📞

Bảo vệ rừng dựa trên ý thức người dân

HOÀNG TRUNG HIẾU 20:00 | 07/07/2024
Để bảo vệ tài nguyên rừng vì một Trái đất xanh tươi bền vững thì ý thức của cộng đồng địa phương là điều đặc biệt quan trọng.
Chị Sumini (đi đầu) và các đồng đội trong một chuyến tuần tra bảo vệ rừng. (Nguồn: AP)

Ông Muhammad Saleh vốn là một tay “lâm tặc” khét tiếng ở làng Damaran Baru, tỉnh Aceh, Indonesia. Nhiều năm trước, do đời sống gia đình còn thiếu thốn, ông Saleh thường vào rừng săn bắn các loài thú quý hiếm. Ông bắt nhiều loài chim quý mang bán và thường chặt cây lấy củi.

Nhưng gần đây, các thành viên của đội kiểm lâm viên cộng đồng của làng đã đến gặp vợ ông là bà Rosita và thuyết phục bà khuyên chồng từ bỏ các hoạt động trái pháp luật đó.

Sau nhiều lần được thuyết phục, ông Saleh và nhiều người đàn ông khác trong làng đã dừng hẳn việc săn bắn trái phép. Thậm chí, họ còn tham gia tuần tra bảo vệ rừng cùng đội kiểm lâm viên cộng đồng.

Nhẹ nhàng mà kiên quyết

Để bảo vệ khu rừng nhiệt đới xanh tươi của làng Damaran Baru, các phụ nữ ở làng đã xin phép chính quyền địa phương thành lập đội kiểm lâm tình nguyện bảo vệ rừng, do cô Sumini đứng đầu. Tháng 1/2020, đội kiểm lâm thực hiện chuyến tuần tra, bảo vệ rừng lần đầu tiên.

Hằng ngày, từ rất sớm, các nữ kiểm lâm đi tuần trên những con đường mòn len lỏi dưới những tán cây rừng nhiệt đới. Họ đi sâu vào rừng, mang theo các trang thiết bị mà họ sử dụng thành thạo. Các nữ kiểm lâm đi theo bản đồ, ghi chép lại các danh mục cây rừng, đánh dấu các khu vực rừng bị phá và treo các băng rôn kêu gọi người dân không phá rừng.

Trên đường tuần tra, đội nữ kiểm lâm đôi khi bắt gặp một vài người dân đi trong rừng. Họ đến gần, vui vẻ hỏi han và nhắc nhở không được chặt cây rừng.

Các chị em trong đội kiểm lâm kiên nhẫn và nhẹ nhàng thuyết phục người dân trong vùng, thay vì sử dụng các biện pháp “cứng rắn” như ép buộc, hay đối đầu với những người đàn ông vốn từng quen với việc săn bắt và chặt phá rừng.

Cô Sumini cho biết, chiến thuật đó có hiệu quả trong việc giúp người dân thay đổi thói quen. Nhóm nữ kiểm lâm không được trang bị vũ khí, nhưng họ không hề tỏ ra lo sợ cho sự an toàn của bản thân. Xung đột trong rừng chưa từng xảy ra. Đội nữ kiểm lâm không có quyền bắt người nhưng có thể báo cáo với chính quyền.

Sự giao tiếp nhẹ nhàng, thân thiện chính là “chiến thuật” mà các nữ kiểm lâm sử dụng để bảo vệ khu rừng khỏi những người phá rừng và săn trộm. Sau nhiều năm tuần tra giúp nạn phá rừng giảm mạnh, cách làm hiệu quả của đội nữ kiểm lâm tỉnh Aceh đang được áp dụng ở những nơi khác tại Indonesia, nhờ chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế giúp tập hợp các nhóm nữ kiểm lâm ở các nơi lại với nhau.

Các thành viên của đội kiểm lâm Aceh đã gặp gỡ phụ nữ từ các tỉnh trên khắp Indonesia bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn phá rừng, chia sẻ thông tin về các chương trình lâm nghiệp hàng đầu của địa phương, dạy người dân cách lập bản đồ vùng hoang dã, cách soạn thảo đề xuất và xin giấy phép quản lý lâm nghiệp, và các biện pháp chống săn bắt và khai thác gỗ trái phép.

Nỗ lực cần được phát huy

Hiện nay, hơn 1.800 hộ dân ở làng Damaran Baru đã được chính phủ Indonesia và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ ngân sách và giúp họ phát triển kinh tế lâm nghiệp. Khi đời sống kinh tế được đảm bảo, những hoạt động phá rừng khai thác gỗ hoặc săn bắn trái phép cũng giảm hẳn.

Đội nữ kiểm lâm viên tình nguyện ở tỉnh Aceh đã được tôn vinh trong một số lễ kỷ niệm của ngành kiểm lâm Indonesia. Chính phủ Indonesia cũng ghi nhận những nỗ lực của họ.

Không chỉ Indonesia, nhiều quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam cũng rất quan tâm đến công tác bảo vệ rừng.

Vừa qua, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đại diện Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổ công tác ASEAN về quản lý rừng (ASEAN Working Group on Forest Management, viết tắt là AWG-FM) lần thứ 19 từ ngày 6-7/6 tại Đà Nẵng, với sự tham dự của đại diện các quốc gia ASEAN, Ban thư ký ASEAN và một số tổ chức quốc tế.

Tổ công tác AWG-FM do các nước ASEAN thành lập, với mục tiêu thúc đẩy quản lý rừng bền vững và đề xuất các nội dung liên quan về quản lý rừng bền vững đến Hội nghị Nhóm quan chức cấp cao của ASEAN về lâm nghiệp (ASOF) sắp tới.

Hội nghị AWG-FM được tổ chức thường niên theo nguyên tắc luân phiên các nước ASEAN, nhằm thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau về quản lý rừng bền vững, góp phần thực hiện tốt thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp; vận động, thu hút nguồn lực tài chính, kỹ thuật hỗ trợ cho việc phát triển ngành lâm nghiệp và nâng cao năng lực thực thi pháp luật giữa các nước ASEAN.

Đại diện nước chủ nhà, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo đã đánh giá cao những nỗ lực của Tổ công tác AWG-FM trong việc kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước ASEAN để phát triển lâm nghiệp bền vững.

Ông Trần Quang Bảo cho biết, ASEAN là khu vực có tài nguyên rừng phong phú. Sự phát triển ngành lâm nghiệp tại các quốc gia ASEAN đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và góp phần xóa đói, giảm nghèo tại nông thôn và miền núi, góp phần bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường, chống phát thải khí nhà kính. “Cần tiếp tục tăng cường chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hướng tới mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của các nước trong khu vực”, ông Trần Quang Bảo nhấn mạnh.

Indonesia là quần đảo nhiệt đới rộng lớn trải dài qua đường xích đạo, có diện tích rừng nhiệt đới lớn thứ ba thế giới với nhiều loài động thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng gồm đười ươi, voi, trăn và các một số loài hoa rừng khổng lồ.

Theo tổ chức Theo dõi rừng toàn cầu (Global Forest Watch), kể từ năm 1950, khoảng 740.000km2 rừng nhiệt đới Indonesia đã bị chặt phá hoặc đốt cháy để lấy đất mở các đồn điền trồng cọ lấy dầu, trồng cây nguyên liệu giấy, cây cao su, khai thác khoáng sản. Trong những năm gần đây, nạn phá rừng chậm lại nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra.

(tổng hợp)