Bất động sản mới nhất: Vinhomes phấn đấu hoàn thành 500.000 căn NƠXH trong vòng 5 năm tới với quy mô tổng diện tích: từ 50 – 60ha/dự án trở lên. (Ảnh minh họa - Nguồn: BXD) |
Cảnh báo sốt đất ảo vùng ven
Thời gian qua, tình trạng sốt đất cục bộ diễn ra ở nhiều vùng nông thôn, vùng ven trung tâm các thành phố lớn. Trong đó, có cả trường hợp một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt sốt đất ảo nhằm trục lợi.
Đơn cử, tại huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), một nhóm người lợi dụng thông tin không chính xác về việc người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang.
Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, qua khảo sát, hầu hết người thực hiện giao dịch thật sự không quá nhiều, mà hình ảnh chen chúc đăng tải trên mạng xã hội có khá đông thành phần là những nhóm người môi giới mua bán đất đai, môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác.
Theo Bộ Xây dựng, trong quý I năm nay, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư (bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước). Sang cuối tháng 3, tại một số địa phương vùng ven Hà Nội, TPHCM và các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai… có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, một số nơi giá tăng từ 15 - 20% so với cuối năm 2021.
Theo Bộ Xây dựng, tình trạng này tương tự thời điểm cuối quý I đầu quý II năm 2021, tuy nhiên, mức độ lan rộng và biên độ tăng giá thấp hơn.
Nhận định về tình trạng "sốt đất" này, theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, thực chất "sốt đất" thời kỳ này chủ yếu là "sốt đất tâm lý". Bởi lẽ, nhà đầu tư luôn muốn đón đầu thị trường, muốn tập trung vào những khu vực được dự báo tăng trưởng tốt, có tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Kiệt, trên thực tế hầu hết những thông tin về khu vực được dự báo là tiềm năng đều là những thông tin bên lề. Vì vậy, các nhà đầu tư nếu bị lôi kéo vốn vào các khu vực đó sẽ dễ bị cuốn vào những cơn "sốt đất" ảo, "bị kích sóng", phải mua đất với giá đỉnh rồi không thanh khoản được, bị "chôn vốn" khi cơn "sốt đất" hạ nhiệt.
Mới đây, chính quyền TP Đà Nẵng phát đi cảnh báo về tình trạng tạo "sốt đất" ảo ở khu vực nông thôn để trục lợi bằng nhiều thủ đoạn. Đồng thời khuyến cáo người dân thận trọng, tỉnh táo, cảnh giác với các chiêu trò để tránh những hậu quả không mong muốn và hệ lụy cho gia đình, xã hội.
Tương tự, tại Quảng Nam, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng kịp thời phát hiện, tham mưu các biện pháp ngăn chặn, xử lý hiện tượng đầu cơ bất động theo quy định, không để xảy ra tình trạng sốt giá và "bong bóng" BĐS trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, hàng loạt địa phương như: Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa… cũng yêu cầu các ngành và chính quyền địa phương đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" BĐS và tăng cường quản lý thị trường BĐS. Đáng chú ý, Hà Nội yêu cầu không giải quyết tách thửa cho đất nông nghiệp và kiểm soát việc chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Để ngăn chặn "sốt đất" ảo trên thị trường, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Đặc biệt, Bộ cũng yêu cầu các địa phương có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc tách thửa không đúng quy định, "phân lô, bán nền" tại các khu vực không có quy hoạch, chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng;
Rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới BĐS; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường BĐS.
Vinhomes tham gia phát triển nhà ở xã hội
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty Cổ phần Vinhomes tổ chức sáng 12/5, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty đã phát biểu về chiến lược phát triển các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) của Vinhomes: “Một trong những định hướng chiến lược mới của Vinhomes trong thời gian tới là tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp tại các tỉnh thành trên cả nước.
Với kinh nghiệm triển khai dự án nhà ở thương mại của Vinhomes, các dự án NƠXH này không chỉ giúp hiện thực hóa giấc mơ sở hữu nhà cho người lao động, mà còn mang tới cho họ một môi trường sống hiện đại, văn minh; đồng thời góp phần thúc đẩy an sinh xã hội và kinh tế tại các địa phương”.
“Trong vòng 5 năm tới, Công ty phấn đấu hoàn thành 500 nghìn căn NƠXH trên cả nước, mang lại cơ hội sở hữu nhà cho hàng chục vạn đến hàng triệu người lao động.
Mức giá bán NƠXH dự kiến chỉ từ 300 triệu đồng đến 950 triệu đồng/căn. Thương hiệu của dòng sản phẩm NƠXH được lựa chọn chính thức mang tên Happy Home”, ông Phạm Thiếu Hoa cho biết thêm.
Cụ thể, Vinhomes phấn đấu hoàn thành 500.000 căn NƠXH trong vòng 5 năm tới với quy mô tổng diện tích: từ 50 – 60ha/dự án trở lên. Địa điểm tại vùng ven tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... trên toàn quốc. Trước mắt, Vinhomes sẽ triển khai dự án tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Về thông tin sản phẩm, Happy Home là những dự án đô thị độc lập, tách biệt khỏi các Dự án nhà ở thương mại của Vinhomes, hoặc là các khu đất NƠXH trong các đại dự án của Vinhomes. Happy Home cũng là mô hình NƠXH “full tiện ích” đầu tiên tại Việt Nam với hệ sinh thái tiện ích đầy đủ và tiện lợi, đảm bảo chất lượng sống tốt cho cư dân như khu vui chơi trẻ em, sân thể thao, công viên với quy mô phù hợp phân khúc.
Điều được quan tâm là giá bán có công bố từ 300 triệu đến 950 triệu đồng/căn, được xây dựng giá bán và phương án bán theo đúng quy định của Nhà nước cho sản phẩm NƠXH.
Sự trỗi dậy của BĐS Thanh Hóa
Tại tọa đàm “Sự trỗi dậy của BĐS Thanh Hóa” được tổ chức ngày 10/5, PGS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những chính sách, cơ chế của Thanh Hóa đã và đang thu hút nhiều nguồn lực, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Phối cảnh tổ hợp Legacy Gate, SunGroup ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. (Nguồn: SG) |
Hiện nay, Thanh Hóa sở hữu hệ thống hạ tầng, giao thông kết nối với 43 dự án trọng điểm và đang được dồn lực đầu tư ngày càng hoàn thiện: Tuyến đường bộ ven biển kết nối với các tỉnh; cao tốc Thanh Hoá - Hà Nội, Ninh Bình - Thanh Hoá, Nghi Sơn - Sao Vàng và các tuyến đường giao thông trong tỉnh.
Đặc biệt trong tương lai gần khi đường cao tốc Hà Nội-Thanh Hóa hoàn thành toàn tuyến sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Hà Nội đến Thanh Hóa chỉ còn khoảng hơn 2 tiếng lái xe. Sân bay Sao Vàng đã được phê duyệt quy hoạch thành Cảng hàng không quốc tế cấp 4E công suất 5 triệu hành khách/năm, có chức năng mạnh dự bị cho sân bay Nội Bài.
Nhờ những ưu thế về hạ tầng kết nối, du lịch và phát triển công nghiệp... Thanh Hóa đang trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn với sự xuất hiện hàng loạt đại đô thị tỷ USD của Vingroup, Sun Group, Flamingo, Eurowindow, T&T Group...
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS Thanh Hóa đang có sự phát triển mạnh mẽ, vươn lên top đầu trong thị trường BĐS mới nổi ở Việt Nam.
Theo ông Đính, tại Thanh Hóa, dự án đất nền chưa được quan tâm theo hướng đầu tư xây dựng, chủ yếu vẫn là giao dịch mua đi bán lại. Các hoạt động này làm đẩy giá đất địa phương tạo ra rào cản kìm hãm sự thu hút các nhà đầu tư lớn. Hiện tượng đầu cơ, lướt sóng, bỏ cọc vẫn tiếp diễn gây nhiều hệ lụy cho các chủ đầu tư phát triển dự án.
Ông Đỗ Quý Duy - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát cho rằng, xu thế trong năm 2022-2023, với việc kiểm soát tín dụng BĐS sẽ khiến cho các dòng tiền đầu tư ở các tỉnh lẻ quay về các tỉnh, thành phố trung tâm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
“Bên cạnh đó, việc kiểm soát tín dụng này cũng khiến các thị trường mới nổi hình thành các bong bóng BĐS. Tại Thanh Hóa cũng xuất hiện tình trạng này, một số khu vực có giá đất tăng tới 200%/năm gây nhiều hệ lụy phát triển dự án của các chủ đầu tư lớn”, ông nói.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Tổng giám đốc RB Land, trong năm 2021-2022, thị trường BĐS Thanh Hóa gặp một số vấn đề như: Người dân địa phương đua nhau đấu giá đất, hạ tầng các dự án đấu giá kém, người dân đấu giá cao gấp 2-3 lần sau đó bỏ cọc...
Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, giá đất nền nhiều khu vực ở Thanh Hoá đầu năm 2021 tăng trung bình 40-60% so với cuối năm 2020.
Giá đất mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa dao động ở ngưỡng 12-15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có những lô đất ven biển Sầm Sơn, mức giá tăng gấp 4-5 lần so với 5 năm trước.
Quy định mới khi nhiều hộ gia đình chung một thửa đất bị thu hồi
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Quyết định số 20 sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 26 quy định ban hành kèm theo Quyết định số 10 ngày 29/3/2017 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP sửa đổi Khoản 2 Điều 26 quy định trường hợp đủ điều kiện được bồi thường bằng đất.
Cụ thể: Trường hợp hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng sinh sống trên một thửa đất ở thu hồi mà đủ điều kiện tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi, thì mỗi hộ gia đình được giao một suất tái định cư bằng hạn mức giao đất ở tại địa phương và không vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi (diện tích đất được giao đã bao gồm diện tích đất được bồi thường theo quy định tại Điều 7 quy định này).
Trường hợp mỗi hộ được giao một suất tái định cư bằng hạn mức giao đất ở tối thiểu tại địa phương vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi, phần diện tích đất tái định cư vượt diện tích đất ở bị thu hồi phải tính tiền sử dụng đất theo giá đất khi giao đất tái định cư nhân hệ số điều chỉnh K theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 7 quy định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/5/2022.