Bất động sản mới nhất: Tuyến đường Lê Văn Lương với nhiều nhà cao tầng 2 bên là tâm điểm dư luận những ngày vừa qua. (Ảnh: Trần Kháng) |
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phản hồi về Kết luận 39 của Bộ Xây dựng
Tại cuộc họp báo của UBND TP. Hà Nội chiều (1/7), rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh hàng loạt vi phạm về quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) đã được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra trong Kết luận 39 mới đây.
Ông Phạm Quốc Tuyến - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội - đã trả lời các vấn đề báo chí quan tâm.
Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều nội dung như việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, không thuộc trường hợp được điều chỉnh, chỉ tiêu quy hoạch đồ án phê duyệt sau không phù hợp đồ án phê duyệt trước, các đồ án quy hoạch phân khu cập nhật không đúng quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch, tổng mặt bằng không thuộc trường hợp được điều chỉnh, vi phạm Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, quá trình điều chỉnh quy hoạch không tuân thủ các quy định...
Theo ông Tuyến, kết luận thanh tra đã được công bố ngày 20/5 nhưng đến nay Sở mới lên tiếng "có vẻ như rất chậm". Vị này giải thích, việc thông tin đến các nội dung này phải dựa trên rà soát, xem xét để đảm bảo thông tin chính xác khi cung cấp, không gây ra các hệ quả khác.
Về việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, ông Tuyến cho biết, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, với chức năng là cơ quan tham mưu cho TP. Hà Nội về quy hoạch, đồng thời là đối tượng thanh tra, sẽ thực hiện cung cấp thông tin rà soát kiểm tra.
Vị này khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra. Tuy nhiên, trong vòng 60 ngày công bố kết luận, Sở này cũng cho biết sẽ có báo cáo giải trình một số nội dung chưa thống nhất.
Về việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, ông Tuyến cho biết: Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng có khoảng 15 dự án điều chỉnh nhiều lần. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết không đồng tình với nội dung này.
Ngoài ra, về việc không tính toán giải pháp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, tại một số dự án, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận điều chỉnh quy hoạch khi chưa tính toán hạ tầng kỹ thuật cũng cần được xem xét lại cho phù hợp.
Nhà đầu tư cắt lỗ "tháo chạy"?
Trong mấy năm gần đây, thị trường BĐS liên tục diễn ra tình trạng "sốt nóng", theo đó giá đất cũng biến động mạnh theo chiều hướng đi lên. Nhiều người đã kiếm bội tiền từ đầu tư nhà đất, thậm chí chỉ cần xuống tiền mua đất trong thời gian ngắn đã lãi vài trăm triệu đồng, người vốn lớn có thể lãi đến tiền tỷ.
Sợ mất cơ hội làm giàu nên dù "cơn sốt" BĐS đã kéo dài suốt mấy năm nhưng nhiều người vẫn ôm tiền lao vào cơn sốt, mua đúng đỉnh. Đến nay, thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại ở nhiều địa phương, đặc biệt là phân khúc đất nền. Không ít nhà đầu tư lo lắng, sợ "chôn vốn" nên bắt đầu rao bán cắt lỗ.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật (24-30/6): Mỹ vẫn vững mạnh, châu Âu khó ‘ép giá’ dầu Nga, Moscow ‘sẵn sàng hy sinh’ một phần ngân sách để làm gì? |
Giới BĐS lâu năm tại Hà Nội cho rằng, các nhà đầu tư mới khi tham gia vào thị trường đúng lúc sốt nóng, họ chỉ chứng kiến được câu chuyện lãi từ đất và lướt sóng kiếm lời.
Thường nhóm nhà đầu tư mới sẽ rất sôi nổi trong lúc thị trường BĐS nóng. Họ sẵn sàng vay kịch khung để bỏ vào đất. Một vài thương vụ họ kiếm được 100 - 200 triệu đồng nhưng đến khi thị trường đi xuống họ phải trả giá lớn hơn rất nhiều so với số tiền kiếm được.
Thực tế, khi thị trường có biến động, mức giá đạt đỉnh thì sẽ có lúc đi xuống. Tuy nhiên, lúc nào thị trường lao dốc thì không ai chắc chắn được, nên cần cân nhắc kỹ tới việc sử dụng đòn bẩy tài chính.
Theo ông Trần Thế Anh - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Thắng Lợi, những động thái như kiểm soát chặt hơn dòng vốn vào thị trường BĐS, siết chặt hơn quy hoạch dự án, phân lô tách thửa đất hay mạnh tay áp thuế chuyển nhượng BĐS… khiến thị trường địa ốc trầm lắng hơn.
Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra trong ngắn hạn và tác động tới các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy nợ vay nhiều, trong khi nhà đầu tư sử dụng tiền "thịt" ít bị ảnh hưởng.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, cho rằng, hiện tượng bán cắt lỗ, thoát hàng để thu hồi tiền mặt chỉ diễn ra một cách âm thầm, cục bộ ở một số khu vực, một số nhà đầu tư, chứ không phải là làn sóng bán tháo.
"Trong lúc này, nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ để cơ cấu lại tài sản. Nếu người bán giảm đến 10-15% so với thị trường thì nên mua ngay. Cơ hội lúc này dành cho những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, đầu tư dài hạn", ông Quang phân tích.
Giá nhà đất tăng phi mã vượt vàng, chứng khoán
Theo số liệu được một đơn vị nghiên cứu về BĐS đưa ra mới đây, trải qua hai năm dịch bệnh kéo dài, thị trường nhà đất, vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm ghi nhận nhiều diễn biến thăng trầm.
Thống kê cho thấy, trong khoảng thời gian từ 1/2020-6/2022, đất và nhà ở có chỉ số tăng giá cao nhất, xếp sau đó là vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm.
Trong tháng 6/2022, chỉ số giá đất tăng 86% so với tháng 1/2020. Mặc dù chỉ số giá vàng và chứng khoán đã tăng mạnh vào tháng 1 năm nay, lần lượt tăng 44% và 57% so với tháng 1/2020, nhưng sang tháng 6/2022, giá vàng và chứng khoán đã giảm, nên mức tăng so với tháng 1/2020 còn 34% và 21%.
Cũng theo nghiên cứu của đơn vị này, đất nền từ Nam ra Bắc tăng giá mặc dù mức độ quan tâm giảm ở nhiều khu vực.
Theo ước tính, trong quý II/2022, đất nền tại miền Bắc và miền Nam có mức độ quan tâm giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá 2021.
Hà Nội chứng kiến nhu cầu tìm kiếm đất nền giảm đến 23% nhưng mặt bằng giá rao bán đất ở nhiều quận, huyện vùng ven tăng mạnh. Trong đó, đất nền huyện Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai tăng lần lượt 31%, 27% và 20% so với trung bình giá năm 2021.
Thị trường TP.HCM cũng ghi nhận mức độ quan tâm đất giảm 11%. Tuy nhiên, giá rao bán đất nền trong quý II/2022 ở nhiều khu vực của Thành phố đều tăng so với trung bình năm 2021, như quận 9 tăng 11%, Củ Chi tăng 8%, Nhà Bè tăng 4%.
Theo chuyên gia BĐS, mặc dù mức độ quan tâm đến BĐS có dấu hiệu “giảm nhiệt” tại nhiều tỉnh thành trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021 nhưng trong ngắn hạn giá BĐS sẽ khó có khả năng giảm.
Ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn. Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.
Thị trường đất nền toàn quốc trong quý II/2022 ghi nhận mức độ quan tâm ước tính giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 5% so với quý 2/2019 - thời kỳ trước dịch Covid-19.
Đánh giá về thị trường BĐS thời gian qua, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường BĐS hiện nay so với cùng kỳ năm 2021 và cuối năm 2021 có nhiều nơi đã hạ nhiệt, tốc độ tăng giá đã chậm lại mặc dù giá vẫn còn cao.
Số thu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng BĐS trong những tháng đầu năm đạt hơn 16,6 nghìn tỷ đồng; tăng tới 73% so với cùng kỳ năm 2021. (Ảnh: Hà Phong). |
Số thu thuế BĐS tăng mạnh
Số thu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng BĐS trong những tháng đầu năm đạt hơn 16,6 nghìn tỷ đồng; tăng tới 73% so với cùng kỳ năm 2021.
Báo cáo tại hội nghị sơ kết 6 tháng, Tổng cục Thuế cho hay cơ quan này đã triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS thông qua việc Cục Thuế các tỉnh, thành phố tham mưu với UBND chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, ban hành kịp thời Quyết định điều chỉnh bổ sung Bảng giá đất.
Cơ quan thuế các cấp thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính và quy trình làm việc trực tiếp với người nộp thuế theo quy định; Triển khai đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người nộp thuế tại bộ phận một cửa liên thông theo nguyên tắc “Tiền phòng, hậu kiểm”...
Việc triển khai các biện pháp nêu trên đã góp phần giúp thu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng BĐS trong những tháng đầu năm đạt hơn 16,6 nghìn tỷ đồng; tăng tới 73% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, cơ quan thuế các cấp đã quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ hoạt động này thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu trong 6 tháng đạt 760 tỷ đồng, lũy kế đến nay đạt 5.432 tỷ đồng.
Nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài, ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế chính thức công bố và đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế từ bất cứ đâu trên thế giới thông qua Cổng.
Đến nay, đã có 23 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước Việt Nam, tổng số thuế khoảng 2,4 triệu USD.
| Vì sao ‘pháo đài nước Nga’ vẫn đứng vững trước trùng điệp đòn trừng phạt từ phương Tây? Nga đã từng hứng chịu nhiều cú sốc kinh tế và 25 năm qua đã cho thấy, nền kinh tế này có thể chịu đựng ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (24-30/6): Mỹ vẫn vững mạnh, châu Âu khó ‘ép giá’ dầu Nga, Moscow ‘sẵn sàng hy sinh’ một phần ngân sách để làm gì? Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực toàn cầu, G7 dự tính áp giá trần với dầu Nga, hỗ trợ ... |