Tổng thống Nga Vladimir Putin và Lãnh đạo Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) ở Saint Petersburg, Nga, ngày 16/6/2023. (Nguồn: Sputnik) |
Tuyên bố chung giữa hai bên nhấn mạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (CEPA) sẽ dỡ bỏ hoặc giảm thuế quan đối với hàng loạt mặt hàng và sản phẩm, gỡ bỏ các rào cản thương mại và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các nhà xuất khẩu từ cả hai bên.
Ngoài ra, CEPA cũng sẽ "hỗ trợ Ukraine phục hồi và tái xây dựng các ngành công nghiệp chủ chốt và cơ sở hạ tầng, trong khi cũng sẽ giúp tăng cường các chuỗi cung ứng tới khu vực Trung Đông và Bắc Phi cho các lĩnh vực xuất khẩu chính như ngũ cốc, máy móc và kim loại...
Quốc gia Vùng Vịnh vẫn cố gắng giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột Ukraine bất chấp sức ép của phương Tây đối với các nhà sản xuất dầu ở Vùng Vịnh để giúp cô lập Nga, một thành viên của nhóm OPEC+. UAE bắt đầu đàm phán về hiệp định thương mại với Ukraine vào cuối năm 2022. Thương mại phi dầu mỏ song phương UAE-Ukraine đạt 385,8 triệu USD năm 2023, với đầu tư chung trị giá khoảng 360 triệu USD vào cuối năm 2022 trong các lĩnh vực gồm hậu cần và cơ sở hạ tầng, lữ hành và du lịch cũng như công nghệ tiên tiến.
Trong khi nền kinh tế Ukraine đã cảm nhận được sâu sắc tác động của cuộc xung đột, thì UAE lại đang tự đặt mình vào thế phải có được tầm nhìn dài hạn hơn về các lợi ích tiềm năng trong tương lai. Bộ trưởng Ngoại thương UAE Thani al Zeyoudi nhấn mạnh CEPA là một bước quan trọng để UAE có một cửa ngõ khác vào châu Âu thông qua Ukraine. Ông al Zeyoudi cũng khẳng định thỏa thuận này sẽ đem lại tiềm năng tiếp cận thị trường không chỉ cho hàng hóa mà còn cả các dịch vụ, đồng thời cho phép các công ty UAE xây dựng kết nối với Liên minh châu Âu (EU) nếu Ụkraine gia nhập khối này.