Bất động sản mới nhất. Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú, Hà Nội. (Nguồn: Dân trí) |
Vụ dỡ nhà Pháp cổ để xây cao ốc 11 tầng: Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội rà soát
Liên quan đến việc phá dỡ công trình tại khu đất số 61 Trần Phú, quận Ba Đình, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng.
Vừa qua, các phương tiện thông tin báo chí phản ánh việc phá dỡ công trình tại khu đất số 61 phố Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. Nội dung phản ánh về việc cần xem xét lại phương án kiến trúc công trình bảo vệ bức phù điêu đắp nổi với hình ảnh dân quân, tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ.
Theo Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, TP Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2411 ngày 10/12/2013, nhà máy thiết bị bưu điện tại lô G1 (khu đất số 61 phố Trần Phú, Hà Nội) được di chuyển ra khỏi khu trung tâm.
Tuy nhiên, khu trung tâm chính trị Ba Đình có tính chất là khu vực có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử, không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước, với mục tiêu bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị.
Với lý do trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội trước mắt tạm dừng thi công; rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú. Đồng thời, Bộ đề nghị việc đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan khu trung tâm chính trị Ba Đình. Nội dung này, theo Bộ Xây dựng, đã từng được lưu ý tại Văn bản số 515 ngày 24/3/2016 gửi UBND TP Hà Nội.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Hà Nội nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp; công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.
Trước đó, ngày 6/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu đơn vị chức năng có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, kết cấu, kiến trúc của dãy nhà Pháp cổ ở quận Ba Đình "không có gì đặc biệt" và là công trình công nghiệp được xây vào năm 1925.
Về hiện trạng khu đất này, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, khu đất số 61 (lô G1) phố Trần Phú (quận Ba Đình) do Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (Chủ đầu tư) quản lý, sử dụng theo Quyết định số 1738 ngày 16/4/2021 của UBND TP Hà Nội.
Khu đất này có tổng diện tích khoảng 9.078 m2, trong đó 1.555 m2 đất nằm trong chỉ giới đỏ, không được xây dựng công trình; 7.523 m2 nằm ngoài chỉ giới đỏ, sử dụng làm văn phòng làm việc với thời gian thuê đất là 50 năm (tính từ năm 2017).
Trên khu đất có các công trình cao 2 tầng, trước đây là trụ sở và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện.
Thị trường nhà ở Hà Nội: Giá kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng ít nhất trong nửa đầu năm
Theo khảo sát, trong quý đầu tiên của năm 2022, có khoảng 3.500 căn hộ chung cư mở bán mới tại Hà Nội, giảm 39% theo quý và 20% theo năm do những gián đoạn từ kỳ nghỉ Tết và đợt dịch Covid-19 mới.
Nhu cầu của cả nhà đầu tư và người mua để ở vẫn mạnh mẽ đối với các sản phẩm nhà ở gắn liền với đất. Nên giá được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng ít nhất trong nửa đầu năm.
Tin liên quan |
Xung đột Nga-Ukraine, tác động đến kinh tế Trung Quốc và nhận định về ‘bên thắng cuộc’ |
Phần lớn nguồn cung mới mở bán trong quý đến từ các đợt mở bán tiếp theo của các dự án đã mở bán (6 dự án) và chỉ có 2 dự án lần đầu được mở bán. Theo phân khúc, căn hộ trung cấp vẫn là sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường, chiếm 66% tổng nguồn cung mới trong quý.
Về vị trí, khu vực phía Tây là khu vực đóng góp nhiều nguồn cung mới nhất với 53% tổng số căn mở bán mới. Mặc dù chỉ có một dự án mới mở bán trong quý nằm ở khu phía Đông, khu vực này đứng thứ hai về tỷ trọng nguồn cung mới, với 42%.
Doanh số bán hàng tiếp tục vượt nguồn cung mở bán mới trong bối cảnh nguồn cung mới ở ngưỡng vừa phải. Số căn bán được ghi nhận trong quý là 4.200 căn, trong đó, phân khúc trung cấp chiếm tỷ trọng cao nhất với 71% tổng doanh số bán hàng trong quý.
Giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý I/2022 được ghi nhận trung bình ở mức 1.655 USD/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 13% theo năm và 4% theo quý.
Phân khúc trung cấp ghi nhận mức tăng mạnh nhất theo năm, ở ngưỡng 16% do sự nâng cấp định vị của các dự án khu đô thị. Trong khi đó, giá trung bình phân khúc cao cấp giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái do tỷ trọng cao hơn của các dự án nằm tại khu vực nhà ở mới trong nguồn cung đang chào bán.
Nguồn cung mở bán mới dự kiến sẽ tăng trở lại vào năm 2022, đạt khoảng 26.000 - 28.000 căn tại Hà Nội. Sự khan hiếm của các sản phẩm bình dân được dự báo vẫn tiếp diễn do kết nối hạ tầng đến các khu vực ngoại thành xa hơn ngoài đường Vành đai 4 sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thiện.
“Sóng dồn” từ hạ tầng giao thông, nhà đầu tư BĐS đổ bộ Vân Đồn
Hàng loạt tuyến đường liên tỉnh và liên vùng được triển khai xây dựng và hoàn thiện nhanh chóng giúp “nối dài” dư địa phát triển cho BĐS Vân Đồn.
Sau hơn 1 năm thi công khẩn trương, cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên dự kiến sẽ chính thức hoàn thành vào ngày 30/4 tới đây. Đây là mảnh ghép cuối cùng nối liền hai đầu là cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn và cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, từ đó hoàn thiện tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam (gần 200km).
Sau khi hoàn thiện, thời gian di chuyển từ Vân Đồn đi Móng Cái được rút ngắn còn 50 phút thay vì 2 giờ như trước kia. Công trình giao thông trọng điểm này đóng vai trò là trục kết nối hai chiều giữa Vân Đồn với tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tạo tiền đề phát triển bứt phá cho địa phương.
Bên cạnh vai trò là trung tâm kết nối của tuyến cao tốc dọc tỉnh, Vân Đồn cũng chú trọng đầu tư mạnh vào hệ thống giao thông nội bộ. Đầu tiên phải kể đến dự án mở rộng đường tỉnh lộ 334 lên 44m.
Tuyến đường này có điểm đầu nối với đường trục chính khu đô thị Cái Rồng, điểm cuối nối với nút giao đến Sân bay Vân Đồn - khu công viên phức hợp, đóng vai trò là trục giao thông chính kết nối chuỗi phân khu của khu kinh tế Vân Đồn. Sau gần 9 tháng triển khai, dự án mở rộng đường 334 đã đạt gần 30% tổng khối lượng công việc và dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2023.
Thứ hai là tuyến đường trục chính trung tâm Khu đô thị Cái Rồng rộng 58m từ cầu Vân Đồn 3 tới khu giải trí Casino thuộc xã Vạn Yên và nối với đường 334 mở rộng. Đại lộ 58m này dự kiến sẽ thông xe trong tháng 5 tới sau khi hoàn thiện đoạn đường từ khu đô thị Phương Đông đến Khu đô thị Thống Nhất.
Tiếp đến, tuyến đường rộng 42m nối từ cầu Vân Đồn 3 đến Khu tái định cư xã Đoàn Kết, Vân Đồn cũng đang trong quá trình giải phóng mặt bằng với chủ trương triển khai nhanh chóng. Tuyến đường này sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ cầu Vân Đồn 3 tới Sân bay Vân Đồn.
Bên cạnh giao thông đường bộ, Vân Đồn còn sở hữu “cửa ngõ bầu trời” của tỉnh Quảng Ninh với cảng hàng không quốc tế hiện đại cùng nhiều cảng du thuyền, cảng tàu khách đường biển. Có thể nói, Vân Đồn là địa phương sở hữu hạ tầng giao thông đa dạng và đồng bộ nhất tỉnh Quảng Ninh.
Những “mạch máu” giao thông quan trọng này đóng vai trò “đi trước, mở đường”, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết quốc tế và đánh thức tiềm năng, lợi thế lớn của Vân Đồn. Đây cũng là nền tảng giúp Vân Đồn tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và gia tăng dư địa trên thị trường BĐS.
Bên cạnh sự đầu tư và hoàn thiện về hạ tầng giao thông, Vân Đồn cũng là địa phương “mũi nhọn” cùng với Vân Phong và Phú Quốc được Trung ương xác định là khu kinh tế trọng điểm của cả nước, là khu kinh tế duy nhất nằm trong khu vực hợp tác kinh tế Việt - Trung.
Theo đó, Tổ chức không gian phát triển của Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 xác định: “Vân Đồn là một trong 2 mũi đột phá chiến lược, thúc đẩy tuyến hành lang kinh tế phía Đông của tỉnh với nền tảng là chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, công nghệ cao và kinh tế biển”.
Với định hướng này, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn cùng với các sở, ngành, địa phương luôn tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn huyện.
Cao tốc Vân Đồn-Tiên Yên, Quảng Ninh. (Nguồn: BXD) |
Vĩnh Phúc công bố hàng loạt dự án BĐS chưa đủ điều kiện mở bán
Hiện nay, địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị để đáp ứng nhu cầu về ở cho người dân tỉnh Vĩnh Phúc và vùng lân cận.
Để tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân huy động vốn, bán sản phẩm BĐS trái quy định pháp luật trên địa bàn, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định công khai danh sách 28 dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị đã chấp thuận đầu tư trên địa bàn chưa được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở (chủ đầu tư phải xây dựng thô, hoàn thiện toàn bộ mặt ngoài công trình).
Trong đó, thành phố Vĩnh Yên có các dự án: Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc của Công ty Cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia; Khu nhà ở đô thị tại xã Định Trung – Mountain View của Công ty Cổ phần Đầu tư VCI; Khu nhà ở đô thị khu dân cư số 3 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Cát; Khu đô thị mới Chùa Hà Tiên của chủ đầu tư Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng; Khu phố mới FairyTown, phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên do Công ty Cổ phần Fairyland làm chủ đầu tư;
Khu trung tâm văn hóa, thể thao và giải trí Vĩnh Phúc (khu D) do Công ty Cổ phần thương mại, dịch vụ và Du lịch Thái Hoàng làm chủ đầu tư; Khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm của Công ty CP xây dựng và phát triển đô thị; Khu Trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp tại phường Khai Quang của Công ty Cổ phần BQL Real;
Tổ hợp dịch vụ văn phòng, khách sạn 5 sao và khu nhà ở Bảo Quân của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Bảo Quân; Khu trung tâm thương mại Vĩnh Phúc của Công ty TNHH Sản xuất & Đầu tư phát triển Hà Minh Anh; Khu nhà ở đô thị thuộc Bệnh viện đa khoa, viện nghỉ dưỡng và nhà ở đô thị tại phường Hội Hợp, xã Hợp Thịnh của Công ty Cổ phần đầu tư, phát triển xây dựng Tiến Mạnh; Chợ và Trung tâm thương mại Tích Sơn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thăng Long; Khu nhà ở đô thị Việt Thành tại xã Định Trung của Công ty Cổ phần BĐS Việt Thành.
Thành phố Phúc Yên có các dự án: Khu Du lịch sinh thái Thanh Xuân do Công ty Cổ phần Thanh Xuân; Khu nhà ở xã hội tại phường Phúc Thắng của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thân Hà; Khu đô thị mới Tiền châu Khu vực 2 của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị- Bộ Quốc phòng...
Huyện Vĩnh Tường có các dự án: Khu nhà ở tại xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường có chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Xây dựng, Thương Mại và Xuất nhập khẩu Tuấn Đạt; Khu phố thương mại truyền thống Shop Thổ Tang tại thị trấn Thổ Tang, xã Tân Tiến và xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường của Công ty Cổ phần đầu tư An Huy; Khu đô thị mới tại thị trấn Tứ Trưng và thị trấn Vĩnh Tường của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn.
Huyện Bình Xuyên có các dự án: Khu đô thị Việt - Đức Lengend City của Công ty Cổ phần ống thép Việt - Đức; Khu nhà ở công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phonix Town của Công ty TNHH FuChuan do Công ty TNHH FuChuan làm chủ đầu tư; Khu nhà ở xã hội tại thôn Rừng Cuông, xã Thiện Kế của Công ty Cổ phần Kehin.
Huyện Yên Lạc gồm dự án: Khu nhà ở dịch vụ Đồng Văn của Công ty Quảng Lợi; Khu nhà ở đô thị thị trấn Yên Lạc của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Yên Lạc Thăng Long; Khu đô thị Yên Lạc - Dragon - City của Công ty Cổ phần Đô thị Dragon City.
Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các BĐS chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trước khi tham gia các giao dịch BĐS cần tìm hiểu các thông tin về dự án BĐS được công bố trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc (http://soxdvinhphuc.gov.vn) và Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc (http://VinhPhuc.gov.vn).
| Kinh tế thế giới nổi bật (1-7/4): Phương Tây dồn 'bão' trừng phạt Moscow, Áo nói ra đòn với khí đốt là sai lầm, Nga khẳng định không thể vỡ nợ Các nước phương Tây liên tiếp áp các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, thị trường thế giới được “bơm” thêm 120 triệu thùng ... |
| Bất động sản mới nhất: Môi giới với chiêu ‘bình mới rượu cũ’, giá đất tăng vù vù, thanh tra 12 dự án lớn ở Thanh Hóa Hoạt động môi giới góp phần đẩy giá đất lên cao, Thanh Hóa thanh tra tổng thể 12 dự án, giao đất tái định cư ... |