Bất động sản mới nhất: Tỷ lệ hấp thụ của thị trường này tại Hà Nội trong quý III chỉ đạt 19% cả quý, giảm 36 điểm % theo quý và 6 điểm % theo năm. (Nguồn: Zing) |
Lượng giao dịch biệt thự liền kề Hà Nội sụt giảm mạnh
Mặc dù đã có những hoạt động khá tốt trong 6 tháng đầu năm, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và các quy định về giãn cách xã hội toàn thành phố suốt hai tháng của quý III đã ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung biệt thự và nhà liền kề tại Hà Nội.
Cụ thể theo Savills, tỷ lệ hấp thụ của thị trường này tại Hà Nội trong quý III chỉ đạt 19% cả quý, giảm 36 điểm % theo quý và 6 điểm % theo năm. Đồng thời, tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới cũng chỉ đạt 14%.
Khối lượng giao dịch trong cả quý chỉ đạt 210 lượt, giảm 1% theo quý và 54% theo năm. Trong đó, giao dịch đối với phân khúc nhà liền kề và nhà phố chiếm 74%. Quận Hoàng Mai có lượng giao dịch lớn nhất, chiếm 28% tổng số lượng, theo sau đó là Đông Anh với 27%.
Ngoài ra, các dự án với giá chào bán cao có lượng giao dịch khá hạn chế: Các căn có giá sơ cấp dưới 5.000 USD/m2 (115 triệu đồng) chiếm 51% lượng giao dịch, các căn có giá từ 5.000 USD/m2 chiếm 31%, và các căn khoảng giá trên 7.500 USD/m2 (172 triệu đồng) chỉ chiếm 18% tổng số giao dịch.
Đáng chú ý, nguồn cung mới đạt 225 căn, giảm 75% theo quý và 47% theo năm, với một dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 3 dự án đang bán. Nguồn cung sơ cấp đạt 1.088 căn, giảm 44% theo quý và 40% theo năm; trong đó, Đông Anh chiếm 20% thị phần và Hoài Đức theo sau là 15%.
Hoàng Mai là quận có nguồn cung lớn nhất trong quý này, chiếm 32% nguồn cung sơ cấp và 84% nguồn cung mới.
Sau chuỗi quý liên tiếp dẫn đầu thị trường biệt thự, liền kề kể từ quý IV/2019, khu vực phía Tây trong quý vừa qua đã mất vị trí dẫn đầu do nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, khu vực này cũng được dự báo sẽ trở lại mạnh mẽ trong quý tới cũng như trong năm 2022 với nhiều nguồn cung nhất.
Về mặt bằng giá, chuyên gia cho biết, mặc dù hầu hết các chủ đầu tư đều không thay đổi bảng giá, giá sơ cấp trung bình vẫn tăng đáng kể do không có nguồn cung mới cùng giá chào bán thấp tại các quận/huyện nằm ngoài trung tâm.
Giá sơ cấp trung bình nhà liền kề đạt 5.541 USD/m2 (127 triệu đồng), tăng 7% theo quý và 20% theo năm; giá nhà phố đạt mức 9.193 USD/m2 (211 triệu đồng) tăng 13% theo quý và 38% theo năm. Song, giá sơ cấp biệt thự giảm nhẹ 1% theo quý và 2% theo năm, đạt 4.853 USD/m2 (111,6 triệu đồng).
5.400 doanh nghiệp bất động sản mới ra đời
Dù dịch Covid-19 mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực, tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, 9 tháng năm nay, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới vẫn tăng.
Cụ thể, có đến 5.400 doanh nghiệp mới ra đời. Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm, toàn doanh nghiệp Việt phát hành trái phiếu tới 399.000 tỉ đồng.
Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm đến 35% lượng tiền trái phiếu phát hành (khoảng 108.000 tỷ đồng). Một kênh đầu tư tiếp theo là cổ phiếu, thị trường chứng khoán có 81 doanh nghiệp bất động sản.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, dù tính chung giao dịch bất động sản có giảm so với năm 2019, tuy nhiên đã có sự khởi sắc trong 6 tháng đầu năm nay.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Khởi cho hay, hiện nay, nhiều chính sách đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh để trợ lực cho thị trường bất động sản cuối năm. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho cả người bán lẫn người mua.
Siêu dự án có casino ở Vân Đồn: Đề xuất tăng mức đầu tư, bỏ mục sân golf
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã lấy ý kiến 10 bộ, ngành về chủ trương đầu tư khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Vân Đồn.
Theo Tờ trình số 6075 của UBND tỉnh Quảng Ninh gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn sẽ được đổi tên thành Dự án khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Vân Đồn.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật tuần (8-14/10): Châu Âu loay hoay hạ nhiệt khủng hoảng năng lượng, Nga nêu điều kiện ‘ra tay giúp đỡ’, Trung Quốc giảm tốc |
Vị trí thực hiện dự án giữ nguyên tại xã Vạn Yên, thuộc Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
So với Dự án phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, Dự án khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn vị trí không thay đổi nhưng có một số thay đổi lớn khác như giảm quy mô sử dụng đất xuống còn 390,61 ha (trước đây là 445,84 ha); tăng vốn đầu tư lên 50.365 tỷ đồng (trước đây là 46.595 tỷ đồng).
Đồng thời, Quảng Ninh cũng đề xuất bổ sung hạng mục đầu tư đô thị, bỏ hạng mục đầu tư sân golf.
Để có đầy đủ thông tin thẩm định dự án trước khi trình Thủ tướng thông qua chủ trương đầu tư dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các bộ, ngành cho ý kiến bằng văn bản.
Trong đó xin ý kiến Bộ Xây dựng các nội dung về xây dựng nhà ở, phát triển đô thị; đầu tư kinh doanh trên đất ở không hình thành đơn vị ở.
Xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; đất trồng lúa theo quy định.
Xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện trạng sử dụng đất, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, thời gian thực hiện dự án.
Ngoài ra, xin ý kiến các bộ, ngành khác về việc đầu tư kinh doanh đất ở không hình thành đơn vị ở, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino; ưu đãi thuế; phương án huy động vốn dự án; quốc phòng an ninh…
Trước đó, trong báo cáo lần 2 về chủ trương đầu tư dự án casino Vân Đồn gửi tới Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã kiến nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại khoản 1, điều 3, Luật đầu tư.
Mục tiêu của dự án là kinh doanh casino và thí điểm cho người Việt vào chơi casino, xây dựng kinh doanh sân golf, kinh doanh bất động sản, nghỉ dưỡng, giải trí.
Thời gian hoạt động dự án là 70 năm, kể từ thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư. Tiến độ xây dựng casino Vân Đồn không quá 10 năm, kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư có hiệu lực.
Giao UBND tỉnh Quảng Ninh bảo đảm tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, việc triển khai thực hiện dự án phù hợp với các quy hoạch được phê duyệt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã lấy ý kiến 10 bộ, ngành về chủ trương đầu tư khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Vân Đồn. (Nguồn: Kinhtemoitruong) |
TP. Hồ Chí Minh cần 500 tỷ đồng để tu sửa chung cư xuống cấp
Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh có tờ trình số 9416/TTr-SXD-PTDT ngày 12/10/2021 gửi UBND thành phố về kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Theo Sở Xây dựng, chỉ tiêu thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ hoàn tất việc đầu tư xây dựng mới 6 chung cư cấp D đã thực hiện di dời, tháo dỡ trong giai đoạn 2016-2026, gồm: Chung cư 128 Hai Bà Trưng (94 hộ dân); chung cư 23 Lý Tự Trọng, quận 1 (81 hộ dân);
Chung cư 6Bis Nguyễn Tất Thành, quận 4 (26 hộ dân); chung cư 40/1 Tân Phước (78 hộ dân); chung cư 47 Long Hưng (30 hộ dân) và chung cư 170-171 Tân Châu, quận Tân Bình (24 hộ dân).
Hoàn tất việc di dời, tháo dỡ đối với 8 chung cư cấp D chưa thực hiện di dời hoặc di dời dỡ dang trong giai đoạn 2016-2020, gồm: Chung cư 11 Võ Văn Tần, quận 3 (18/19 hộ dân); chung cư 119B Tân Hoà Đông, quận 6 (68/80 hộ dân); chung cư 155 - 157 Bùi Viện, quận 1 (86/100 hộ dân);
Chung cư Trúc Giang (120/123 hộ dân); chung cư Vĩnh Hội, lô A, B, C, quận 4 (11/244 hộ dân); chung cư 440 Trần Hưng Đạo, quận 5 (21 hộ dân); chung cư 137 Lý Thường Kiệt và chung cư 149 - 151 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình (55 hộ dân).
Đồng thời, hoàn tất việc cải tạo, sửa chữa 246 chung cư cấp B, C (66 chung cư cấp C; 180 chung cư cấp B) còn lại giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.
Theo Sở Xây dựng, hiện nay có rất nhiều chung cư cũ có diện tích dưới 1.000 m2, không kêu gọi được nhà đầu tư do quy mô xây dựng mới không đủ lớn để nhà đầu tư có thể bố trí tái định cư cho các hộ dân và thu hồi vốn, không đảm bảo hiệu quả kinh tế khi xây dựng lại nhà chung cư.
Giao Sở Kế hoạch Đầu tư xem xét khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh kế hoạch đầu tư công, đảm bảo nguồn vốn 500 tỷ động để cải tạo, sửa chữa chung cư xây dựng trước năm 1975.
| Bất động sản mới nhất: Địa ốc Mê Linh đảo chiều, tránh bẫy sốt ảo; Lào Cai đầu tư khu logistics, điều cần biết về căn hộ studio Đất Mê Linh (Hà Nội) tăng giá trở lại, ưu và nhược điểm của căn hộ studio, Lào Cai đầu tư khu logistics hơn 300ha…là ... |
| Nếu ‘bom nợ’ Evergrande của Trung Quốc phát nổ, kinh tế Australia có bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng dominos? Khủng hoảng nợ Evergrande và "sức khỏe" của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với Australia, nước vốn có ... |