📞

Báo Nhật: Việt Nam là câu chuyện thành công về kinh tế duy nhất của Đông Nam Á

Việt An 16:31 | 19/11/2020
TGVN. Tờ Nikkei Asia Review ngày 19/11 đánh giá, Việt Nam đang trở thành câu chuyện thành công về kinh tế duy nhất của Đông Nam Á trong 'kỷ nguyên' Covid-19, khi duy trì tốc độ tăng trưởng dương ổn định, trong khi các nền kinh tế khác đang vật lộn để hồi phục.
Kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng dương, bất chấp Covid-19. (Nguồn: VTC News)

Theo bài viết, trong quý III/2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Việt Nam đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý thứ 2 liên tiếp nền kinh tế này tăng trưởng bất chấp đại dịch.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định năm nay, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 4 trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về quy mô GDP danh nghĩa, vượt qua Singapore và Malaysia, rút ngắn khoảng cách với Philippines.

Trái ngược với các nền kinh tế ASEAN khác, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19. Sự gia tăng về xuất khẩu giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý III/2020 đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 26,7 tỷ USD. Bộ Công Thương ước tính, mức độ tăng trưởng xuất khẩu trong cả năm 2020 là từ 3-4%.

Bài viết dẫn lại câu chuyện hồi cuối tháng 10 vừa qua, một tàu container siêu lớn, do Maersk điều hành, đã cập cảng Cái Mép. Đây là lần đầu tiên con tàu này cập cảng lớn nhất miền Nam Việt Nam.

Trước đây, các tàu này thường lựa chọn các cảng khác trong khu vực như Singapore, nhưng hoạt động xuất khẩu ngày càng tăng của Việt Nam đã thúc đẩy nhu cầu vận tải đường biển, khiến các tàu chở hàng đến các nước phương Tây dừng lại ở đó.

Điều này cho phép hàng hóa Việt Nam đến được tay người mua trực tiếp hơn, qua đó giảm chi phí vận chuyển và rút ngắn thời gian quá cảnh, đồng thời giúp nước này trở nên cạnh tranh hơn với tư cách là nhà xuất khẩu.

Cũng theo bài viết, thành quả chống Covid-19 đã giúp Việt Nam giảm thiểu tác động kinh tế của dịch bệnh đối với nền kinh tế vì hoạt động sản xuất đã được nối lại nhanh hơn so với những nơi khác trong khu vực, tỷ lệ mất việc làm được hạn chế và chi tiêu của người tiêu dùng, vốn chiếm 70% GDP, vẫn ổn định.

Trong khi đó, các nước ASEAN khác vẫn chưa thoát khỏi sự sụt giảm do Covid-19 gây ra. Các dự báo của IMF cho thấy, trong năm 2020, GDP của Việt Nam sẽ tăng 1,6%, trong khi GDP của Singapore và Malaysia đều giảm 6% và của Thái Lan giảm 7,1%.

Hiện tại, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào khoảng 3.500 USD, thấp hơn rất nhiều so với con số 58.500 USD của Singapore và 10.200 USD của Malaysia. Tuy nhiên, đại dịch đang thúc đẩy "sự thay đổi trật tự kinh tế trong khu vực".

Hiện Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đang là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, và số ca nhiễm mới vẫn ghi nhận mức cao chưa từng thấy, trong khi Malaysia đang vật lộn với làn sóng thứ hai kể từ tháng trước.

Bài viết cho rằng, chừng nào tốc độ lây lan vẫn còn cao, hoạt động kinh tế bị đình trệ do người tiêu dùng tránh đi ra ngoài đường, sự phục hồi càng xa vời.

Mặc dù một số nước ASEAN được dự đoán sẽ phục hồi mạnh trong năm tới, nhưng Việt Nam có thể vẫn là nền kinh tế duy nhất có mức tăng trưởng thực tế trong nửa đầu năm 2021, tùy thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19.

(theo Nikkei Asian Review)