Nhỏ Bình thường Lớn

Bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi ấn tượng

Báo cáo được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố sáng 28/4 cho thấy, bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ở các quốc gia lân cận, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 được dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,7% và tăng lên 7% trong năm 2022.
Bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi ấn tượng
Toàn cảnh họp báo công bố Báo cáo 'Triển vọng phát triển châu Á' do ADB tổ chức sáng 28/4. (Ảnh: Thái An)

Trao đổi tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á sáng 28/4 tại Hà Nội, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries cho biết, tiêu dùng nội địa trì trệ và sức cầu bên ngoài yếu do đại dịch Covid-19 làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm ngoái, nhưng đà tăng trưởng vẫn tiếp tục mạnh trong năm nay và năm sau, nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát sự lây lan của virus.

Báo cáo nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, tăng đầu tư và mở rộng thương mại.

Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát Covid-19 và Luật Đầu tư được ban hành tháng 1/2021 giảm bớt các rào cản quy định về kinh doanh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng 17,8% trong quý I/2021 so với quý I năm trước. Tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhờ đầu tư tư nhân, vốn đã tăng đáng kể, với yếu tố xúc tác là mặt bằng lãi suất thấp và chi tiêu công tăng.

Tin liên quan
Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023 Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023

Đà tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục, nhờ các chương trình cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế phát triển. Giá dầu thế giới và tiêu dùng nội địa cùng gia tăng, dự kiến sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát lên 3,8% trong năm nay và 4,0% trong năm 2022.

Bên cạnh động lực tăng trưởng đến từ công nghiệp chế tạo, chế biến và dịch vụ, đầu tư nhà nước, đầu tư tư nhân, ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng ADB, cơ quan thường trú tại Việt Nam cho rằng, thương mại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm 2021. Nhận định được đưa ra bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Mỹ, hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và nhờ Việt Nam tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do lớn với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới.

“Việt Nam đạt mức xuất siêu hàng hóa 2 tỷ USD trong quý I/2021, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 34,35% và sang Mỹ tăng 32,8%. Xuất khẩu hàng hoá được dự báo sẽ tăng 8,0% trong năm nay và năm tới”, ông Nguyễn Minh Cường dự báo.

Tuy nhiên, ông Andrew Jeffries cũng cảnh báo, năm 2021 và năm sau vẫn còn nhiều rủi ro đáng kể, trong đó có sự trở lại của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới và sự chậm trễ trong chương trình vaccine của Chính phủ.

Tốc độ triển khai chương trình tiêm chủng Covid-19 không đồng đều trên toàn cầu cũng có thể trì hoãn việc Việt Nam trở lại với mức tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch, do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế.

Ông Andrew Jeffries nhấn mạnh: “Nếu chậm trễ trong triển khai vaccine Covid-19 sẽ có thể tác động ngay đến khả năng Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ như trước khi có dịch, khi tính đến sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhu cầu bên ngoài.

Ngoài ra, sự phục hồi nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể làm gia tăng rủi ro bong bóng tài sản nếu như nguồn vốn không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất”.

Tính toán của ADB vào tháng 12/2020 cho thấy, đại dịch Covid-19 tác động đáng kể của đối với thu nhập. Đặc biệt, tác động của đại dịch sẽ làm giảm thu nhập trên đầu người của hộ gia đình trung bình 9,8%, và nhóm có thu nhập thấp nhất sẽ bị giảm đến 10,2% thu nhập.

Do các hộ gia đình ở nông thôn cung cấp lao động di cư nhiều hơn, nên họ sẽ bị tổn thất thu nhập từ nguồn người lao động di cư gửi tiền về nhà nhiều hơn so với các hộ gia đình ở đô thị, và các hộ gia đình có phụ nữ làm chủ hộ sẽ bị tổn thất kiều hối cả từ nước ngoài lẫn trong nước nhiều hơn so với hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ.

Báo cáo khuyến nghị, Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng bao trùm bằng cách làm dịu đi tác động của đại dịch đối với nghèo đói và thu nhập. Báo cáo kêu gọi Chính phủ áp dụng một chiến lược bền vững, dài hạn để giúp đỡ cho sinh kế của người nghèo và người dễ bị tổn thương thông qua những biện pháp như đào tạo nghề và cải thiện tiếp cận với tín dụng vi mô cho các doanh nghiệp mới.

ADB hỗ trợ 5 triệu USD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ Việt làm chủ
ADB hỗ trợ Việt Nam 600.000 USD để ứng phó với Covid-19
ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020
Trái phiếu đồng nội tệ Việt Nam tăng cao nhất khu vực Đông Á mới nổi
ADB 'rót' hơn 20 triệu USD giúp các nước đang phát triển tiếp cận vaccine Covid-19
TIN LIÊN QUAN