Bất động sản mới nhất: Phối cảnh đường đi bộ của dự án BerRiver Jardin. (Nguồn: BRGLand) |
Tỷ lệ lấp đầy nhà phố ì ạch sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4
Cùng với chuyển biến thị trường nhà phố sau 3 lần đối diện với Covid-19, đợt bùng dịch thứ 4 có tốc độ lây lan nhanh mạnh được dự đoán không chỉ là cú đấm thép tác động mạnh nhất đến tình hình kinh tế xã hội, mà còn là đòn đánh gây thương tổn mạnh hơn đến thị trường nhà phố.
Theo chuyên gia Savills, thị trường bán lẻ đang đối diện với một thử thách lớn chưa bao giờ có, khi chủ nhà không còn là người nắm thế thượng phong và cần có những biện pháp chuyển mình để sinh tồn, thích ứng với tình trạng "bình thường mới".
Trước đó, trải qua 3 đợt bùng phát Covid-19, với sự kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước, phân khúc bất động sản bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu có những tín hiệu hồi phục và tăng trưởng tích cực thể hiện qua tỷ lệ lấp đầy. Giá thuê dần phục hồi, nhất là các mặt bằng ở vị trí trung tâm.
"Tuy nhiên, đối diện với làn sóng thứ 4 của Covid-19 vào tháng 5, một vài mặt bằng thuê dù đã dựng vách thi công cũng chấp nhận chịu lỗ và tiến hành trả mặt bằng do những thay đổi trong chiến lược của các nhà bán lẻ nhằm thích ứng với đại dịch và đẩy mạnh bán hàng qua thương mại điện tử", theo báo cáo từ Savills.
Điều này dẫn đến tỷ lệ lấp đầy tăng trưởng chậm trên thị trường bất động sản bán lẻ: nhà phố căn góc tại những tuyến đường có lưu lượng giao thông cao có tỷ lệ được thuê tốt hơn, còn những khu vực khác, ngay cả những mặt bằng sầm uất như đường Hồ Tùng Mậu, đường Huỳnh Thúc Kháng, đường Đồng Khởi (Quận 1), tỷ lệ lấp đầy cũng bị ảnh hưởng không ít.
Có thể thấy, chênh lệch cung cầu đang tăng theo diễn biến phức tạp của tình hình đại dịch. Đa số chủ nhà phố đồng ý hợp tác đàm phán để hỗ trợ giảm 20-40% cho thời gian giãn cách toàn xã hội theo chỉ thị 15 và 16 nhằm giữ được hợp đồng thuê.
Bà Võ Thị Khánh Trang - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Savills TP. Hồ Chí Minh - cho biết, thị trường đang chuyển sang hướng khách thuê dẫn dắt thị trường, trong khi, chủ nhà đang giảm dần sự lạc quan và đã bắt đầu tiếp nhận việc thương lượng để có thể cho thuê mặt bằng.
Đất nền lao dốc, lộ diện những nơi giảm sâu nhất
Theo báo cáo dữ liệu thị trường bất động sản tháng 5 vừa được batdongsan.com.vn công bố sáng 10/6, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường bất động sản. Phân tích dựa trên dữ liệu lớn có thể thấy lượng quan tâm sụt giảm mạnh ở loại hình đất nền tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là tại những tỉnh có số lượng ca nhiễm cao.
Cụ thể, so với tháng 4, đất nền là loại hình bất động sản bị ảnh hưởng lớn nhất khi dịch bùng phát, với mức quan tâm giảm 19% chung cho toàn thị trường. Đây cũng là mức giảm của thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, báo cáo cũng cho thấy một số tỉnh thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%)...
Sự chững lại của thị trường sau đợt "sốt đất" cục bộ được cho là khoảng lặng để giới đầu tư xem xét toàn cảnh và tìm kiếm cơ hội đầu tư đón sóng.
Tuy nhiên, theo khảo sát, thị trường đất nền có dấu hiệu giảm nhiệt, song giá không "cắt lỗ" mạnh thành làn sóng như nhiều người mong chờ.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn - cho biết, khác với các năm trước đây, giới đầu tư bất động sản thận trọng và suy tính dài hạn hơn trong bài toán tài chính.
"Họ gần như ít chấp nhận khoản lỗ lớn và lộ trình tài chính rõ ràng nên sẽ ít chấp nhận báo tháo với giá quá thấp. Trong trường hợp thị trường hạ nhiệt, giao dịch giảm thì giới đầu tư cũng chỉ chấp nhận ra hàng với tầm giá ít nhất bằng giá mua vào, nếu có thì cũng chỉ giảm nhẹ", ông Quốc Anh nhận định.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng giá thị trường sẽ tiếp tục đi ngang, ít nhất là trong 2 quý tới.
Tin liên quan |
Căng thẳng thương mại Trung Quốc-Australia: Bộ số thống kê đáng kinh ngạc, đơn giản là không thể thiếu nhau |
Bộ Xây dựng trả lời về đô thị vệ tinh Hoà Lạc
Theo Vietnamnet, Bộ Xây dựng mới đây đã trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội về việc sớm hoàn thiện công tác lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị vệ tinh Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội).
Cử tri Hà Nội cho rằng việc sớm thực hiện, hoàn thiện thiện công tác lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị vệ tinh Hoà Lạc sẽ thu hút các dự án đầu tư, thực hiện quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Thạch Thất và các huyện, thị nằm trong vùng quy hoạch. Từ đó cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm thực hiện các quy hoạch trên.
Trả lời vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 705 ngày 28/5/2020.
Căn cứ Quyết định 705, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm tổ chức lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các nhiệm vụ tổ chức thực hiện quy hoạch theo thẩm quyền, quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.
Các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị trực thuộc triển khai rà soát, thực hiện các nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý phù hợp với quy hoạch chung được phê duyệt.
Về tiến độ thực hiện, Bộ Xây dựng cho hay, hiện UBND TP. Hà Nội đang chỉ đạo tổ chức lập các quy hoạch phân khu đô thị để cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, làm cơ sở xác định các dự án đầu tư và lập quy hoạch chi tiết.
Bộ Xây dựng sẽ tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai theo Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thực hiện góp ý kiến đối với các đồ án quy hoạch phân khu theo quy định.
Hà Nội đề xuất đánh thuế biệt thự "ma"
TP Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
Cụ thể, TP Hà Nội đề xuất với biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị.
Cùng với đó, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10-20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên.
Đề xuất này được đưa ra khi tình trạng các khu đô thị “ma” xuất hiện ngày một nhiều, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, làm mất mỹ quan đô thị.
Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn. |
Tình trạng các ngôi biệt thự, liền kề bỏ hoang cả thập kỷ không có người ở xuất hiện la liệt tại loạt các khu đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó nhiều dự án tại huyện Hoài Đức như: khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn; khu đô thị Nam An Khánh, khu đô thị Vân Canh, khu đô thị Ledico; khu biệt thự Vườn Cam - Orange Garden; hay khu đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm); khu đô thị Hà Phong (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh); Khu đô thị Cầu Bươu (huyện Thanh Trì)…
Hiện trên thị trường các căn biệt thự, liền kề bỏ hoang hoang này có giá rao bán từ vài tỷ cho đến cả chục tỷ đồng.
Dự án BerRiver Jardin Long Biên đáp ứng nhu cầu sống xanh
Năm nay, trang Green Home Gnome ghi nhận, cả người mua và người thuê nhà đều mong muốn hưởng thụ lối sống xanh tốt cho sức khỏe. Những khu vực được ưu tiên lựa chọn thường có cảnh quan gắn liền không gian sống, có lối dạo bộ, lối đi dành cho xe đạp, những tiện ích sức khỏe như gym, yoga, hồ bơi...
Tại Việt Nam, xu hướng trên đang dần phổ biến. Báo cáo của JLL cho thấy, tìm kiếm không gian sống xanh thể hiện rõ nét trong năm qua. Người mua nhà ngày càng quan tâm đến môi trường sống lành mạnh và bền vững để an cư hơn là một không gian để ở đơn thuần.
Chỉ vài tháng trước, mặc dù nhu cầu mua nhà chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, dự án BerRiver Jardin (Long Biên, Hà Nội) vẫn có tỷ lệ tiêu thụ tốt với tòa N02 giới thiệu ra thị trường. Đại diện chủ đầu tư BRGLand cho biết, kết quả trên đến từ thế thiết kế theo triết lý "sống xanh" gần gũi với môi trường của dự án.
Ngoài ra, BerRiver Jardin còn có lợi thế nhờ vị trí nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, ngay trung tâm quận Long Biên, quy hoạch tổng thể có tiện ích đồng bộ, chất lượng bàn giao tốt, pháp lý minh bạch.
Với thiết kế về kiến trúc và cảnh quan của West Green Design, công ty thiết kế hàng đầu Canada, các khoảng cách và tỷ lệ kiến trúc của căn hộ định hình trên cơ sở nghiên cứu hướng nắng, gió nhằm tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên nhưng vẫn giảm thiểu tác động của khí hậu, dịu bớt ánh sáng mạnh của miền nhiệt đới.