Ông Mai Xuân Hùng, trợ lý Hiệp hội doanh nhân Thái-Việt Nam (BAOTV) trả lời phỏng vấn báo chí. |
Ông đánh giá như thế nào về hàng Việt Nam tại Thái Lan?
Hiện nay, hàng Thái Lan rất phổ biến ở Việt Nam nhưng ngược lại, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan còn khá khiêm tốn và ít được người dùng tại quốc gia này biết đến. Chẳng hạn, chỉ có vài loại trái cây Việt Nam được nhập vào Thái Lan như thanh long, vải, nhãn, xoài dù trái cây Việt có ưu thế hơn về giá và chất lượng.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, vẫn còn những rào cản của Thái Lan và các nước khác khiến sản phẩm của Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi. Đơn cử như việc để sang Thái Lan, hàng hóa phải đi "đường vòng" hoặc qua tiếp nước thứ ba.
Có thể nói, đây là vấn đề mà BAOTV rất trăn trở. Nhiệm vụ và mục tiêu trong thời gian tới mà chúng tôi hướng đến là đưa hàng Việt Nam giới thiệu và quảng bá tới thị trường và người tiêu dùng Thái Lan nhiều hơn nữa.
Hiện tại, doanh nghiệp Việt gặp rào cản gì khi đưa hàng hóa thâm nhập vào thị trường Thái Lan?
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, Thái Lan là một trong những đối tác có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn của Việt Nam với tổng giá trị trao đổi luôn nằm trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam.
Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 19 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Riêng trong quý I/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,4%. Vì vậy, tiềm năng tại thị trường này còn rất lớn.
Tuy nhiên, theo tôi thấy, doanh nghiệp sản xuất vẫn còn mang tâm lý e dè cho rằng, sản phẩm Thái Lan có giá thành, chất lượng tốt hơn hàng Việt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt chưa thực sự am hiểu nhu cầu thị trường Thái Lan, vì vậy, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng thị hiếu người Thái.
Thêm vào đó, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa có chiến lược phát triển cụ thể, chưa hiểu rõ về nhu cầu thị trường đang hướng tới. Đơn cử như việc người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng thanh long quả nhỏ nhưng nguồn hàng từ Việt Nam chủ yếu là quả lớn và thương hiệu vẫn chưa được nhà nhập khẩu biết đến.
Doanh nghiệp Việt chưa thực sự am hiểu nhu cầu thị trường Thái Lan. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Vậy theo ông, thời gian tới, doanh nghiệp Việt cần làm gì để đưa hàng hóa chinh phục thị trường Thái Lan?
Các mặt hàng như nông sản sấy khô, thuỷ hải sản từ Việt Nam có thể được yêu thích tại Thái Lan.
Hiện tại, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Thái Lan được hưởng ưu đãi thuế quan ASEAN, khoảng cách vận chuyển ngắn. Đặc biệt, tại Thái Lan, Việt kiều sinh sống khá đông. Doanh nhân Việt kiều sở hữu những siêu thị cung cấp hàng hóa cho chuỗi đại siêu thị, đây chính là “cửa ngách” để doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam vào Thái Lan tiêu thụ.
Song song với đó, Thái Lan là quốc gia du lịch, nếu làm tốt công tác thị trường, hàng Việt sẽ không chỉ tiếp cận được người dân mà còn có cơ hội thông qua khách du lịch, đến với những thị trường tiềm năng khác.
Tuy nhiên, làm thế nào để đưa những mặt hàng này vào Thái Lan hiện đang là một bài toán khó của các doanh nghiệp Việt.
Do đó, theo tôi, trước mắt, các doanh nghiệp Việt Nam đưa các sản phẩm vào thị trường Thái Lan theo đường tiểu ngạch. Đây là cách dễ nhất, hiệu quả nhất. Sau đó, sẽ chuyển dần sang chính ngạch.
Về kênh phân phối:
Thứ nhất, theo con đường ngoại giao của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Thái Lan. Các doanh nghiệp có thể tham gia trong các chương trình, hội nghị xúc tiến, quảng bá sản phẩm Việt Nam tại Thái Lan do Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan tổ chức để các sản phẩm của Việt Nam được người dân, doanh nghiệp Thái Lan biết đến.
Thứ hai, phối hợp với BAOTV để tổ chức các hội nghị xúc tiến đưa sản phẩm Việt Nam vào Thái Lan.
BAOTV có hơn 13 chi hội ở các tỉnh và thành phố, với gần 500 doanh nhân Việt kiều là hội viên chính vì thế chúng tôi có các cửa hàng phân phối và bán lẻ tại Thái Lan.
Các doanh nghiệp cũng kinh doanh đa lĩnh vực, đa ngành nghề khác nhau như: kinh doanh buôn bán tổng hợp; xuất nhập khẩu, giao thông vận tải, xây dựng, du lịch, nhà hàng, khách sạn, hệ thống chuỗi siêu thị và nông nghiệp công nghệ cao…
Ngoài ra, thực hiện Đề án 1797 của Thủ tướng chính phủ về việc huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024, Hiệp hội đã thành lập Trung tâm triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao, nằm trong tổ hợp siêu thị VT Namneung community đặt tại Udon Thani (Đông Bắc Thái Lan).
Trung tâm thành lập để giới thiệu và triển lãm hàng Việt Nam tới bà con kiều bào và người dân Thái Lan. Với thế mạnh của mình, BAOTV sẵn sàn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng Việt Nam qua trưng bày miễn phí.
Hiện nay, Hiệp hội cũng đã thành lập công ty riêng. Trong vòng 1 tháng thành lập, vốn điều lệ của công ty là 15 tỷ đồng. Dự kiến, thời gian tới, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng thêm. Nguồn vốn này BAOTV dành riêng cho việc trao đổi thương mại, đưa các sản phẩm của Việt Nam sang Thái Lan.
Xin cảm ơn ông!
Từ ngày 3-11/7, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban NNVNVNONN) đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức chương trình “Kết nối doanh nhân kiều bào Thái Lan với địa phương” tại 6 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang (Phú Quốc), TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang và Hà Nội. Chương trình là cơ hội để doanh nhân kiều bào Thái Lan gặp gỡ, giao lưu, kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khuôn khổ chương trình, BAOTV đã ký bản ghi nhớ hơp tác với Hiệp hội doanh nhân Đà Nẵng, Quảng Nam và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội. Ngoài ra, khoảng 20 biên bản thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa các doanh nghiệp hai bên, trong nhiều lĩnh vực như may mặc, du lịch khách sạn, nông nghiệp công nghệ cao, đặc sản địa phương… |