Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu: TTXVN) |
Từ một nước thuộc địa, nô lệ, nửa phong kiến, không có tên trên bản đồ thế giới, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 169 nước, vùng lãnh thổ và có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn, các ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đạt được những thành tựu trong xây dựng. phát triển đất nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".
Sau thành công của Đại hội XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp vừa qua, đồng bào và chiến sĩ cả nước vui mừng phấn khởi, tự hào, thêm tin tưởng vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minhlà luận điểm thống nhất, xuyên suốt thể hiện trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng ta. Sự lựa chọn này của Đảng đã được kiểm nghiệm từ thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Trải qua 35 đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỉ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN.
Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới.
Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước).
Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Có thể khẳng định, sự kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp đất nước ta đạt được những thành tựu đáng khích lệ, kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng.
Trong đại dịch Covid-19, chúng ta cũng đã triển khai quyết liệt những giải pháp phòng chống dịch đi đôi với bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, duy trì sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.
Sự đồng lòng quyết tâm của người dân cùng với Chỉnh phủ đã thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN và sự kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, những thành tựu của Việt Nam đã được cộng đồng ; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố.
Chính vì vậy, trong qua điểm chỉ đạo định hướng phát triển đất nước, văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: "Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".
Đây chắc chắn vẫn là con đường đúng đắn mà Đảng và Nhân dân ta kiên trì nhằm xây dựng được một xã hội khác hẳn về chất so với xã hội TBCN. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội… mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là thế giới quan, phương pháp luận khoa học về các quy luật của tự nhiên và xã hội, khoa học về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và xây dựng xã hội cộng sản. Đó là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, điều kiện và phương pháp giải phóng con người khỏi ách áp bức bóc lột, bất công và đói nghèo trên thế giới. Chủ nghĩa Mác-Lênin là một hệ thống mở, có khả năng hấp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, gắn bó và phát triển cùng với thực tiễn phong trào cách mạng đã, đang và tiếp tục phát triển. Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam. Bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh là bảo vệ hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, cũng là bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện toàn cầu hóa. |
Thế nhưng, trái ngược với những nỗ lực và thành tựu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, các thế lực thù địch, phản động không ngừng tuyên truyền, xuyên tạc, trong đó tập trung tấn công tư tưởng Hồ Chí Minh trên nhiều phương diện nhằm phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Họ xuyên tạc rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có tư tưởng của riêng mình hoặc tư tưởng của Người không được coi là một hệ thống. Các thế lực thù địch, phản động quy kết rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa cộng hòa và chủ nghĩa hòa bình hơn là một người theo chủ nghĩa cộng sản. Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng về đấu tranh giai cấp, về cách mạng xã hội chủ nghĩa, không mang bản chất mác-xít, thậm chí đối lập với Chủ nghĩa Mác-Lênin. Một số còn cho rằng, Hồ Chí Minh không nên đi tìm đường cứu nước, để Việt Nam phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa...
Rõ ràng, đây là một sự xuyên tạc vô căn cứ, bởi tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử của Việt Nam, là sự kết hợp nhuần nhuyễn Chủ nghĩa Mác-Lênin với giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chủ nghĩa Mác-Lênin trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã được chuyển hóa thành hệ thống thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan khoa học, cách mạng, sinh động, giàu tính thực tiễn, có giá trị dẫn đường cho thành công của cách mạng Việt Nam.
Chúng ta còn nhớ, trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã tìm đọc Luận cương của Lênin, "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta... Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba". Như vậy, không thể nói rằng tư tưởng Hồ Chí minh không liên quan gì đến Chủ nghĩa Mác-Lênin như các luận điệu phản động, cơ hội chính trị từng quy kết. Nếu không có Bác ra đi tìm đường cứu nước, Việt Nam vẫn là nước không có tên trên bản đồ thế giới, dân ta vẫn mãi là kiếp ngựa trâu, chứ đừng nói đến độc lập, tự do, hoà bình, thống nhất.
Hiện nay, trong điều kiện Đảng ta cầm quyền, lãnh đạo đất nước, Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Sự phá hoại chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là hành vi chống phá cách mạng Việt Nam và xoá bỏ vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng.
Do đó, đấu tranh trên trận địa tư tưởng, lý luận của Đảng, trước hết, không gì khác hơn là bảo vệ đến cùng những thành quả tư tưởng, lý luận mà Mác, Ăngghen, Lênin và Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu, đúc kết và kiểm nghiệm trong thực tiễn. Muốn nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng củng cố vững chắc, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thi đua lao động, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ có thể tồn tại và phát triển khi đem lại những giá trị thực tiễn cho cách mạng Việt Nam. Trong công cuộc đổi mới và tiến trình thực hiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội chưa hề có tiền lệ và chưa có sẵn mô hình để đi theo. Do đó, trong mỗi hoàn cảnh, mỗi điều kiện phải có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo để có thể đạt được kết quả tốt nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước và toàn xã hội.
Chúng ta cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập, giáo dục và phát triển chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những giá trị đích thực của các nguyên lý, luận điểm của Mác-Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, bổ sung, làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Mạnh dạn tìm ra những lối đi mới chứ không bước trên lối mòn cũ. Bác Hồ đã không đi Nhật như cụ Phan Bội Châu, không đi Trung Quốc như cụ Nguyễn Thượng Hiền, không giống như cụ Phan Chu Trinh, không bạo động theo đường lối dân chủ như cụ Hoàng Hoa Thám… Bởi Người nhìn thấy các mặt tích cực nhưng cũng nhận ra nhiều điểm hạn chế của các lối đi.
Vì thế, Người tìm một lối đi mới mà bấy giờ chưa ai nghĩ đến, đó là sang và nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa khác để tìm hiểu, học hỏi. Ngày nay, học tập tinh thần đó, chúng ta phải thực sự chủ động và sáng tạo trong các hoạt động của mình, từ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý xã hội...cho đến việc hoạch định đường lối phát triển đất nước.
Cả quá trình tìm đường cứu nước cũng như suốt cuộc đời cách mạng của của Hồ Chí Minh, Người đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vì dân, vì nước. Đó là một tấm gương sáng cho tất cả các thế hệ người Việt Nam noi theo. Năm xưa, vì chịu cảnh đau đớn khi mất nước, nhà tan mà Người quyết tâm tìm đường cứu nước. Ngày nay, điều kiện thế giới đã khác, vị thế đất nước đã lớn mạnh, mỗi người dân Việt Na nguyện đi theo con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn; nỗ lực phấn đấu “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như Người hằng mong mỏi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống. |