Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi đã bổ sung khoản 7 Điều 24 quy định về "đặt cọc" trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, nhà đầu tư. (Ảnh: Long Hải) |
4 dự án sắp triển khai ở Hà Nội
UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 quận Thanh Xuân. Theo đó, trong năm nay, quận Thanh Xuân có 16 dự án có nhu cầu sử dụng đất, với tổng diện tích gần 15 ha. Trong đó, có 12 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và 4 dự án BĐS.
Thứ nhất, dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc ô đất A12 - Nguyễn Xiển tại phường Kim Giang do liên danh Công ty cổ phần đầu tư phát triển Nhà Hào Nam làm chủ đầu tư. Nhu cầu đất năm nay của dự án là 1,5 ha.
Theo giới thiệu, dự án A12 nằm trên trục đường Nguyễn Xiển, ngoài các hạng mục là nhà ở biệt thự thấp tầng còn công trình được xây cao 48 tầng.
Thứ hai là dự án Trung tâm thương mại, văn phòng làm việc và nhà ở để bán tại phường Hạ Đình do Công ty cổ phần Động Lực làm chủ đầu tư. Năm nay, nhu cầu sử dụng đất của dự án là 0,32ha. Tại lần điều chỉnh chủ trương đầu tư tháng 11/2022, dự án dự kiến hoàn thành vào quý II/2024.
Theo giới thiệu, dự án này còn có tên thương mại là Động Lực Tower nằm tại 130 Hạ Đình. Tổng diện tích khu đất xây dựng dự án là 2.329m2, hạng mục chính là tòa nhà cao 24 tầng với 156 căn hộ, hệ số sử dụng đất 10,4 lần.
Thứ ba là dự án Xây dựng khu đô thị mới Phùng Khoang trên địa bàn phường Nhân Chính do Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư. Nhu cầu sử dụng đất được Hà Nội phê duyệt trong năm nay để thực hiện dự án này là 0,59 ha.
Dự án này có quyết định cho phép đầu tư năm 2008 và có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư vào năm 2022 với thời gian hoàn thành vào quý IV năm 2024.
Thứ tư, dự án Khu đô thị mới Hạ Đình tại phường Hạ Đình do Công ty cổ phần xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội (Haweico) làm chủ đầu tư. Dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 6/2022, dự kiến hoàn thành vào quý III/2024.
Năm 2023, dự án này cần sử dụng 1,2 ha đất. Dự án được giới thiệu gồm công trình dịch vụ thương mại, nhà trẻ mẫu giáo, trạm y tế khu vực, nhà vườn và nhà ở cao tầng.
Bổ sung quy định trong chuyển nhượng, giao dịch BĐS?
Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi đã bổ sung khoản 7 Điều 24 quy định về "đặt cọc" trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, nhà đầu tư. Quy định này được cho là biện pháp để ngăn chặn tình trạng đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương lợi dụng quy định "đặt cọc" của Bộ Luật Dân sự để thực hiện hành vi lừa đảo khách hàng.
Dự thảo này cũng bổ sung quy định về "Hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú" của Nghị định 02/2022/NĐ-CP nâng cấp thành khoản 7 Điều 24 Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, nhà đầu tư mua, thuê mua công trình xây dựng không phải là nhà ở, có chức năng lưu trú đưa vào kinh doanh như căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)…
Tiếp đó, Khoản 3 Điều 49 Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi đã bổ sung quy định về việc thanh toán hợp đồng trong kinh doanh, hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS phải được thực hiện thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam để bảo đảm công khai, minh bạch.
Tại khoản 2 Điều 41 của dự thảo này cũng quy định chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc một phần dự án chuyển nhượng.
Nội dung này đã luật hóa một phần khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội khóa 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cho phép được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án BĐS khi đáp ứng đầy đủ điều kiện như: Được cơ quan Nhà nước phê duyệt theo quy định và có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước.
Đà Nẵng thu hồi loạt căn hộ chung cư để bố trí cho người khó khăn
Theo Vietnamnet, ngày 23/3, Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng (Trung tâm) phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục cưỡng chế thu hồi nhiều chung cư thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố.
Trung tâm cho biết, số căn hộ chung cư thực hiện công tác cưỡng chế thu hồi trên địa bàn là 57 căn. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở quận Cẩm Lệ (20 căn) và quận Sơn Trà (22 căn).
Đây là những trường hợp vi phạm sử dụng chung cư như nợ tiền thuê nhà thời gian dài không có lý do, bỏ trống không ở, cho người khác sử dụng, sang nhượng trái phép.
Theo ghi nhận, đa số căn hộ bỏ trống thời gian dài, quá trình thực hiện cưỡng chế thu hồi đại diện các hộ dân không có mặt. Sau thời gian thông báo, vận động, lực lượng chức năng buộc phải phá khóa để thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Tài sản trong căn hộ sau đó được niêm phong, bảo vệ và thông báo cho người dân đến nhận.
Ông Trần Quang Triết, Giám đốc Trung tâm cho biết, sau khi cưỡng chế, số căn hộ thu hồi sẽ được bố trí cho các trường hợp khó khăn về nhà ở, hội đủ các điều kiện theo danh sách phê duyệt của UBND TP Đà Nẵng.
Lâm Đồng: Không điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa sai phạm về “phân lô, tách thửa”
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa. Các khu dân cư hình thành từ việc hiến đất làm đường, phân lô tách thửa, nếu không phù hợp với các quy hoạch thì kiên quyết xử lý, không điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa sai phạm.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức rà soát, lập, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn theo thẩm quyền; trình thẩm định, phê duyệt theo quy định và chỉ đạo của cấp có thầm quyền. Trong đó, riêng đối với quy hoạch sử đụng đất thời kỳ 2021 - 2030, cấp huyện phải hoàn thành việc thẩm định, trình UBND tỉnh trước ngày 31/3/2023.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng và kinh doanh BĐS theo đúng quy định; tuyệt đối không để hình thành các khu dân cư, dự án BĐS trái phép, không phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất đai, xây dựng và quy hoạch đô thị.
Đối với các khu vực, diện tích đất hộ gia đình, cá nhân đã hiến đất, làm đường giao thông và tách thửa hình thành các khu, điểm dân cư mới (thực chất là các dự án kinh doanh BĐS) trên địa bàn các huyện, thành phố, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao UBND huyện, thành phố khẩn trương rà soát, phân loại và xử lý theo các hướng đúng quy định pháp luật.