📞

Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Thước phim thế kỷ

Huệ Minh, Ngọc Linh, Nhật Phương, Mai An 18:31 | 17/04/2024
Như thước phim tua chậm từ thời nay về ngày đầu tiên xuất bản tờ 'Gia Định báo', chuyến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng đối với chúng tôi, những sinh viên Khóa 50 Khoa Truyền thông và văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao.
Sinh viên Khóa 50 Khoa Truyền thông và văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao tập trung lắng nghe thuyết minh tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Việt)

Dạo bước quanh khuôn viên chứa đựng bao dấu ấn lịch sử, từng thước phim về chặng đường gần một thế kỷ của nền báo chí cách mạng Việt Nam dần hiện lên trước mắt. Lâu nay, chúng tôi lắng nghe nhiều câu chuyện do người làm báo kể lại, nhưng quên mất chính cuộc đời, sự nghiệp của họ cũng chính là niềm cảm hứng.

Nếu như không được tới đây, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ biết được họ đã viết nên lịch sử của Tổ quốc như thế nào. Dùng ngòi bút sắc bén làm vũ khí, họ đã miệt mài viết nên những trang báo “vàng”, đem cuộc đời và sự thật đến với mọi người, để lại dấu ấn trường tồn cùng thời gian.

Không gian trưng bày

Những tư liệu cổ được trưng bày trong tủ kính. (Ảnh: Tuấn Việt)

Các không gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 1.500m2 tại tầng một và tầng hai của tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam tọa lạc trên đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Bước vào Bảo tàng, chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng những hiện vật có giá trị của nền báo chí cách mạng Việt Nam, mà còn thấy được dòng chảy của lịch sử Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc.

Tầng một của bảo tàng gồm 4 không gian trưng bày được chia theo các giai đoạn lịch sử: 1865 - 1925; 1925 - 1945; 1945 - 1954 và 1954 - 1975; tầng hai là không gian trưng bày giai đoạn từ 1975 đến nay.

Ở mỗi không gian bảo tàng khắc họa rõ nét bối cảnh xã hội từng thời kỳ với những tư liệu, hiện vật mang đậm dấu ấn lịch sử, giúp chúng tôi hình dung được sự phát triển của báo chí Việt Nam từ những giai đoạn đầu cho đến ngày nay.

Lời dặn của Bác tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962 được trích dẫn ở gian khánh tiết của Bảo tàng. (Ảnh: Tuấn Việt)

Không chỉ khắc họa những thước phim lịch sử đơn thuần, Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn được đánh giá cao khi trưng bày bằng các hình thức hiện đại: công nghệ phát thanh, truyền hình, số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu của công chúng khi đến trải nghiệm.

Tại các không gian trưng bày, chúng tôi vô cùng ấn tượng với những hình ảnh, trích dẫn với các màu sắc, chất liệu khác nhau, điển hình là biểu tượng bút sen và lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Câu chuyện lịch sử

Chiếc bục lớn hình viên kim cương tôn vinh 10 tờ báo cổ nhất và nổi tiếng nhất của thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Việt)

Tiến vào không gian trưng bày theo tiến trình phát triển của báo chí Việt Nam, chúng tôi được chứng kiến những hiện vật sống động, cùng những chú thích đi kèm thể hiện sự nghiệp báo chí vẻ vang của dân tộc. Điểm nhấn lớn nhất trong không gian trưng bày tầng một là một chiếc bục hình viên kim cương cỡ đại tôn vinh tờ Gia Định báo xuất bản năm 1865 và tờ Thanh Niên mở đầu cho nền báo chí cách mạng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925.

Bên cạnh những tờ báo, Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn trưng bày những hiện vật như chiếc loa 500 W từng được đặt tại bờ Bắc sông Bến Hải nhằm tuyên truyền về tình yêu quê hương đất nước đến với bờ Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ hay hai là cờ rách từng tung bay trong gió Trường Sa. Tất cả những hiện vật ấy đã tái hiện một thời lịch sử đầy sống động, mang đến cho chúng tôi những cảm xúc thật chân thực, bồi hồi.

Chiếc loa 500 W từng được đặt tại bờ Bắc sông Bến Hải nhằm tuyên truyền về tình yêu quê hương đất nước đến với bờ Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh: Tuấn Việt)

Xuyên suốt buổi tham quan, chúng tôi rất vinh dự khi được lắng nghe những câu chuyện đầy xúc động qua lời kể sâu lắng của Tiến sĩ Nguyễn Thu Huyền. Trong đó, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với một câu chuyện vô cùng hy hữu trong lịch sử. Đó là một tờ giấy báo tử cho một người đang sống - nhà báo Kim Toàn.

Trong một chuyến công tác, ông cùng với một người bạn đi vào khu vực trận địa để đưa tin. Ông đã gửi nhờ thẻ Đảng chỗ người bạn đi cùng, nhưng không may người bạn đó hy sinh. Khi lực lượng bộ đội ta tìm thấy thi thể người bạn cùng chiếc thẻ Đảng này đã tin rằng, nhà báo Kim Toàn đã hy sinh. Vì thế, đơn vị đã đánh giấy báo tử về cho gia đình ông. Tuy nhiên, ông đã trở về và giấy báo tử của ông đã được gia đình gìn giữ trong nhiều năm...

Không lâu sau đó, nhà báo Kim Toàn trở lại và gợi ý tặng hiện vật quý giá này cho Bảo tàng. Ông mong muốn gửi gắm tới thế hệ sau về sự tàn khốc của chiến tranh, ông đã may mắn sống sót nhưng ở đâu đó ngoài kia vẫn còn rất nhiều nhà báo "còn nằm đâu đó" mà chưa được tìm thấy. Lắng nghe câu chuyện này, chúng tôi không giấu được sự xúc động và tự hào vì thế hệ những người đi trước đã ngã xuống góp phần bảo vệ đất nước và viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Giá trị trường tồn

Chuyến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam để tại ấn tượng sâu sắc với các bạn trẻ. (Ảnh: Tuấn Việt)

Dọc theo những bước chân của hướng dẫn viên, chúng tôi như đắm chìm vào những phong cách trưng bày độc đáo với những màu sắc riêng của từng thời kỳ làm nổi bật lên những giá trị tiềm tàng của một “ngôi nhà di sản” của các thế hệ người làm báo. Từng hiện vật, mỗi bức ảnh… đều ghi dấu hành trình tác nghiệp trên con đường cầm bút của một nhà báo.

Bước đi thật chậm rãi, ngắm nhìn từng không gian, chiêm ngưỡng từng hiện vật, tất thảy tiến trình lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam như được tái hiện một cách sinh động ngay trước tầm mắt. Bảo tàng là nơi lưu giữ cuộc hành trình tôn vinh “giá trị” và phát huy truyền thống tốt đẹp của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường dài hơn một thế kỷ của nghề báo, thấu hiểu được nỗi vất vả của người cầm bút thời chiến để chúng tôi được tiếp nối “ngòi bút sen vàng” mà tự do sáng tạo với những sản phẩm báo chí hiện đại. Thăm nơi lưu giữ một chặng đường đầy tự hào thế hệ đi sau như chúng tôi được bồi đắp thêm ý tưởng, nhiệt huyết, khát vọng và quyết tâm cống hiến, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đóng góp cho sự nghiệp báo chí nước nhà, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lá cờ Tổ quốc cùng bút tích của thuyền trưởng và chính trị viên tàu KN22 tặng phóng viên TTXVN, chiếc tàu đã va chạm với tàu Trung Quốc trong sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tháng 6/2014. (Ảnh: Tuấn Việt)

Trở về nhà trong nắng hoàng hôn rực rỡ, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng với những dòng chữ lấp đầy vẫn còn phấp phới trong tâm trí chúng tôi. Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ đem lại một bức tranh toàn cảnh về báo chí Việt Nam, mà còn cả lịch sử thăng trầm của nước nhà. Những trang báo, bức ảnh đã, đang và sẽ luôn là người thư ký trung thành, đem chuyện đời đến với mọi thế hệ ở hiện tại và mãi mãi về sau.

WIDGET_VIDEO:::3765]