📞

Bất đồng giữa IMF và EU có thể gây tổn hại đến Hy Lạp

14:47 | 12/09/2016
Đó là lo ngại của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đưa ra tại cuộc họp báo ngày 11/9 ở thành phố miền Bắc, Thessaloniki, Hy Lạp.
Thủ tướng Hy Lạp Tsipras. (Nguồn: Reuters)

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras bày tỏ lo ngại bất đồng giữa Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đang gây thiệt hại cho quốc gia này.

Theo ông Tsipras, nguyên nhân khiến Hy Lạp chưa lấy lại lòng tin của thị trường và các nhà đầu tư là do mâu thuẫn và bất đồng kéo dài liên tục giữa IMF và các thể chế của EU. Cụ thể, những bất đồng này đã và đang gây cản trở đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp trong chương trình mua lại các tài sản nhằm nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

“Tôi có thể khẳng định rằng, điều cản trở Hy Lạp lấy lại niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư chính là những mâu thuẫn và bất đồng kéo dài giữa IMF và các thể chế của EU”, ông Tsipras nói.

Bên cạnh đó, ông Tsipras cũng nhấn mạnh rằng một quốc gia nỗ lực cải cách mạnh mẽ như Hy Lạp - với việc hoàn tất 70% các cải cách trong thời gian qua theo yêu cầu của các chủ nợ, sẽ không thể chờ đợi thêm được nữa và nước này có quyền được đối xử công bằng về vấn đề nợ công.

Mới đây, ECB cho biết, ngân hàng này không thể thông báo cụ thể thời gian bắt đầu tiến hành mua các trái phiếu Chính phủ Hy Lạp, nhưng nhấn mạnh Athens cần phải vượt qua cuộc đánh giá nợ bền vững trước khi việc này được triển khai. Các nhà cho vay quốc tế cam kết sẽ xem xét cách thức xử lý bền vững các khoản nợ hiện nay của Hy Lạp và bất kể quyết định của họ là gì thì họ cũng sẽ cân nhắc dựa trên việc liệu IMF có quyết định tham gia thỏa thuận cứu trợ thứ ba dành cho Athens hay không.

Cho đến nay, IMF vẫn chưa quyết định có hay không tham gia gói cứu trợ quốc tế thứ 3 dành cho Hy Lạp - được ký kết hồi tháng 7 năm ngoái, đồng thời nhấn mạnh định chế tài chính này không tin tưởng khoản nợ của Hy Lạp là bền vững và các mục tiêu tài khóa của nước này rất khó khả thi.

Hồi tuần trước, các Bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã kêu gọi Hy Lạp tiếp tục đẩy mạnh các cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để đổi lấy gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ Euro. Trong tháng 9 này, Athens cần thực hiện các cải cách thị trường năng lượng, thành lập đơn vị mới giám sát các hoạt động tư nhân hóa và thiết lập một cơ quan thuế mới độc lập.

Hiện tại, nợ công của Hy Lạp trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã vượt trên 170% và là mức nợ công cao nhất trong khu vực Eurozone.

(theo Reuters)