“Để bắt đầu chữa bệnh, trước tiên chúng ta cần hiểu cảm xúc của mình. Chúng ta cần quay ngược thời gian và tìm kiếm những gì chúng ta đã trải qua” chính là thông điệp được gửi gắm ở Bảo tàng Cảm xúc đương đại trực tuyến được Văn phòng Thủ tướng chính phủ Phần Lan ủy quyền.
Tại đây, cảm xúc của người xem sẽ được trải theo cùng các số liệu thống kê, xu hướng tìm kiếm, cách tiêu dùng phổ biến, các cuộc khảo sát do các tổ chức thực hiện, các hiện tượng nổi lên trên mạng xã hội, tin tức và hành vi của con người tại các mốc thời gian của đại dịch...
Bức ảnh cảnh hoang vắng của đường phố trong mùa dịch được trưng bày tại Bảo tàng Cảm xúc đương đại. (Nguồn: Finish Government) |
Sự kết hợp giữa giác quan, khoa học và nghệ thuật
Dựa trên lý thuyết của Paul Ekman về sáu cảm xúc cơ bản của con người: tức giận, ngạc nhiên, ghê tởm, hạnh phúc, sợ hãi và buồn bã, Bảo tàng Cảm xúc Đương đại mang đến cho du khách cơ hội đọc và nghe về trải nghiệm của mọi người và chia sẻ cảm nhận của họ.
Bảo tàng bao gồm các bức hình được cung cấp bởi 30 nhiếp ảnh gia, những người đã chụp cuộc sống hàng ngày trong đại dịch ở Phần Lan trong khuôn khổ dự án Tình trạng Khẩn cấp 2020.
Thêm vào đó, bảo tàng còn trưng bày các tác phẩm nghệ thuật độc đáo dựa trên sáu cảm xúc của con người được thực hiện bởi 6 nghệ sĩ tốt nghiệp trong thời điểm đại dịch.
Các tác phẩm cũng là một phần của dự án Summer of the Arts - một sáng kiến lớn của Quỹ Văn hóa Phần Lan vào năm 2021 do Liên đoàn Kulta của các hiệp hội Văn hóa và nghệ thuật Phần Lan thực hiện.
Chiêm ngưỡng qua trực tuyến, bảo tàng khuyến khích mọi người tìm kiếm góc nhìn cho những cảm nhận và trải nghiệm của chính họ trong bối cảnh rộng lớn hơn của các hiện tượng đại dịch.
Quay ngược thời gian và suy ngẫm về cảm xúc
Tại đây, khách tham quan bảo tàng được giới thiệu mở đầu bằng đoạn ghi âm cuộc họp báo của các nhà khoa học vào ngày 29/1/2020: “Hiện chúng tôi cũng đã tìm thấy loại virus mới này, Covid-19, ở Phần Lan”.
Sau đó, qua dòng thời gian tương tác, các cột mốc quan trọng (như tuyên bố của WHO vào tháng 3/2020 rằng Covid-19 là một đại dịch mang lại mức độ khủng hoảng to lớn đến toàn cầu) đều liên quan đến một hoặc nhiều hành vi, hiện tượng để người truy cập trải nghiệm.
Chẳng hạn, sau một tuyên bố về tình trạng khẩn cấp, một số người ở Phần Lan đã không chịu nổi với chứng mất ngủ, rồi hiện tượng tích trữ đồ được phổ biến, sự gia tăng trẻ sơ sinh...
Ngoài ra, các đoạn ghi âm về thời gian làm việc tại nhà, trẻ em học trực tuyến, nỗi sợ hãi về tương lai, khoảng trống văn hóa và những khía cạnh tiêu cực khác cũng được chia sẻ và khắc họa, kèm theo các số liệu thống kê về ly hôn và bạo lực gia đình.
Những hình ảnh trải nghiệm mùa Hè trong đại dịch. (Nguồn: Finish Government) |
Có thể nói, bảo tàng tạo cơ hội cho mọi người quay ngược thời gian, suy ngẫm về cảm xúc của chính mình, và nhận ra bản thân không hề đơn độc, nhiều người cũng cảm thấy như vậy. Những người thực hiện bảo tàng cũng tin rằng quá trình này sẽ làm cho xã hội trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn.
Tăng cường khả năng phục hồi của xã hội
Khả năng phục hồi tâm lý là một trong bảy chức năng quan trọng được xác định trong chiến lược an ninh xã hội của Phần Lan.
Bởi vậy, dự án bảo tàng này là một phần của chiến dịch truyền thông Phần Lan Forward do Văn phòng Thủ tướng thực hiện, nhằm hỗ trợ công việc và khả năng phục hồi của con người, xã hội trong khủng hoảng và sau khủng hoảng.
Theo Päivi Tampere - Trưởng phòng truyền thông của Phần Lan Forward, trải nghiệm được nghe, nhìn và thể hiện cảm xúc là một yếu tố quan trọng trong khả năng phục hồi tâm lý.
Päivi Tampere cho biết: “Bảo tàng Cảm xúc đương đại được thiết kế để hỗ trợ công dân phục hồi sau khủng hoảng, đồng thời ghi lại những khoảng thời gian đặc biệt theo cách đặc biệt. Hiểu và ghi lại cảm xúc cũng sẽ giúp xã hội chúng ta dự đoán được những sự kiện tương tự trong tương lai”.