📞

Bất động sản mới nhất: Chung cư ở lâu bán vẫn lời, Hà Nội sẵn sàng khởi công đường Vành đai 4, 12 dự án trọng điểm chậm tiến độ

Hải An 08:41 | 30/05/2023
Chuyên gia giải thích lý do chung cư ở lâu bán vẫn lời, Hà Nội sẵn sàng cho khởi công đường Vành đai 4 trước 30/6, mức phạt khi xây nhà trên đất nông nghiệp… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ mới giảm 14%/năm trong giai đoạn từ năm 2018-2022, giá bán trung bình tăng 13%/năm. (Ảnh: Hoàng Hà)

Chung cư ở lâu bán vẫn lời

Khoảng 2-3 năm gần đây, thị trường chung cư ngày càng khan hiếm dự án mới mở bán. Nguồn cung sơ cấp ít, giá căn hộ trên thị trường thứ cấp liên tục “nhảy múa". Hiện, giá căn hộ chung cư đã bàn giao, sử dụng vài năm được rao bán vẫn khá cao. So với mức giá mua ban đầu, khách hàng có lời tiền tỷ sau nhiều năm ở.

Theo khảo sát, tại một số khu vực tập trung nhiều chung cư ở Hà Nội như quận Thanh Xuân, giá căn hộ rao bán dao động 2,5-3,7 tỷ đồng với căn hộ 2 phòng ngủ. Căn 3 phòng ngủ giá từ 4 tỷ đồng trở lên.

Đơn cử, nhiều căn hộ ở các dự án nằm trên trục đường Lê Văn Lương có mức giá rao bán 3,4-3,8 tỷ đồng với căn phòng 2 ngủ, có đầy đủ nội thất và từ 4 tỷ đồng trở lên với căn hộ 3 phòng ngủ.

Tại dự án Hà Nội Center Point, căn hộ đang được rao bán giá dao động 41-50 triệu đồng/m2. Một căn hộ có diện tích 65m2, gồm 2 phòng ngủ được rao bán với giá 3,3 tỷ đồng; tức là mỗi m2 có giá hơn 50 triệu đồng.

Hay các căn hộ nằm trên đường Nguyễn Tuân, giá bán với căn hộ 2 ngủ dao động từ 3,1-3,5 tỷ đồng/căn. Trên đường Nguyễn Huy Tưởng, giá căn hộ 2 phòng ngủ dao động 2,5-3,2 tỷ đồng/căn.

Tại quận Cầu Giấy, các căn hộ nằm tại các dự án ở mặt đường Cầu Giấy có mức giá rao bán dao động từ 2,7-3,6 tỷ đồng/căn 2 ngủ, căn 3 ngủ có mức giá từ 3-4,7 tỷ đồng/căn.

Chung cư nằm trên trục đường Trần Thái Tông, các căn 2 ngủ có mức giá từ 2,7-3,6 tỷ đồng/căn; căn 3 ngủ có mức giá từ 3,7-4,6 tỷ đồng/căn.

Hay ở khu vực Nam Trung Yên, với các toà mới xây, mức giá rao bán dao động từ 2,9-3,5 tỷ đồng/căn 2 ngủ, căn 3 phòng ngủ giá từ 4 tỷ đồng trở lên. Còn các căn hộ thuộc các tòa chung cư tái định cư cũ, đã xuống cấp, giá bán các căn hộ 2 phòng ngủ là 1,9-2,5 tỷ đồng/căn, các căn 3 ngủ có mức giá từ 3,2-3,7 tỷ đồng/căn.

Theo thống kê của Savills, riêng tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ mới giảm 14%/năm trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2022, giá bán trung bình tăng 13%/năm. Hiện, giá căn hộ sơ cấp đang cao hơn 48% so với thứ cấp. Điều này thúc đẩy thị trường thứ cấp hoạt động sôi động hơn.

Ngoài ra, nguồn cung thứ cấp trên thị trường cũng có xu hướng tăng nhẹ do một nhóm nhà đầu tư cá nhân gặp khó khăn với bài toán cân đối dòng tiền trong bối cảnh lãi suất tăng.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam đánh giá, thị trường căn hộ hiện nay có điểm đặc biệt là hầu như không có nguồn cung sơ cấp. Đồng nghĩa với việc không có nguồn cung nhà ở mới cho người mua nhà với nhu cầu ở thực. Do đó, buộc họ phải tìm đến nguồn cung từ thị trường thứ cấp. Từ đầu năm đến nay, thị trường căn hộ thứ cấp đang nóng lên cả ở Hà Nội TP.HCM.

Ông Troy Griffiths chỉ ra một điểm đáng chú ý về thị trường thứ cấp là yếu tố pháp lý chắc chắn của các sản phẩm. Đa số các dự án đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Trong khi ở thị trường sơ cấp, chúng ta thấy khá nhiều dự án đang gặp trở ngại xung quanh vấn đề này.

Theo đánh giá của chuyên gia Savills, ở khía cạnh khác, thị trường thứ cấp cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới.

“Với mức lãi suất cho vay ngân hàng lên đến 14-15%, đây là mức khá cao khiến người mua nhà buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nếu lãi suất có thể quay trở lại như giai đoạn trước Covid-19 khoảng 10-12% thì thị trường này sẽ bắt đầu hấp dẫn hơn và tăng tính thanh khoản”, ông Troy Griffiths phân tích thêm.

Hà Nội sẵn sàng cho khởi công đường Vành đai 4

Chiều 29/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dụng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội để khởi công xây dựng tuyến đường lớn bậc nhất này vào tháng 6 tới.

Theo Ban quản lý dự án (QLDA), đến nay, kế hoạch vốn đã bố trí là 5.854,840 tỷ đồng (vốn quỹ đầu tư phát triển là 2.564,8 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2023 là 3.290 tỷ đồng); trong đó, kế hoạch vốn đã bố trí cho Ban QLDA là 55 tỷ đồng (kế hoạch vốn năm 2023 là 53,255 tỷ đồng).

Kế hoạch vốn đã bố trí cho các quận, huyện thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) là 5.799,84 tỷ đồng (vốn quỹ đầu tư phát triển là 2.564,8 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2023 là 3.235,04 tỷ đồng).

Tổng giá trị giải ngân đến nay là 3.971,634 tỷ đồng (vốn ứng quỹ đầu tư phát triển là 2.564,834 tỷ đồng; giải ngân vốn kế hoạch là 1.406,8 tỷ), trong đó Ban QLDA đã giải ngân 2,394 tỷ đồng; các địa phương giải ngân thực hiện GPMB là 3.969,24 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 68,437%. Bên cạnh đó, thành phố còn có kế hoạch vốn đã bố trí hàng trăm tỷ đồng cho các dự án thành phần…

Đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án thành phần 1.1; 2.1 và 3 (Dự án PPP), hoàn thành công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Hiện nay, Ban QLDA và đơn vị tư vấn đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Sở Giao thông vận tải ngày 29/5/2023.

Dự kiến, Sở Giao thông vận tải trình UBND Thành phố xem xét, có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng Thẩm định Nhà nước trước ngày 10/6/2023.

Về công tác GPMB, đền bù, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn các quận, huyện thời gian qua, được sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND Thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã tập trung triển khai công tác GPMB và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng số mộ chí đã di chuyển là 6.007/10.921 ngôi, đạt 55%.

Đến nay, Ban QLDA đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật-dự toán xây dựng hạng mục di chuyển điện cao thế từ 110KV đến 500KV. Dự kiến sẽ hoàn thành công tác khảo sát, lập phương án thiết kế kỹ thuật xong trước 15/6/2023, trình Sở Công Thương thẩm định trong tháng 6/2023, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán trong tháng 7/2023.

Đến nay toàn bộ 4 gói thầu xây lắp đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, dự kiến ký hợp đồng và khởi công công trình trước ngày 30/6/2023.

Tới đây, công tác GPMB dự kiến tháng 6/2023 bàn giao 80% để khởi công dự án và bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12/2023.

Thành phố dự kiến khởi công trên toàn tuyến địa bàn thành phố Hà Nội tại 4 vị trí. Ban quản lý dự án đang đề nghị UBND Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét chấp thuận điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đề xuất của Ban QLDA tại Văn bản số 1215/BQLCTGT-KH ngày 19/5/2023 và của các quận, huyện.

12 dự án trọng điểm ở Đồng Nai vướng mặt bằng

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 21 công trình, dự án (gọi chung là dự án) trọng điểm của địa phương và Trung ương đang triển khai; trong đó, có 12 dự án vướng giải phóng mặt bằng, không bảo đảm tiến độ.

Những năm qua, Đồng Nai trở thành “đại công trường” với nhiều dự án hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, hàng loạt dự án chưa có mặt bằng sạch để thi công.

Điển hình như dự án xây dựng Hương lộ 2; đường ven sông Đồng Nai; đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa; nâng cấp Đường tỉnh 763; cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 768; trong đó, dự án Hương lộ 2 khởi công cuối năm 2020, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2022.

Đến nay, vùng dự án còn hàng chục hộ và 1 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng, Hương lộ 2 đã phải gia hạn 2 lần. Dự án đường ven sông Đồng Nai khởi công cuối năm 2021, nhưng nay vẫn còn hàng trăm hộ chưa bàn giao mặt bằng, nhà thầu đang làm thủ tục để gia hạn tiến độ hoàn thành dự án.

Cùng với đó, là dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường Vành đai 3-TP. Hồ Chí Minh (đoạn qua Đồng Nai) là 2 dự án trọng điểm quốc gia, dự kiến khởi công vào tháng 6/2023, song việc giải phóng mặt bằng ở Đồng Nai đang rất chậm, chưa đạt yêu cầu.

Hiện, các đơn vị liên quan mới chỉ làm xong công tác lập bản đồ và hồ sơ thu hồi đất. Do chưa hoàn thành ra thông báo thu hồi đất cho người dân, nên ngành chức năng chưa thể đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản. Mục tiêu bàn giao 70% mặt bằng trước thời điểm khởi công dự án khó đạt được.

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các đơn vị tập trung nhân lực, tăng cường phối hợp nhằm chỉ ra các vướng mắc cụ thể. Từ đó, lên phương án xử lý những tồn tại trong thu hồi đất; đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng các khu tái định cư, đảm bảo chỗ ở cho người dân nhường đất phục vụ dự án.

Công trình xây sai phép trên đất nông nghiệp tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. (Nguồn: Báo Xây dựng)

Mức phạt khi xây nhà trên đất nông nghiệp

Theo Xây dựng, Điều 9, 10, 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định rõ khi sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp mà không chuyển mục đích sử dụng đất thì bị phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Điều 9 Nghị định này quy định về mức xử phạt khi sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể, với hành vi chuyển từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng (trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 14 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) thì hình thức và mức xử phạt sẽ tăng theo diện tích vi phạm.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5ha.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5ha đến dưới 1ha.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01ha đến dưới 03ha.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03ha trở lên.

Chuyển đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì hình thức và mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,1ha.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1ha đến dưới 0,5ha.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5ha đến dưới 1ha.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 1ha đến dưới 3ha.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên.

Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01ha.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,01ha đến dưới 0,02ha.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02ha đến dưới 0,05ha.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05ha đến dưới 0,1ha.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1ha đến dưới 0,5ha.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5ha đến dưới 1ha.

Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 1ha đến dưới 3ha.

Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên.

Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng hai (2) lần mức phạt quy định tại khoản 3 Điều này.

Thêm vào đó, đối tượng vi phạm buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm...

Ngoài ra, Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về việc xử phạt với hành vi sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả.

Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về việc xử phạt với hành vi sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Mức phạt cao nhất lên tới 400 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả.

(tổng hợp)