Biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế tại Lễ khai mạc trưng bày (Ảnh: T.T) |
Buổi khai mạc trưng bày “Bảo vật hoàng cung – kim sách triều Nguyễn” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sáng ngày 31/3 thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Có lẽ, bởi đây là lần đầu tiên công chúng được chiêm ngưỡng tận mắt những cuốn kim sách cùng những kim bảo đến từ triều Nguyễn.
Được biết, những hiện vật quý giá này đã được đưa về lưu trữ tại Bảo tàng từ tháng 8/1945 nhưng đến tận hôm nay mới có được ra mắt khách tham quan của Bảo tàng. Cũng tại buổi khai mạc này, người xem được thưởng thức những tiết mục đặc sắc của Nhã nhạc cung đình Huế đến từ các nghệ sĩ Nhà hát truyền thống Cung đình Huế. Không khí Huế xưa trở lại trong khắp không gian của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Hiểu hơn về kim sách
Kim sách triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ đặc biệt, được làm từ các kim loại quý, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các Hoàng đế lên ngôi, lập Thái tử, Hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích... Lời của cuốn sách này do đích thân các Hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn và việc chế tạo được giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện.
Một trang kim sách bằng vàng (Ảnh: T.T) |
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện đang lưu giữ sưu tập kim sách triều Nguyễn bằng vàng và bạc mạ vàng, theo khổ chữ nhật đứng, bìa trang trí hình rồng 5 móng và hình phượng, gáy đóng 4 khuyên tròn. Sự ra đời, mục đích, ý nghĩa và nội dung của kim sách hầu hết được ghi chép trong các bộ sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như “Đại Nam thực lục”, “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ”, “Đại Nam liệt truyện”... Bởi vậy, mỗi quyển kim sách không những chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa triều đại mà còn là một di sản vô giá. Đáng chú ý, nhiều quyển kim sách trong sưu tập có kèm theo kim bảo được đúc trong cùng thời điểm và cùng sự kiện.
ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo” do chúa Nguyễn Phúc Chu đúc làm quốc bảo (Ảnh T.T) |
Theo Ts. Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cuộc trưng bày đặc biệt này sẽ kéo dài đến đầu tháng 8/2016 nhằm giúp công chúng trong và ngoài nước được tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về kim sách. 22 quyển kim sách tiêu biểu, được lựa chọn kỹ lưỡng cùng 10 kim bảo liên quan đã giới thiệu khá đầy đủ và hệ thống về loại hình thư tịch cùng những vấn đề lịch sử, văn hóa thời Nguyễn.
Làm giàu hơn kho tàng di sản quốc gia
Có thể nói, đây là cơ hội quý để khách tham quan có thể thưởng lãm những bảo vật hiếm có đến từ triều Nguyễn. Không chỉ được làm hoàn toàn bằng vàng và mạ vàng, các tác phẩm đều đạt đến độ tinh xảo và đòi hỏi kỹ thuật chế tác cao. Ví dụ như quyển kim sách bằng vàng, niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806) gồm có 5 tờ, trong đó 2 tờ bìa trang trí hình rồng mây và 3 tờ trong khắc sách văn rõ nét. Bên cạnh đó còn có ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo” do chúa Nguyễn Phúc Chu đúc làm quốc bảo vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Đến đời vua Gia Long, bảo ấn này được chọn làm bảo vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn.
Một quyển sách mới hơn là kim sách bằng bạc mạ vàng niên hiệu Bảo Đại thứ 9 (1934) với 6 tờ, trong đó 2 bìa in hình rồng mây và 4 tờ còn lại khắc những nét chữ nổi bật. Khách tham quan cũng sẽ ấn tượng ngay với chiếc hộp bạc đựng kim sách với họa tiết trang trí tinh tế bằng hình long, lân, quy, phượng từ thời vua Nguyễn (1802-1945).
Bìa kim sách bạc mạ vàng niên hiệu Bảo Đại thứ 9 (1934) (Ảnh: T.T) |
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đây chỉ là 22 trong số 94 quyển kim sách đang được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ. Bên cạnh đó, số lượng kim sách đang bị lưu lạc chắc vẫn còn khá nhiều. Ông cũng chia sẻ, hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vẫn đang đang tích cực tìm hiểu thông tin để tìm kiếm thêm những bảo vật bị mất tích trong chiến tranh. Theo ông, hiện nay điều kiện và cơ sở vật chất ở các bảo tàng ở Việt Nam còn hạn chế nên chưa thể giới thiệu hết tới công chúng về kho tàng di sản của dân tộc. Ông hy vọng trong tương lai, công chúng sẽ được tiếp cận nhiều báo vật quý khác, giống như cuộc trưng bày kim sách hiện tại.
Chiếc hộp bằng bạc đựng kim sách triều Nguyễn (Ảnh: T.T) |
Cũng góp phần làm giàu kho tàng di sản triều Nguyễn, nhân dịp này, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được tiếp nhận sách "Tổng tập sắc phong Việt Nam" (tập 1) do GS.TS. Nguyễn Khắc Thuần - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Kỷ lục trao tặng. Cuốn sách về các sắc phong Thần được hai triều vua Nguyễn là Thiệu Trị và Tự Đức ban tặng anh linh các nhân vật giàu công đức với dân do ông dịch và chú giải được in độc bản trên vải lụa theo tỷ lệ của sắc phong, khổ 81cm x 126cm, nặng tới 150 kg.