nhằm đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của kỳ Đại hội trước diễn ra cách đây 5 năm.
Vào cuối tháng 8/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông tin, tỷ lệ người nghèo đã giảm từ 9,9% năm 2016 xuống dưới 3% vào năm 2020.
Về mục tiêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiệm vụ đến năm 2025 Việt Nam đạt trình độ của một nước đang phát triển với nền công nghiệp theo hướng hiện đại và thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập bình quân thấp; đến năm 2030, tức là kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản, Việt Nam sẽ "trở thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập của người dân ở mức trung bình cao" và kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tức là vào năm 2045, quốc gia Đông Nam Á này "sẽ trở thành một quốc gia phát triển với mức thu nhập cao".
Trong lĩnh vực đối ngoại, tác giả nhận định, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công trong năm 2020, vị thế của đất nước ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức tốt các hoạt động của các cơ quan ASEAN theo hình thức trực tuyến, cũng như thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Đặc biệt, kể từ ngày 1/1 năm ngoái, Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và giữ cương vị này đến cuối năm 2021.
Tác giả cũng đánh giá cao chính sách đối ngoại hòa bình của Việt Nam và tin tưởng cả Moscow và Hà Nội với cách tiếp cận tương đồng sẽ góp phần vào việc củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực.
| Kinh tế Việt Nam: Khép lại năm 'vượt bão' thành công, chờ đợi sức bật mới TGVN. Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng tốt nhất thế giới trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp ... |
| Việt Nam là hình mẫu anh hùng đích thực của năm 2020, Ngoại giao và kinh tế tỏa sáng TGVN. Báo chí nước ngoài không kiệm lời khen ngợi những thành tựu xuất sắc của Việt Nam trên lĩnh vực ngoại giao và kinh ... |
| Thành tựu của ASEAN 2020 và vai trò của Việt Nam TGVN. Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng, ... |