Bất động sản mới nhất. (Nguồn: Báo XD) |
Yêu cầu khắc phục nghịch lý thừa nhà cao cấp; giải quyết việc "thổi giá"
Ngày 11/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho địa phương, doanh nghiệp (Tổ công tác) sau khi Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi được ban hành.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành nghề như ngân hàng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng…
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả thực thi của các cơ chế, chính sách, pháp luật trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS, như tín dụng, quy hoạch, tình trạng pháp lý, hoạt động kinh doanh BĐS… Nhà nước sẽ làm hết sức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện những gì thuộc trách nhiệm, thẩm quyền.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc khắc phục "nghịch lý" thừa phân khúc cao cấp, thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp, giải quyết tình trạng "thổi giá", "đẩy giá" để cung và cầu gặp nhau… Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc phát triển thị trường BĐS lành mạnh góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền được tiếp cận nhà ở của người dân.
Hoạt động của Tổ Công tác thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thông qua hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần giúp thị trường BĐS vượt qua thách thức, có sự chuyển động tích cực, bước đầu lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bộ Xây dựng cần tổng kết thành những nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu có thể được giải quyết trong các luật sửa đổi, bổ sung về đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS… vừa được thông qua. Từ đó, Bộ này nghiên cứu phương án tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành văn bản theo thẩm quyền cho phép áp dụng trước thời điểm luật có hiệu lực.
Phó Thủ tướng giao các địa phương tính toán cụ thể nhu cầu của người dân, bố trí đầy đủ quỹ đất dành cho các dự án nhà ở, cải tạo chung cư cũ, trong quá trình lập, thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn; báo cáo hoạt động của các tổ công tác của địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS.
Đối với nguồn vốn dành cho dự án nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách tài khóa dài hạn hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tín dụng ưu đãi.
Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu về việc thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội bao gồm ngân sách Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp từ chi phí 20% xây nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại và các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội.
Doanh nghiệp, nhà đầu tư tính toán chi phí hợp lý, đưa ra sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá bán phù hợp, góp phần phát triển lành mạnh thị trường BĐS.
Giá nhà trung bình ở Việt Nam cao gấp gần 24 lần thu nhập
Giá nhà trung bình ở Việt Nam hiện cao gấp 23,7 lần thu nhập trung bình hàng năm của hộ gia đình, tăng từ mức 23,5 hồi năm 2023.
Đây là "Tỷ số giá nhà trên thu nhập" (House Price to Income Ratio - HPR), mới cập nhật năm 2024 của nền tảng dữ liệu về chi phí sống Numbeo, trụ sở tại Serbia.
HPR được tính bằng cách chia giá nhà trung bình cho thu nhập bình quân hàng năm hộ gia đình. Như vậy, giá nhà trung bình toàn quốc gấp gần 24 lần thu nhập trung bình một năm của hộ gia đình người Việt.
HPR của các quốc gia châu Á lân cận như Philippines, Thái Lan, Indonesia năm 2024 lần lượt là 27, 26,5 và 18,9.
Chung cư khu đô thị Thủ Thiêm TP.HCM. (Nguồn: TTXVN |
Cũng theo số liệu của Numbeo, HPR Việt Nam năm 2019 là 19,7. Như vậy có thể thấy, HPR tại Việt Nam năm nay đã tăng khoảng 20% so với năm 2019.
Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) đánh giá, chỉ số giá căn hộ tại Hà Nội năm 2023 đã tăng khoảng 38% so với năm 2019.
Dữ liệu của VARS cũng cho thấy, trong vài năm qua, giá chung cư tăng trưởng bình quân hai chữ số mỗi năm. Riêng năm ngoái, chỉ số giá chung cư Hà Nội đã tăng 16% so với hồi đầu năm. Chỉ số này tại TP.HCM cũng bước vào chu kỳ tăng trưởng trở lại từ quý III/2023 do đà giảm giá chậm dần tại các dự án cao cấp, hạng sang trên thị trường thứ cấp.
Giá bán chung cư sơ cấp trên cả nước cũng neo cao bởi phần lớn dự án mới có giá trên 40 triệu đồng mỗi m2.
Ghi nhận tại Hà Nội, giá chung cư đã đi vào sử dụng lẫn chung cư mới đều tăng mạnh. Thậm chí, ở những khu vực cách trung tâm thành phố cả chục km, giá chung cư đang được rao bán ở mức 60-70 triệu đồng/m2.
Như tại dự án Lumi Hà Nội (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa khởi công, giá khi đặt cọc suất mua nhà đang được các công ty môi giới, đơn vị phân phối rao bán khoảng 66 triệu đồng/m2, nếu cộng thêm thuế VAT giá căn hộ lên tới 72 triệu đồng/m2. Như vậy, một căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích khoảng 74m2 có giá bán khoảng 5,3 tỷ đồng.
Cũng tại khu vực phường Tây Mỗ, giá bán căn hộ tại dự án Masteri West Heights được các sàn rao bán 3,6 tỷ đồng (căn hộ 59m2) đến 3,9 tỷ (căn hộ 62m2), tương đương khoảng 61-62 triệu đồng/m2.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội, nhận xét, giá chung cư Hà Nội đang ở ngưỡng rất cao. Mức giá chung cư sơ cấp trung bình ở mức 58 triệu đồng/m2.
Cơn sốt nhà chung cư do đâu mà có?
Từ cuối năm ngoái, giá căn hộ chung cư đã tăng nhanh. Giá tăng không chỉ diễn ra ở những dự án mới mà còn ở các dự án đã qua sử dụng.
Theo khảo sát, trên một số trang thông tin BĐS hiện nay, tại quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, giá bán căn hộ tại những chung cư cũ từ 35-60 triệu đồng/m2.
Một số căn hộ chung cư cũ tại huyện Hoài Đức có giá "mềm hơn" cũng lên tới 35-42 triệu đồng/m2. Tương tự, giá bán các căn hộ thuộc dự án mới đưa vào sử dụng tại huyện Thanh Trì là 3-5 tỷ đồng; chung cư cũ hơn cũng lên đến 2,5-3 tỷ đồng cho một căn 65m2.
Theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), trong những năm qua, bình quân mỗi năm, giá căn hộ tăng trưởng hai chữ số. Tính riêng năm 2023, chỉ số giá căn hộ tại Hà Nội vào thời điểm cuối năm 2023 đã tăng 16 điểm phần trăm so với hồi đầu năm.
Cũng theo đơn vị này, dự án căn hộ tại các thành phố liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, giá thuê căn hộ cũ và mới tại các khu dân cư vẫn không ngừng tăng. Đặc biệt, kể từ giai đoạn giữa năm 2022, khi các hợp đồng thuê nhà trong giai đoạn đỉnh dịch - đáo hạn và được gia hạn nếu hai bên tiếp tục có nhu cầu. Nhiều căn hộ đã tăng giá tới 40% so với giai đoạn đỉnh dịch, và tăng khoảng 20% so với giữa năm 2022.
Lý giải thực trạng căn hộ chung cư tăng giá, nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, nguyên nhân chính là thị trường thiếu nguồn cung.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS - nói nguồn cung căn hộ tại TP Hà Nội đang thực sự khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các gia đình trẻ còn lớn.
Ngoài ra, theo ông Đính, nguyên nhân còn do cơ cấu sản phẩm trên thị trường lại thiếu cân đối khiến giá căn hộ chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao. Hệ quả dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở mất đi khả năng tiếp cận.
Trong ngắn hạn, ông Đính dự báo, giá căn hộ tại trung tâm các thành phố lớn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng, nhất là tại phân khúc bình dân, trung cấp. Trong khi giá mua đi, bán lại của các dự án cao cấp, hạng sang có thể ghi nhận mức giảm nhẹ.
Đồng tình, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, nói thời gian qua, hạ tầng đô thị phát triển, nhiều dự án cao tốc, đường vành đai, các cây cầu vượt sông Hồng... được đầu tư xây dựng đã làm cho khả năng kết nối giữa các khu vực này với trung tâm ngày càng thuận lợi, qua đó khiến BĐS tăng giá.
Lý do khiến giá căn hộ chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh, bà Hằng chỉ ra rằng là do chi phí xây dựng tăng cao, hạ tầng phát triển kéo giá BĐS. Bên cạnh đó, các vướng mắc pháp lý khiến nguồn cung căn hộ tiếp tục ách tắc.
Nguồn cung mới khan hiếm và giá bán cao cũng là thách thức của thị trường BĐS. Trong năm 2023, nguồn cung căn hộ mới ghi nhận ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm với hơn 10.000 căn.
Liên quan tới vấn đề này, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy với tốc độ tăng dân số và nhu cầu nhà ở như hiện nay, cả nước cần thêm khoảng 70 triệu mét vuông nhà ở đô thị mỗi năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, con số thiếu hụt hằng năm sẽ khoảng 300.000 đơn vị nhà ở. Chính điều này đang đẩy giá nhà chung cư tăng cao, đặc biệt ở phân khúc chung cư bình dân và trung cấp.
Nhiều chuyên gia BĐS dự báo, do nguồn cung chưa thể sớm được cải thiện nên áp lực giá nhà tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, thậm chí tiếp tục kéo dài thêm trong một vài năm tới.
Theo các chuyên gia, để cải thiện được mặt bằng giá bán của loại hình căn hộ, yếu tố đầu tiên là cải thiện được nguồn cung của thị trường. Trong đó sự phát triển của nhà ở xã hội với giá rẻ sẽ giúp giá bán trung bình của căn hộ chung cư giảm mạnh.
Trước thực trạng bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm, từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá sản phẩm; có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả đối với việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.
Lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS tại Hà Nội cho rằng, cần đẩy nhanh việc phê duyệt các dự án, rút ngắn thời gian tiếp cận đất đai, đa dạng nhà đầu tư để tạo cơ chế cạnh tranh, để các nhà đầu tư tiếp cận trực tiếp đất đai, từ đó tăng nguồn cung, kéo giảm giá nhà.
Quy định về bồi thường thiệt hại do trưng dụng đất theo Luật Đất đai mới
Tại Khoản 7 Điều 90 Luật Đất đai 2024 quy định rõ về việc bồi thường thiệt hại do trưng dụng đất.
Cụ thể, trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán.
Trường hợp thu nhập bị thiệt hại do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào mức thiệt hại thu nhập thực tế tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất trưng dụng được ghi trong quyết định hoàn trả đất trưng dụng. Mức thiệt hại thu nhập thực tế phải phù hợp với thu nhập do đất trưng dụng mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm trưng dụng đất.
Trường hợp tài sản bị thiệt hại do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường thiệt hại được xác định theo giá chuyển nhượng tài sản trên thị trường tại thời điểm thanh toán.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất trưng dụng thành lập Hội đồng để xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra trên cơ sở văn bản kê khai của người sử dụng đất và hồ sơ địa chính. Căn cứ vào mức bồi thường thiệt hại do Hội đồng xác định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mức bồi thường.
Tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra được ngân sách Nhà nước chi trả một lần, trực tiếp cho người có đất trưng dụng, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trưng dụng trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày hoàn trả đất.
Như vậy, việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra thực hiện theo các quy định được trích dẫn ở trên.