Quần thể lim xanh cổ thụ nằm trong khu rừng Ba Hố ở Phú Thọ. (Nguồn: Vietnamnet) |
Đinh, lim, sến, táu từ xa xưa đã được coi là "Tứ thiết mộc" (4 loại gỗ quý hiếm, có độ bền chắc và độ cứng cao) của Việt Nam. Vì được xếp ở vị trí số 2, nên cây lim xanh luôn bị “lâm tặc” nhòm ngó.
Đầu tháng 8/2024, theo chân cán bộ hạt kiểm lâm huyện Tam Nông và người dân bản địa, chúng tôi tới thăm khu rừng Ba Hố, thuộc địa bàn khu 1, 2 xã Dị Nậu. Đây là nơi “ẩn cư” của quần thể cây lim xanh cổ thụ, trong đó nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm.
Mất gần 1 tiếng ngược con suối Chày Cối, men theo những đường mòn lởm chởm sỏi đá, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi có hơn 300 cây lim. Những thân cây cao lớn, vững chắc được bao bọc bởi những tầng lá xanh ngắt, dày đặc.
Anh Phùng Đức Toản, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tam Nông cho biết, hiện khu rừng có hơn 300 cây lim xanh tuổi đời từ 100 năm trở lên. Đây là giống lim cực quý hiếm đang được bảo vệ tốt. Đặc biệt một số cây có tuổi đời lên tới 300 năm.
Theo chỉ dẫn của anh Toản, chúng tôi đến thăm cây lim xanh được xếp vào hàng cao tuổi nhất ở đây, với lớp vỏ nâu xù xì, địa y bám dày đặc xung quanh gốc cây. Cây này có độ cao ước chừng hơn 40m, đường kính phải 3 người ôm mới xuể.
Khi được hỏi về nguồn gốc những cây lim trong rừng Ba Hố, các bậc cao niên trong xã cũng không biết chúng có từ bao giờ. Trải qua nhiều thế hệ, khu rừng vẫn giữ được nét nguyên sơ và được người dân nơi đây xem như khu vực cấm.
Hàng chục năm qua, các hộ dân trong xã vẫn tình nguyện cùng lực lượng kiểm lâm tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng. (Nguồn: Vietnamnet) |
Theo tìm hiểu, năm 1989, Nhà nước thực hiện giao khoán đất rừng, quy chủ cho khu rừng Ba Hố. Các hộ dân chỉ được giao canh tác trên phần đất lâm nghiệp, còn diện tích rừng lim xanh xen kẹt không được giao cụ thể. Dù vậy, các hộ dân vẫn tự nguyện trông giữ rừng.
Gần 40 năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Sinh, khu 2, xã Dị Nậu quản lý, chăm sóc số lượng cây lim xanh cổ thụ lớn nhất tại đây với 160 cây. Từ các cây cổ thụ, hàng nghìn cây con đã mọc lên và đều được gia đình chăm sóc cẩn thận.
“Các thành viên trong gia đình tôi, ai cũng tự hào về những gốc lim xanh trong khu vực rừng do gia đình quản lý. Mọi người đều có ý thức trông nom, chăm sóc và coi đó như là 'báu vật'. Tôi và các con thường xuyên cùng cán bộ kiểm lâm kiểm tra, kiểm đếm và canh phòng lâm tặc”, bà Sinh chia sẻ.
Cây lim xanh với tuổi đời cao nhất trong rừng. (Nguồn: Vietnamnet) |
Ông Hán Trung Lại, khu 1, xã Dị Nậu hiện quản lý hơn 1ha rừng lim xanh, trong đó có 36 cây cỡ 1 người ôm không xuể, gần 500 cây lim non mọc tự nhiên và số lượng cây này vẫn đang tăng dần theo từng năm.
Theo ông Lại, ở khu rừng này, loại lim xanh 3 người ôm thì hiếm, loại 1 - 2 người lớn ôm mới xuể thì rất nhiều, mọc rải rác khắp nơi. Các cây lim xanh này đều khỏe mạnh, xanh tốt và được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhiều năm nay không có hiện tượng xâm hại loại cây gỗ quý này.
Trải qua nhiều năm tồn tại, quần thể hơn 300 cây lim xanh cổ thụ trong rừng Ba Hố vẫn “kề vai” nhau sừng sững vươn mình đón ánh nắng mặt trời. Chúng được ví như một mỏ “vàng xanh” được thiên nhiên ban tặng cho nơi đây.
| Người giữ ‘hồn’ cho di sản Cố đô Với không gian văn hóa lịch sử về Cố đô và dòng Hương Giang thơ mộng, GS.TS Thái Kim Lan đang nỗ lực gìn giữ ... |
| Giữ vững chủ quyền biển đảo và biên giới lãnh thổ thiêng liêng trong bối cảnh phức tạp Chủ động bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới lãnh thổ từ sớm, từ xa là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng, ... |
| Trưng bày hơn 300 ảnh, tư liệu, hiện vật quý về chiến thắng Điện Biên Phủ Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối ... |
| Phú Thọ: Tập trung đưa giải pháp thúc đẩy hơn nữa công tác bảo đảm quyền con người Ngày 9/8, Văn phòng thường trực về nhân quyền phối hợp với Ban chỉ đạo nhân quyền tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị tập ... |
| Khai quật được nhiều dấu vết dân cư cổ tại di chỉ khảo cổ học Gò Chon, Phú Thọ Từ khi phát hiện đến nay, khu vực di chỉ khảo cổ học Gò Chon (tỉnh Phú Thọ) được bảo tồn khá tốt, vẫn còn ... |