📞

Bất động sản mới nhất: Chiêu kích giá bằng căn hộ siêu sang; yêu cầu công khai giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai

Hoàng Nam 06:30 | 15/06/2021
Bộ Xây dựng yêu cầu công khai giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai; TP. Hồ Chí Minh đề nghị xử lý tin đồn gây bất ổn thị trường; chiêu kích giá nhà qua căn hộ siêu sang… là những tin bất động sản mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Chiêu kích giá nhà bằng căn hộ siêu sang? (Nguồn: The Pinnaclelist)

Cần công khai các giao dịch bất động sản nhà ở hình thành trong tương lai

Ngày 7/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh ký Công văn 2096/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện quy định về giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo đó, để có cơ sở xây dựng hệ thống, quy trình và tích hợp cung cấp thông tin trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, tổng hợp báo cáo với các nội dung như sau:

Kiểm tra, rà soát và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP về trình tự, thủ tục, điều kiện đối với các giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn, đặc biệt là một số nội dung quy định cụ thể như:

Về điều kiện khi đưa bất động sản hình thành trong tương lai vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản;

Về thực hiện thủ tục thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua tại khoản 2 Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản;

Về thực hiện bảo lãnh, thanh toán trong bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56, Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản;

Về việc thế chấp, điều kiện thế chấp (dự án đầu tư xây dựng nhà ở và nhà ở hình thành trong tương lai) theo quy định tại Điều 147, Điều 148 Luật Nhà ở;

Về giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch đối với trường hợp không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận theo Điều 72 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổng hợp báo cáo kết quả, tình hình thực hiện quy định về thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Trong đó nêu cụ thể về các nội dung về trình tự thủ tục; về hồ sơ yêu cầu; về việc công khai thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua và các đề xuất, kiến nghị.

Chiêu ‘kích giá’ qua căn hộ siêu sang?

Trước đây, Pacific Place từng một thời là một trong những khu chung cư đẳng cấp nhất Hà Nội với giá bán khoảng gần 100 triệu đồng/m2. Giá thuê căn hộ ở đây cũng trên 1.000 USD/tháng. Đây cũng là một trong những chung cư có giá dịch vụ cao nhất Hà Nội.

Còn một căn hộ siêu sang khác trên đường Thụy Khuê (Hà Nội) cũng được bán với giá lên tới 4.000 USD/m2. Tuy nhiên, cư dân đang phải đấu tranh với chủ đầu tư liên quan đến một loạt tranh chấp về phí bảo trì.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), việc các chủ đầu tư đua nhau đưa ra các dự án có giá bán "trên trời", không phải là phản ứng có lợi cho thị trường vì tình trạng kích giá càng rầm rộ sẽ có tác động lây lan trên diện rộng.

Theo ông Châu, thời điểm mở bán căn hộ chung cư hình thành trong tương lai dưới mác chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang là giai đoạn mà người mua nhà dễ bị mua nhầm sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đề nghị công an xử lý tin đồn gây bất ổn thị trường bất động sản

Theo Tiền phong, ngày 14/6, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết đã có kiến nghị UBND Thành phố giao cơ quan Công an kiểm tra, ngăn chặn và xử lý tin đồn thổi gây bất ổn cho thị trường bất động sản, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội và đời sống của người dân.

Theo Sở Xây dựng, tình hình cung cầu của từng phân khúc sản phẩm ở trên thị trường bất động sản có sự thay đổi tăng giảm theo quy luật của thị trường.

Thực tế phát triển thị trường bất động sản cho thấy tuy có một số thành phần đáng lưu ý, nhưng thị trường vẫn còn không ít bất cập như năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu sự ổn định của các chính sách luật, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chưa cao…

Để thị trường bất động sản thành phố phát triển ổn định, vững chắc, minh bạch, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức, quận, huyện tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản.

Cụ thể, giao Sở Xây dựng theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, kịp thời xử lý các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án bất động sản có vi phạm xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng.

Sở Tài nguyên Môi trường kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về vấn đề pháp lý; các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất; các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất cho người dân. Rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Công an Thành phố tăng cường công việc quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm nhằm ngăn chặn hiện tượng tin đồn thổi, đầu tư theo tâm điểm đám đông... gây bất ổn cho thị trường bất động sản, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội và đời sống của người dân.

Xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý... vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản theo quy định pháp luật.

Phối hợp với UBND TP.Thủ Đức, UBND các quận huyện theo dõi, xử lý các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về các dự án bất động sản, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản.

Dự án The Nine (Cầu Giấy, Hà Nội) hoàn thành cất nóc đầu tháng 5/2021, dự kiến bàn giao từ tháng 2/2022. (Nguồn: GP Invest)

Lợi thế căn hộ đã cất nóc giữa lúc giá vật liệu biến động

Căn hộ đã cất nóc được cho là có tính ổn định về giá trong bối cảnh thị trường đối mặt thách thức về nguồn cung và giá vật liệu xây dựng.

Từ đầu năm 2021, thị trường chứng kiến giá vật liệu xây dựng tăng nhanh chóng, đặc biệt là thép. Hiện giá thép gần 18 triệu đồng một tấn, cao hơn khoảng 40-50% so với cuối năm 2020.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP. Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu, thép chiếm 60% trong nguyên vật liệu xây dựng công trình, ảnh hưởng 60-70% chi phí xây dựng toàn dự án. Không chỉ giá thép, một số vật liệu xây dựng khác như cát, xi măng cũng ghi nhận mức tăng trong thời gian qua.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá công trình có thể bị đội lên trong thời gian tới khiến các chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh tăng giá bán bất động sản trên thị trường.

"Giá vật liệu tăng đột biến có thể khiến doanh nghiệp bất động sản xem xét đến việc điều chỉnh giá nhà. Tùy từng kết cấu công trình, giá nhà có thể tăng trên dưới 10-15%", ông Hiệp nói.

Thêm vào đó, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư khiến việc triển khai của một số dự án có thể bị chậm lại, ảnh hưởng nguồn cung bất động sản tại thị trường Hà Nội.

Ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý I/2021, tại Hà Nội không có căn hộ mới được chào bán ra thị trường. Nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án mở bán ở giai đoạn trước.

Giá vật liệu xây dựng tăng, nguồn cung mới khan hiếm, nhiều người mua nhà chuyển hướng về các quỹ nhà xây sẵn, hoặc những dự án bước vào giai đoạn hoàn thiện, ít bị ảnh hưởng bởi các tác động của thị trường.

(tổng hợp)