📞

Bất động sản mới nhất: Đất nền không còn được săn đón, điều kiện tách thửa ở Hà Nội, loạt dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn

Hải An 08:56 | 16/08/2022
Thị trường đất nền bớt nóng, đất tách thửa tại quận nội thành Hà Nội phải đủ 40m2, thủ tục cho tặng đất giữa anh em ruột... là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Thị trường đất nền bớt 'nóng'. (Nguồn: Dân trí)

Nhà đầu tư bắt đầu rụt rè với thị trường đất nền

Hai năm dịch bệnh, giá đất ở nhiều tỉnh bị đẩy lên quá cao trong “cơn sốt” đất, khiến mặt bằng giá không tương xứng với tiềm năng nên hiện tại, nhiều nhà đầu tư bắt đầu rụt rè hơn với thị trường đất nền.

Đại diện Batdongsan.com.vn cho biết, đất nền một số khu vực từng là tâm điểm các cơn “sốt nóng” như Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Gia Lâm… đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh về số người tìm kiếm, quan tâm.

Trong khi đó, đất nền Thạch Thất giá rao bán tăng 17% nhưng lượng quan tâm và tìm kiếm giảm 2% so với năm 2021, tại Quốc Oai giá đất tăng 20% nhưng mức độ quan tâm giảm 24%; đất nền Đông Anh giá tăng 31% nhưng mức độ quan tâm giảm 29%. Giá chào bán đất nền Gia Lâm tăng 27% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%.

Với các thị trường giáp ranh Hà Nội, Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận kịch bản tương tự. Đơn cử như đất nền Bắc Ninh giá tăng 9% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%.

Cá biệt, tại Bắc Giang, đất nền ở một số khu đô thị mới ở TP Bắc Giang từng được rao bán ở mức 25 - 30 triệu đồng/m2, thì nay môi giới hạ xuống còn 15 - 20 triệu đồng/m2. Đất nền ở các khu dân cư tại huyện Lục Nam thì tình trạng rớt giá sâu hơn, có nơi giảm từ 10 - 12 triệu đồng/m2, so với cùng kỳ năm 2021.

Tại thị trường phía Nam, báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam chỉ ra, trong tháng 7 vừa qua, thị trường TP HCM và vùng phụ cận ghi nhận 857 sản phẩm đất nền mới đến từ 6 dự án. Nguồn cung tăng khoảng 49% so với tháng trước nhưng vẫn còn khá thấp so với giai đoạn trước năm 2020.

Đáng chú ý, chỉ có 410 nền được tiêu thụ, cho thấy sức cầu chung toàn thị trường dừng ở mức 48%. Tỷ lệ tiêu thụ giảm đáng kể so với các tháng trước đó: giảm 6% so với tháng 6 và giảm 26% so với tháng 5.

Về giá bán, giá sơ cấp đất nền tại Long An dao động từ 15,6 - 31,9 triệu đồng/m2, tại Đồng Nai dao động từ 16,5 - 49,7 triệu đồng/m2, tại Bình Dương dao động từ 16,8 - 25 triệu đồng/m2.

Giá bán thứ cấp tăng phổ biến từ 7 - 11% so với cuối năm trước. Tuy nhiên thanh khoản trên thị trường thứ cấp đã sụt giảm, kể cả với những dự án đã có sổ từng nền. DKRA cho rằng nguyên nhân phần lớn đến từ động thái tăng cường kiểm soát tín dụng.

Dự báo trong những tháng tiếp theo, nguồn cung và lượng tiêu thụ sẽ tiếp tục giảm.

Nhận định về tình trạng này, nhiều nhà đầu tư và môi giới cho rằng, 2 năm dịch bệnh, giá đất ở nhiều tỉnh bị đẩy lên quá cao trong “cơn sốt” đất, khiến mặt bằng giá không tương xứng với tiềm năng, thậm chí có khu vực đất nông thôn bị đẩy giá tăng 200 – 300%. Bên cạnh đó, khi xã hội trở lại trạng thái bình thường, các ngành nghề khác hoạt động trở lại, người ta nhận thấy đầu tư đất nền ở mức giá “ảo” quá rủi ro, nên bắt đầu thanh khoản, chuyển hướng đầu tư.

Đất tách thửa tại nhiều quận ở Hà Nội phải tối thiểu 40m2

Mới đây, UBND TP. Hà Nội có Dự thảo Quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn TP. Theo đó, dự thảo quy định điều kiện tách thửa đối với thửa đất ở, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất.

Cụ thể, các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa phải có chiều dài (chiều sâu) so với chỉ giới xây dựng từ 4m trở lên và có chiều rộng cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu (hoặc mô tả trên hồ sơ) từ 3m trở lên đối với khu vực các phường, thị trấn; từ 4m trở lên đối với khu vực các xã vùng đồng bằng; từ 5m trở lên đối với khu vực các xã vùng trung du và miền núi.

Đồng thời, đất có diện tích nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 30m2 đối với khu vực các phường thuộc 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng; không nhỏ hơn 40m2 đối với khu vực các phường thuộc thị xã Sơn Tây và 8 quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ; không nhỏ hơn hạn giao đất ở mới (mức tối thiểu) quy định tại Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 20/2017 ngày 1/6/2017 của UBND TP đối với các xã, thị trấn còn lại.

Ngoài ra, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa phải đáp ứng điều kiện có đường vào.

Cụ thể, trường hợp chia tách thửa đất có hình thành ngõ đi thì ngõ đi phải có chiều rộng mặt cắt ngang: Từ 4m trở lên đối với thửa đất thuộc khu vực các xã vùng trung du và miền núi; từ 3m trở lên đối với thửa đất thuộc khu vực các xã vùng đồng bằng; từ 2m trở lên đối với thửa đất thuộc khu vực thị trấn và các phường thuộc thị xã Sơn Tây và 8 quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ; từ 1m trở lên đối với thửa đất thuộc khu vực các phường thuộc 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Trường hợp chia tách thửa đất có hình thành đường giao thông trên diện tích đất không phải là đất ở, thì người sử dụng đất phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trước khi thực hiện thủ tục chia tách thửa đất…

Hòa Bình công bố loạt dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn

Nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo tính minh bạch của thị trường BĐS, Sở Xây dựng Hòa Bình vừa công khai loạt danh sách các dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh BĐS.

Theo đó, trong danh sách 51 dự án được Sở Xây dựng công bố gồm có Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc (35ha) tại xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn của liên danh Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Xanh Kỳ Sơn và Công ty Cổ phần Tập đoàn TELIN; Khu nhà ở Thăng Long Xanh (gần 100ha) tại xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn của liên danh Công ty Cổ phần Thăng Long Land, Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng; Làng sinh thái Việt Xanh (gần 50ha) tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn của Công ty Cổ phần địa ốc Sài Gòn; Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn (98ha) tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn của liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Reenco Hòa Bình, Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng…

Dự án Khu biệt thự nhà vườn, trồng rừng kết hợp sinh thái tại xã Mông Hóa (Welham ChanLake tại Hồ Dụ); Khu dân cư tổ 1, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) của Công ty Cổ phần HB Grandland….

Nhằm tránh những rủi ro trong giao dịch và đảm bảo tính minh bạch của thị trường BĐS, Sở Xây dựng Hòa Bình khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các BĐS chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định.

Sở Xây dựng Hòa Bình cũng đề nghị trường hợp các tổ chức, cá nhân có bằng chứng về việc ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua bán sản phẩm dự án giữa khách hàng và chủ đầu tư thì cung cấp về Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan như: Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, nơi có dự án rao bán để xem xét, xử lý.

Thủ tục cho tặng đất giữa anh em ruột theo quy định hiện hành

Thủ tục cho tặng đất giữa anh em ruột phải đảm bảo đúng quy định của luật dân sự hiện hành và luật đất đai, nhà ở hiện hành. Mời bạn đọc tham khảo bài viết dướu đây để nắm rõ các quy định và thủ tục về việc cho tặng đất giữa anh em trong gia đình.

Theo đó thủ tục bao gồm 3 bước.

Bước 1. Soạn thảo hợp đồng cho tặng nhà đất

Hợp đồng cho/tặng BĐS là những thoả thuận của các bên về việc cho/tặng đất. Điều 462 Luật Dân sự 2015 quy định việc cho tặng có thể kèm theo điều kiện, tức là bên tặng cho có quyền yêu cầu bên nhận thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ sau khi tặng cho.

Nếu các bên không biết cách thiết lập hợp đồng cho tặng đúng quy định thì có thể gửi đơn đề nghị đến UBND cấp xã nơi có đất hoặc các văn phòng công chứng để được hướng dẫn và thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng cho tặng nhà đất tại đây.

Bước 2. Công chứng, chứng thực hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

Theo Khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng 2014, bộ hồ sơ yêu cầu công chứng bao gồm các giấy tờ sau:

- Phiếu yêu cầu công chứng.

- Dự thảo hợp đồng cho tặng (nếu có).

- Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

- Bản sao giấy tờ tuỳ thân (CMND/CCCD và sổ hộ khẩu) của bên tặng cho và bên nhận tặng cho.

- Bản sao giấy tờ khác liên quan đến hợp đồng tặng cho (giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, quyết định ly hôn).

Ngoài ra cần mang theo bản chính các giấy tờ trên để đối chiếu.

Bước 3. Sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Trình tự sang tên giấy chứng nhận khi cho, tặng quyền sử dụng đất được quy định tại Khoản 1 Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP:

Người có nhu cầu sang tên cần đến văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã nộp 01 bộ hồ sơ gồm:

- Bản sao CMND/CCCD hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng kèm theo bản chính hoặc bản photo công chứng một trong các giấy tờ này.

- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.

- Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đã công chứng/chứng thực.

- Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp.

Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, bộ phận tiếp nhận cần hướng dẫn người dân hoàn thiện, bổ sung hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp hồ sơ đã đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì cán bộ phòng đăng ký đất đai tiếp tục thực hiện các công việc:

- Gửi thông tin địa chính tới cơ quan thuế để xác định và thông báo nghĩa vụ thu tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.

- Xác nhận các nội dung thay đổi vào giấy chứng nhận đã cấp.

- Chỉnh lý và cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai.

Khi hoàn tất các thủ tục cho tặng đất giữa anh em ruột, người dân sẽ nhận lại giấy chứng nhận đã sang tên tại văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã.