Nhỏ Bình thường Lớn

Bảo vệ thế giới khỏi khủng bố hạt nhân

Từ ngày 31/3-1/4 tại Washington DC, My, sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ tư. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị này.
bao ve the gioi khoi khung bo hat nhan

Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân (NSS) 2016 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, thay đổi nhanh chóng khó lường. Các nước vừa có nhu cầu sử dụng năng lượng bền vững, trong đó có năng lượng hạt nhân, vừa cần đảm bảo an ninh, an toàn hạt nhân trước các nguy cơ khủng bố, gia tăng phổ biến vũ khí hạt nhân và rút kinh nghiệm từ sự cố nhà máy hạt nhân Fukushima (Nhật Bản). Thêm vào đó, tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên có xu hướng leo thang căng thẳng. Bởi vậy, NSS 2016 có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết đối với an ninh toàn cầu hiện nay.

NSS là gì?

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân (NSS) là loạt các hội nghị cấp cao nhằm tăng cường an ninh và kiểm soát sự phân hạch các loại nhiên liệu đặc biệt giàu uranium và plutonium trên thế giới.

NSS lần đầu tiên được tổ chức tại Washington (Mỹ) năm 2010, theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama. NSS 2010 có sự tham gia của đại diện 47 quốc gia nhằm cam kết bảo vệ hạt nhân thông qua cắt giảm sử dụng và làm giàu uranium với mức độ cao (HEU); tăng cường an toàn tại các cơ sở liên quan đến vật liệu phân hạch; bổ sung nguồn lực nhà nước tại các tổ chức quốc tế và nâng cấp các công cụ bảo đảm an ninh hạt nhân như sửa đổi Công ước về Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (CPPNM) cùng nhiều mục tiêu khác.

NSS 2012 được tổ chức ở Seoul (Hàn Quốc) và NSS 2014 ở The Hague (Hà Lan), chứng kiến số nước cam kết tăng cường an ninh hạt nhân ngày càng tăng thông qua sự tham gia vào các cơ chế song phương hoặc đa phương với mục tiêu tăng cường an ninh hạt nhân trên toàn thế giới.

Viện nghiên cứu Brookings trong bài viết về NSS 2016 cho rằng, NSS chẳng khác nào một “giỏ quà ngoại giao”, nơi các nước tham gia có thể thực hiện cam kết chính trị liên quan đến từng khía cạnh cụ thể của an ninh hạt nhân, chẳng hạn như chống buôn lậu hạt nhân hay tăng cường pháp y hạt nhân.

Trải qua ba lần hội nghị thượng đỉnh, NSS đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng, bao gồm việc loại bỏ hoàn toàn HEU của 12 quốc gia, ngưng hoặc chuyển đổi làm giàu uranium xuống mức độ thấp (LEU) của 24 lò phản ứng nghiên cứu và các cơ sở sản xuất trước đây đã sử dụng nhiên liệu HEU, đồng thời nâng cấp an ninh tại 32 tòa nhà lưu trữ vật liệu phân hạch trên toàn thế giới, đưa ra hơn 260 cam kết an ninh quốc gia và triển khai thực hiện được gần ba phần tư cam kết…

Hoạt động theo cơ chế một diễn đàn đa phương, ngoài sự tham gia của các quốc gia, NSS còn có sự góp mặt của năm tổ chức quốc tế chính, bao gồm Liên hợp quốc (LHQ), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (GICNT) và Đối tác toàn cầu chống phổ biến vũ khí hàng loạt và vật liệu liên quan (GP).

Những kết quả này - vật liệu hạt nhân bị dỡ bỏ hoặc loại bỏ, các điều ước quốc tế được phê duyệt và triển khai, các lò phản ứng được chuyển đổi, các quy định được tăng cường, công nghệ được nâng cấp, năng lực được tăng cường - là bằng chứng cụ thể cho thấy sự cải thiện rõ rệt tình hình an ninh hạt nhân, vì mục tiêu làm cho thế giới an toàn hơn.

NSS 2016 là Hội nghị cuối cùng được tổ chức theo cơ chế cũ. Tại NSS 2016, các quốc gia sẽ phải báo cáo tiến độ thực hiện các cam kết trước đó, tham gia những cam kết có sẵn và đưa ra những tiêu chuẩn an ninh hạt nhân mới và các cam kết song phương hoặc đa phương khác. Hội nghị dự kiến sẽ thông qua một thông cáo nhằm liệt kê và khẳng định lại giá trị của các Thông cáo và Kế hoạch hành động của các NSS trước, đồng thời tăng cường phối hợp hành động nhằm bảo đảm an ninh hạt nhân chống lại các nguy cơ khủng bố, sự cố và tăng cường năng lực và văn hóa an ninh hạt nhân trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Hội nghị năm nay sẽ phác thảo ra kế hoạch hành động của năm tổ chức quốc tế chính về lĩnh vực an ninh hạt nhân và các sáng kiến mới để đảm bảo an toàn cho nguyên liệu hạt nhân và phóng xạ. Dựa trên kế hoạch hành động này, các nước thành viên liên quan sẽ có một khuôn khổ chung để tiến hành các biện pháp nhằm thúc đẩy các quan tâm chung tại các thể chế, cơ chế quốc tế. Cụ thể là, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các cơ chế, sáng kiến quốc tế này với nhau và với các quốc gia thành viên; vận động tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân, nhất là Công ước quốc tế về chống các hoạt động khủng bố hạt nhân (ICSANT), Công ước Bảo vệ thực thể Vật liệu hạt nhân và Phần sửa đổi, vận động các nước khác cùng tham gia…

Vai trò của châu Á

Là một châu lục tập trung phần lớn các nước đang phát triển, vấn đề năng lượng ở châu Á, bao gồm cả năng lượng hạt nhân, được xem là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Trong thông báo về NSS 2016, Văn phòng Thư ký Báo chí Nhà Trắng nhận định, các nước châu Á sẽ góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của các Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân vì ba lý do.

bao ve the gioi khoi khung bo hat nhan
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba tại The Hague (Hà Lan) năm 2014.

Thứ nhất, trong những năm tới châu Á sẽ tăng mức độ phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân dân sự hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, khiến khu vực trở thành một nhân tố quan trọng bảo đảm an toàn cho các cơ sở hạt nhân trên toàn thế giới. Thứ hai, châu Á cũng là nơi sẽ diễn ra các hoạt động phát triển các chương trình cũng như công nghệ vũ khí hạt nhân lớn nhất, khiến khu vực trở thành nguồn tiềm năng cho việc phổ biến hạt nhân. Và cuối cùng là việc một số vùng ở châu Á – đặc biệt Nam Á – phải đối mặt với sự kết hợp nguy hiểm giữa nguy cơ khủng bố nghiêm trọng và các cơ sở hạt nhân dễ bị tấn công, khiến các vùng này đặc biệt dễ bị tổn thương trước những kẻ khủng bố hạt nhân.

Nhìn chung, các quốc gia châu Á đã có những đóng góp tích cực vào nỗ lực cải thiện an ninh hạt nhân. Đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc đã tham gia sâu vào việc hỗ trợ công việc của các hội nghị thượng đỉnh trước đó. Trung Quốc cũng thể hiện sẵn sàng tham gia các nỗ lực song phương với Mỹ để bảo vệ vật liệu hạt nhân trong các lĩnh vực dân sự ở mức  độ đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, “màu hồng” không bao phủ toàn bộ khu vực châu Á. Nga đã quyết định tẩy chay hội nghị thượng đỉnh năm nay để phản đối lập trường của Mỹ và NATO ở Ukraine. Trong khi đó, Ấn Độ và Pakistan đang cải thiện quan hệ và có thể tăng cường hợp tác về an ninh hạt nhân, nhưng cộng đồng quốc tế không giảm lo ngại về các thiết bị và biện pháp bảo vệ các cơ sở hạt nhân của họ.

Bên cạnh đó, dù không phải là chủ đề thảo luận chính của các phiên họp của NSS, thì vấn đề làm thế nào để quản lý các mối đe dọa hạt nhân đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ nằm trong tốp đầu các chương trình nghị sự cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như cuộc họp ba bên giữa ông Obama với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản. Các cuộc gặp này sẽ giải quyết những câu hỏi khá hóc búa như: Liệu Trung Quốc sẵn sàng ở mức độ nào trong việc thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt của LHQ với Triều Tiên, hay Mỹ có chịu thay đổi điều kiện tiên quyết của mình để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán hay không?

Tham gia của Việt Nam

Nằm trong khu vực châu Á và là một trong những nước đầu tiên tham gia NSS, Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực và nghiêm túc của mình đối với vấn đề an ninh hạt nhân. Tiếp nối NSS 2010, 2012 và 2014, việc Việt Nam tham gia NSS 2016 sẽ là lời khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ nhất của chúng ta trong việc nâng cao tầm quan trọng của an ninh hạt nhân nhằm hướng tới một thế giới ổn định, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình.

Sau ba hội nghị thượng đỉnh hạt nhân, Việt Nam đã và đang có nhiều hành động cụ thể thực hiện các cam kết chính trị của mình, trong đó có việc gia nhập Công ước Bảo vệ thực thể Vật liệu hạt nhân và Phần sửa đổi (2012), phê chuẩn Nghị định thư bổ sung Hiệp định về việc áp dụng thanh sát hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) (2012), gia nhập Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ (2013), ký với Mỹ Hiệp định về việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (2014), tham gia Sáng kiến An ninh Chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) (2014), tích cực hợp tác với IAEA và các nước trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và hoàn tất việc trao trả cho Nga uranium có độ làm giàu cao.

Qua ba kỳ hội nghị, chúng ta đã duy trì được nhiều hành động cụ thể để giảm thiểu mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân và tiếp tục phát triển trong việc cải thiện các tiêu chuẩn và quy định về an ninh hạt nhân.

Những nỗ lực này được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và coi Việt Nam là điển hình tốt trong công tác bảo đảm an ninh hạt nhân. Trong thời gian qua, thiện chí và những nỗ lực của chúng ta giúp cộng đồng quốc tế có thể yên tâm rằng những vật liệu hạt nhân khi được sử dụng hoặc vận chuyển trên lãnh thổ Việt Nam sẽ được đảm bảo an ninh theo đúng cam kết. 

Ngoài hành động ở cấp quốc gia, Hội nghị là cơ hội để Việt Nam bước vượt ra ngoài giới hạn của sự đồng thuận để đưa ra các cam kết theo nhóm để giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân. Những “giỏ quà” này đã phản ánh cam kết của chúng ta liên quan đến việc chống buôn lậu hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ, an ninh thông tin, an toàn giao thông và nhiều chủ đề khác. Sẽ quá lời khi nói rằng các cam kết quốc gia và tập thể này là nhờ các Hội nghị Cấp cao An ninh hạt nhân, nhưng cũng công bằng khi nói rằng chúng ta sẽ không đạt được cam kết nếu như thiếu tác động từ những hội nghị thượng đỉnh này.

Với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam tham gia Hội nghị lần này để tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của mình trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, đây cũng là nơi Việt Nam có thể khẳng định và đề cao chính sách của mình về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân.

Chung Trang