Bất động sản mới nhất: Quy hoạch lại Côn Đảo theo hướng khu du lịch quốc gia. |
Hậu sốt đất, nhà đầu tư bẻ ‘sóng’
Cuối năm 2020 đến đầu năm nay, thông tin hàng loạt huyện ngoại thành Hà Nội sẽ lên quận và việc công bố các đồ án quy hoạch đô thị đã khiến cho thị trường các quận, huyện nói trên nổi cơn "sốt đất" trên diện rộng, kéo theo việc giá đất nền tăng vùn vụt, vượt ngưỡng dự đoán của các chuyên gia bất động sản (BĐS).
Tuy nhiên, khi cơn "sốt đất" qua đi, thị trường đất nền trong hơn một tháng gần đây lại bước vào thời kỳ ảm đạm khiến một số nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu rao bán đất nền dự án, đất thổ cư với mức giá thấp hơn rất nhiều so với thời kỳ "sốt đất". Mặc dù vậy, vẫn có một số nơi giá đất dự án, đất thổ cư ít giao dịch nhưng vẫn được rao bán với giá cao chót vót.
Theo thông tin mua bán trên một số website về nhà đất gần đây, tại Đông Anh, nếu như vào thời điểm đỉnh "sốt đất" hồi tháng 3, đất nền dự án có giá trung bình từ 50 - 80 triệu đồng/m2 thì hiện tại, mặc dù đã "hạ nhiệt", các giao dịch ngày càng vắng bóng nhưng giá đất khu vực đường Quốc lộ 23B, xã Tiên Dương vẫn ở mức cao, không hề giảm.
Giới đầu cơ nỗ lực thổi giá đất Mê Linh
Theo Vnexpress, một số dự án "đắp chiếu" hàng chục năm tại Mê Linh, Hà Nội đang được giới đầu cơ chào bán giá tăng khoảng 60-80% so với cuối năm 2020.
Anh Nguyễn Văn Hảo, giám đốc một sàn bất động sản tại Mê Linh cho biết, từ năm ngoái đến nay, thị trường khu vực này trải qua 2 đợt tăng giá. Một đợt diễn ra vào cuối năm ngoái khi việc sửa chữa cầu Thăng Long sắp hoàn thiện. Đợt tiếp theo bắt đầu khoảng 2-3 tháng nay với tin đồn một số dự án của các chủ đầu tư lớn sắp được triển khai.
Tin liên quan |
Căng thẳng Trung Quốc-Australia: Quặng sắt - Giới hạn mong manh giữa ‘con ngỗng vàng’ và 'dao 2 lưỡi' |
Sau hai đợt tăng giá, đất nền ở một số dự án như khu đô thị Cienco 5, Hoàng Vân... thuộc xã Tiền Phong có mức biến động mạnh nhất. Theo đó, các lô nằm ở tuyến đường trục chính, đường lớn thuộc dự án Cienco có giá dao động 40-45 triệu đồng mỗi m2. Các lô ở vị trí khác, giá dao động từ 21-40 triệu đồng.
"So với một năm trước, giá rao bán tăng 60-80%. Việc giao dịch cũng có nhưng thực tế khoảng 70-80% là khách đến tìm hiểu thị trường", anh Hảo nói.
Cũng theo anh, giá đất nền tại 2 dự án này tăng mạnh nhất bởi nằm cạnh Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng đang triển khai và dự án của một doanh nghiệp tên tuổi. Dù vậy, theo ghi nhận, thì tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, chủ đầu tư này không đề cập đến việc khởi công dự án tại Mê Linh.
Ngoài 2 khu đô thị trên, tại các kênh rao bán bất động sản trực tuyến, dãy shophouse được giới thiệu sát bên trục đường lớn kéo thẳng vào khu đô thị Vườn hoa Tiên Phong dự kiến hình thành trong tương lai của một tập đoàn lớn cũng lên đến 40 triệu đồng mỗi m2 - tương đương với giá nhiều dự án ở nội thành Hà Nội. Trong khi đó, đầu năm 2020, giá đất ở đây chỉ dao động 15-20 triệu đồng một m2.
Theo kênh dữ liệu bất động sản Vhome, hầu hết các giao dịch thời gian qua là hoạt động mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư thứ cấp. Đặc biệt, không ít dự án trong số này vẫn là chuyển nhượng hợp đồng góp vốn, rất ít dự án có sổ đỏ.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ cho rằng tình trạng "nóng" lên của bất động sản Mê Linh thời gian gần đây chủ yếu là do môi giới và nhà đầu cơ lợi dụng những thông tin chưa chính thức về quy hoạch để thu hút nhà đầu tư.
Ông Toàn cũng đưa ra những đánh giá không mấy lạc quan về bất động sản Mê Linh bởi thị trường đang vướng những bài toán khó gỡ về vấn đề pháp lý và quy hoạch. Với ông, đây là hai vấn đề cốt tử đối với sự phát triển của bất động sản.
Bất động sản mới nhất: KCN An Phát 1 Hải Dương nhận vốn từ quỹ đầu tư Anh. (Nguồn: AP) |
Quỹ đầu tư Anh rót hơn 270 triệu USD vào KCN ở Hải Dương
Chi hơn 20 triệu USD để sở hữu 49% tại KCN An Phát 1 (Hải Dương), Quỹ đầu tư Actis (Anh) sẽ phát triển khu công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi trị giá 250 triệu USD.
KCN An Phát 1 là dự án thuộc An Phát Complex (công ty con của An Phát Bioplastics, thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings) có diện tích 180 ha giai đoạn 1, với vốn điều lệ 375 tỷ đồng.
KCN này đang trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, chuẩn bị khởi công xây dựng vào tháng 7 tới và dự kiến khai thác từ quý IV năm nay. Khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp dự kiến sẽ thu hút 50 - 70 nhà máy sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 12.000 lao động, và đạt tỷ lệ cho thuê 100% vào năm 2024.
Nói về lý do chọn Việt Nam để đầu tư khi mở rộng chiến lược tại các thị trường châu Á, ông Brian Chinappi - Giám đốc phụ trách lĩnh vực bất động sản châu Á của Actis, nói làn sóng chuyển dịch sản xuất và tăng trưởng xuất nhập khẩu, hay "sóng" dịch chuyển từ buôn bán truyền thống sang bán lẻ thương mại điện tử... đang tạo nên sức hút mới cho thị trường bất động sản công nghiệp, hậu cần của Việt Nam.
Covid-19 khiến nhiều lĩnh vực kinh doanh, thị trường khó khăn, song trong báo cáo mới công bố, Savills Việt Nam nhận định, kho bãi hậu cần, bất động sản khu công nghiệp, logistics là thị trường ngách được dự báo tăng trưởng nhanh, là kênh hút vốn đầu tư.
Theo tính toán của Savills Việt Nam, lợi suất đầu tư vào nhóm tài sản logistics dao động 9-11%, khá lý tưởng so với các thị trường đã định hình và phát triển sớm.
Quy hoạch lại Côn Đảo theo hướng khu du lịch Quốc gia
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai “Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045” theo dự thảo của Sở Xây dựng tỉnh.
Theo đó, ranh giới khu vực lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, gồm 16 đảo với diện tích 7.678ha, trong đó, đảo Côn Lôn (Côn Sơn) có diện tích lớn nhất với 5.964ha.
Thời hạn quy hoạch theo các giai đoạn: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045, tầm nhìn quy hoạch đến năm 2050.
Tính chất quy hoạch là: Khu du lịch quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế; đô thị du lịch dịch vụ sinh thái biển đảo hấp dẫn; di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà tù Côn Đảo có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử.
Dự báo đến năm 2030, quy mô dân số Côn Đảo khoảng 25.000 người; đến năm 2045 khoảng 40.000 người.
Lượng khách du lịch dự kiến đến năm 2030 khoảng 350.000 lượt/năm, trong đó, khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 40%; đến năm 2045 khoảng 400.000 - 500.000 lượt khách/năm.
Quy mô đất xây dựng đô thị, du lịch, dự kiến đến năm 2030 khoảng 1.100ha, đến năm 2045 khoảng 1.500 - 1.800ha.
Các chỉ tiêu chính của đồ án áp dụng theo tiêu chuẩn đô thị loại 3, dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam, các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết quy hoạch Côn Đảo sẽ tập trung phát triển khu vực trung tâm Côn Sơn, không phát triển ra các khu vực bên ngoài. Việc phát triển không gian phải hạn chế tối đa tác động đến môi trường, giữ vững hệ sinh thái rừng, biển và kiểm soát được dân số.