Bộ trưởng Hợp tác và phát triển kinh tế Đức Svenja Schulze. (Nguồn: Ukrinform) |
“Ukraine tiếp tục là nơi hấp dẫn để kinh doanh ngay cả trong điều kiện xung đột”, bà Svenja Schulze cho biết điều này trong một cuộc phỏng vấn với Ukrinform ngày 4/5. Bà nói: “Mặc dù tình hình rất khó khăn hiện nay, Ukraine vẫn là một thị trường thú vị đối với nhiều công ty”.
Bộ trưởng Schulze giải thích rằng vẫn có thể thực hiện quy trình sản xuất ở phần lớn các khu vực của Ukraine và việc quốc gia Đông Âu trở thành ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU) là lợi thế “lâu dài” cho các doanh nghiệp.
Dẫn số liệu từ Phòng Công nghiệp và thương mại Đức-Ukraine, bà cho biết khoảng 2.000 công ty có vốn của Đức đã hoạt động tại quốc gia Đông Âu trước thời điểm xảy ra cuộc xung đột với Nga và tới nay, “hầu như không có doanh nghiệp nào ngừng hoạt động hoàn toàn ở Ukraine”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Schulze lưu ý khu vực tư nhân của Ukraine cần có môi trường đầu tư tích cực và địa vị chắc chắn về mặt pháp lý.
Berlin ủng hộ Kiev trên con đường cải cách, đặc biệt là trong quá trình gia nhập EU. Quan chức Đức cũng nêu bật vai trò quan trọng của các nỗ lực phòng, chống tham nhũng đối với Ukraine. Bà đề cập báo cáo của Tổ chức minh bạch quốc tế ghi nhận tiến bộ của quốc gia Đông Âu trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Schulze đánh giá đây là tín hiệu đầy tích cực cho nền kinh tế Ukraine.
Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế Đức tổ chức Diễn đàn tái thiết Ukraine nhằm tìm cách thu hút khu vực tư nhân, giới học thuật và các chính quyền đô thị ở Đức đóng góp vào công cuộc tái thiết Ukraine. Đến nay, đã có hơn 600 tổ chức đăng ký trên nền tảng này.
Trong một sự kiện khác, phát biểu gần đây tại Đại học Oxford, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cảnh báo về mối đe dọa nghiêm trọng từ Nga đối với “lục địa già”.
Ông Borrell kêu gọi các quốc gia thành viên EU nhận thức rõ ràng những nguy cơ tiềm tàng, bao gồm sự hiện diện quân sự của Nga gần biên giới Ba Lan và việc Moscow kiểm soát phần lớn thị trường lúa mì toàn cầu. Trong bài phát biểu, ông Borrell chỉ trích tình trạng phụ thuộc lẫn nhau và toàn cầu hóa, cho rằng các vấn đề này đã góp phần tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Nga.
Đại diện cấp cao EU cảnh báo về quá trình vươn lên trở thành siêu cường toàn cầu của Trung Quốc và khuyến cáo châu Âu không chủ quan trước tham vọng của Nga.
Đại diện cấp cao EU phê phán châu Âu không phản ứng quyết liệt hơn trước những hành động của Moscow. Ông kêu gọi EU ưu tiên nguyên tắc, hợp tác và sức mạnh để đối phó với chính sách của Nga.
Ca ngợi tinh thần quật cường của Ukraine, ông Borrell cũng kêu gọi Mỹ và EU hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Kiev.