Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Nga Vladimir Putin trên bục danh dự, nghe quân nhạc cử Quốc thiều hai nước tại Hà Nội, tháng 6/2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Báo Sự thật (Pravda) của LB Nga số ra ngày 30/8 đã có bài viết với nhan đề “Ngoại giao cây tre của Hà Nội”, trong đó khẳng định giá trị của đường lối ngoại giao mang đậm bản sắc cây tre trong việc giúp Việt Nam có mối quan hệ quốc tế sâu rộng và có uy tín cũng như sự tin cậy trên trường quốc tế.
Bài báo phân tích, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hà Nội năm 1945, chưa một quốc gia nào trên thế giới công nhận điều này, hay thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Sau 79 năm, ngày nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, 7 nước trong số đó là cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Quốc hội Việt Nam có quan hệ làm việc với cơ quan lập pháp của hơn 140 quốc gia, các tổ chức công của Việt Nam hợp tác với 1.200 tổ chức ngoại giao nhân dân, Việt Nam là thành viên trong 70 tổ chức quốc tế.
Tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 1/2021), những thành tựu về chính sách đối ngoại của Việt Nam được đánh giá cao nhất, như cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Trong một bài viết của mình, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải thích về khái niệm “ngoại giao cây tre”, theo đó, "gốc vững" là quan điểm nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia, độc lập, tự chủ, tham gia tiến trình hội nhập, bám sát phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; "thân chắc" là sự thống nhất hành động của tất cả các thành phần trong chính sách đối ngoại; "cành uyển chuyển" là các phương pháp và kỹ thuật ngoại giao khéo léo, khả năng thích ứng với hoàn cảnh, tính đến những thay đổi trên trường quốc tế và trong nước.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn và biến động của chính trị thế giới hiện nay, “ngoại giao cây tre” là cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bài báo viết, trong suốt lịch sử nước Việt Nam độc lập, Đảng Cộng sản Việt Nam coi mặt trận đối ngoại là bộ phận quan trọng nhất của cuộc đấu tranh cách mạng, không chỉ vì độc lập, tự chủ mà còn bảo đảm cho sự phát triển tiến bộ và tiến tới tương lai xã hội chủ nghĩa của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, ngành Ngoại giao được trao vai trò tiên phong trong việc bảo vệ lợi ích của dân tộc Việt Nam.
Các văn kiện chính của Đảng Cộng sản Việt Nam coi đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân là 3 trụ cột của chính sách đối ngoại. Là một phần của ngoại giao đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam có mối quan hệ với 253 đảng phái chính trị từ 115 quốc gia, không chỉ với những người cộng sản và công nhân, mà còn với các đảng cầm quyền thuộc nhiều đảng phái khác nhau.
Bài báo nhận định, với phương châm “ngoại giao cây tre”, Việt Nam đang duy trì quan hệ với tất cả các quốc gia sẵn sàng hợp tác với mình trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi; trong đó có quan hệ đối tác hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện là Lào, Campuchia và Cuba; 7 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cùng các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.
Đặc điểm nổi bật trong cách tiếp cận của Việt Nam có tính đến quy mô hợp tác kinh tế, chính trị; khả năng sử dụng nguồn lực của các nước này cho sự phát triển của Việt Nam. Việc tham gia các tổ chức liên chính phủ, tổ chức quốc tế cũng dựa trên cách tiếp cận này, theo đó, việc tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế và thương mại đa phương giúp kim ngạch xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng vượt bậc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hoạt động đối ngoại nhân dân cũng được Việt Nam hết sức quan tâm, với nhiệm vụ thông tin cho công chúng nước ngoài về những thành tựu của Việt Nam, quảng bá hình ảnh hấp dẫn của Việt Nam và tranh thủ, vận động nguồn lực bên ngoài cho công cuộc phát triển của Việt Nam.
Một ví dụ cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các thể chế ngoại giao nhân dân được thể hiện qua chương trình các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam tới Nga luôn có hoạt động gặp gỡ với các thành viên Hội Hữu nghị Nga-Việt, và tổ chức của các chuyên gia Liên Xô từng công tác tại Việt Nam.